Mới quản lý được 1/10 số tài sản trên thực tế
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức gần đây, đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH - cho rằng việc quản lý tài sản công hiện còn nhiều vấn đề tồn tại.
Trong đó, tồn tại đầu tiên nằm ở quá trình đầu tư các dự án lớn. “Với quy mô 120 tỷ GDP như năm vừa qua nhưng chúng ta có đến hàng trăm cảng biển, rất nhiều sân bay, bao nhiêu cụm kinh tế, khu công nghiệp…
Địa phương nào cũng có cảng, có sân bay dẫn đến việc đầu tư còn quá dàn trải. Về các dự án, theo ước tính của các nhà khoa học và kinh tế, trung bình từ năm 2005 tới nay nước ta mỗi năm có khoảng 25.000-30.000 dự án lớn nhỏ, chỉ riêng tiền làm quy hoạch các dự án nếu không thực thi được đã có thể dẫn đến thất thoát hàng nghìn tỉ”, ông Nhưỡng nói.
Bên cạnh đó, theo ĐB Nhưỡng, cho đến nay, nhiều loại tài sản còn chưa đưa vào hệ thống quản lý. “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 mới đưa vào 4 nhóm, rất nhiều tài sản còn để bên ngoài. Mà “để bên ngoài” có nghĩa là buông lỏng quản lý, từ buông lỏng quản lý mới sinh ra nhiều tiêu cực khác. Chúng ta có đến 10 triệu tỷ đồng tài sản khác đang nằm rải rác ở khắp nơi nhưng mới quản lý được hơn 1 triệu tỷ, tức là 1/10 số tài sản trên thực tế. Đây là vấn đề rất nguy hiểm”, ông cho hay.
Việc để các công trình khoa học được đầu tư rất nhiều tiền nhưng bỏ xó, không để làm gì cũng được Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho là hành vi “vô cùng nguy hiểm và lãng phí”. Ông Nhưỡng cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về việc sử dụng xe công, mà trong đó có hiện tượng những lãnh đạo địa phương không đủ điều kiện có xe riêng nhưng vẫn có xe đưa đón hàng ngày “rồi còn đi đây đi đó công việc riêng”.
Cùng với đó là tình trạng tài sản sử dụng không đúng mục đích. “Việc quản lý các cơ sở nhà đất giao cho các cơ quan như thế nào đến nay chúng ta chưa nắm rõ. Vừa qua chúng ta mới rà soát có 155.000 cơ sở nhưng tôi nghĩ không chỉ dừng lại ở 155.000 mà còn nhiều hơn thế”, ông Nhưỡng nói.
Một tồn tại khác trong công tác quản lý tài sản công được ĐB Nhưỡng chỉ ra là việc chính sách còn chậm đổi mới, không phản ứng kịp với các yêu cầu của xã hội dẫn đến tình trạng có những quy hoạch, dự án hàng triệu mét vuông đất để không trong khi bà con nông dân không có đất để cày cấy, sản xuất nông nghiệp. Ông cũng trăn trở về tình trạng thiếu quy định quản lý chặt chẽ, tạo kẽ hở cho nạn tham nhũng, lãng phí mà tiền đó không thu hồi được.
Thiếu chế tài cụ thể
Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công được ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) chỉ ra. Theo đó, công tác này hiện được điều chỉnh bởi rất nhiều luật khác nhau và chưa có một luật nào quy định những nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong hệ thống văn bản pháp luật hiện có có những điểm chưa đầy đủ, chưa phù hợp, còn chồng chéo và nhiều khi chưa bao quát được thực tiễn.
Còn ông Đinh Văn Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH – cho rằng việc quản lý tài sản công có nhiều hạn chế như vậy một phần nằm ở việc chế tài xử lý vi phạm còn rất hạn chế. Theo ông Nhã, ngay như tài sản lớn nhất là ngân sách nhà nước thì cho đến nay Luật Ngân sách Nhà nước (có hiệu lực từ 1/1/2017), dù quy định hành vi vi phạm rất nhiều nhưng việc xử lý lại không quy định rõ.
“Ví dụ, nếu phát hiện công chức dùng xe công không đúng mục đích như đi lễ chùa thì xử lý vi phạm như thế nào? Chắc chỉ đến mức độ kiểm điểm, rút kinh nghiệm...! Nếu cứ thế thì sẽ không thể chấm dứt được câu chuyện sử dụng tài sản công sai mục đích, lãng phí, thất thoát”, ông nhận định và cho rằng chế tài xử phạt trong các trường hợp vi phạm phải mang tính răn đe cao để ngăn chặn được tình trạng tài sản công bị “ăn mòn” và việc vi phạm ngày càng tinh vi.
Bên cạnh đó, ông Nhã cũng cho rằng, nguyên nhân khiến việc quản lý, sử dụng tài sản công còn có những hạn chế lớn dù có quy định pháp luật là do việc thực thi pháp luật liên quan đến công khai trong quản lý tài sản còn hết sức yếu kém.
“Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhưng hình như cho đến nay người dân đứng ngoài cuộc trong tất cả các khâu liên quan đến quy trình quản lý và sử dụng tài sản công trong phạm vi cả nước. Vì tính công khai còn kém nên có những số liệu công khai về tài sản công chưa được kiểm chứng”, ông nói.
Từ thực trạng trên, các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp để tăng cường hiệu quả quản lý tài sản công, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát trong mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tất cả các chủ thể trong xã hội đối với tài sản công; hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến vấn đề này; đảm bảo việc thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công đúng các quy định pháp luật…
Đánh giá cao những điểm tiến bộ trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) dự kiến sẽ được QH thông qua tại kỳ họp này, ông Đinh Văn Nhã cũng lưu ý vấn đề công khai, minh bạch thông tin về tài sản công.
“Các cơ quan theo quy định của luật được giao cho quyền quản lý, sử dụng, khai thác, kể cả các cơ quan cung cấp dịch vụ cho quản lý tài sản công phải công khai thông tin. Bất cứ một đối tượng nào dù là người dân ngồi ở nhà vào internet cũng có thể biết bộ này, ngành này, địa phương này thậm chí là đơn vị tài khoản cấp 2, cấp 3 sử dụng tài sản công mua sắm như thế nào. Nếu chúng ta tổ chức tốt, hướng dẫn tốt thì sắp tới người dân sẽ có thông tin số liệu là những con số biết nói, có thuyết minh chi tiết.
Từ cơ sở dữ liệu mà người có trách nhiệm cung cấp, người dân được tiếp cận thông tin phong phú, đa dạng. Thậm chí, họ có quyền tố cáo, khiếu nại các cá nhân, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng tài sản công nhưng không minh bạch, không công khai theo quy định của pháp luật”, ông Nhã nhận định.