Vấn đề là ở chỗ, quản lý tốt thì không bao giờ rơi vào tình trạng bị động và liên tục phải ứng phó. Dân ở vùng có bãi rác chịu đủ những thiệt thòi, ô nhiễm mà lẽ ra nếu có một chính quyền thực sự vì dân thì họ không phải chịu đựng như vậy. Cần thấy chua xót khi dân nói rằng chỉ có 3 ngày ứ rác mà dân nội thành không chịu nổi mà họ đã phải chịu điều đó 20 năm rồi. Vì thế, chẳng có lý do gì mà không giải quyết những yêu cầu chính đáng, mang lại sự công bằng tối thiểu cho họ.
Hôm qua, trong Hội nghị trực tuyến với các quận, huyện của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nêu cảm xúc xấu hổ của mình khi vườn hoa sau đêm giao thừa dương lịch vừa qua bị giẫm đạp tan hoang. Những người dân đã thản nhiên giẫm đạp lên hoa, vô tư xả rác… lại tiếp tục làm vất vả những người lao công hẳn không hề biết đến sự xấu hổ vì nếu có văn hóa xấu hổ họ đã không làm chuyện đó. Họ nghiễm nhiên xéo nát và xả rác bởi họ cho mình cái quyền đó vì họ đã đóng thuế và công nhân vệ sinh môi trường được trả tiền để thu dọn những thứ họ bày ra. Cái tâm lý của đám đông đó xét cho đến cùng là cũng là sản phẩm của môi trường xã hội, kết quả của kiểu quản lý nửa vời, không biết đến nỗi khổ của người khác, vô cảm và ích kỷ, không biết lo cho nhau, cứ để cho dân “sống chung với rác”.
Một kiểu quản lý cầm cự khác, tất dẫn đến thất thủ trong lĩnh vực giao thông. Dư luận đã cảnh báo từ lâu về tài xế xe tải nghiện hút, buộc phải làm quá giờ, bằng lái mua,... Nhưng chỉ khi những tai nạn thảm khốc, kinh hoàng xảy ra thì mới có các động thái kiểm tra, dọa tước bằng lái, quy trách nhiệm cho chủ,... Chỉ kiểm tra tại một cảng thôi đã phát hiện 14% tài xế container dương tính với ma túy. Những “thần chết” ngồi sau vô lăng này từng ngồi ở vị trí đó rất lâu rồi. Hoặc, tình trạng xe ben tung hoành ở TP HCM có tờ báo đeo đuổi, phản ảnh 3, 4 năm nay, Cảnh sát giao thông hứa hẹn, cảm ơn nhưng tình trạng vẫn thế và còn lộng hành hơn trước. Quản lý kiểu gì đây?
Quản lý đô thị theo kiểu trồng cây dưới lòng đường, dư luận bức xúc thì đánh lên, chuyển đi nơi khác rồi lại sẽ chuyển về trồng lại nơi cũ khi có điều kiện thích hợp. Trồng cây dưới lòng đường được khẳng định là đúng, nhổ lên cũng là đúng,... chỉ dư luận là sai khi nghi ngờ hàng trăm triệu “tạo cảnh quan” rơi rụng không nhà quản lý đô thị nào tiếc cả. Quản lý như vậy, cầm cự được là đã quá tốt rồi, nghĩ gì đến phát triển và kiến tạo!