Với bất kể ngành nào, sự tắc trách đều khó chấp nhận, riêng đối với ngành Y tế thì càng không thể chấp nhận bởi “sai một ly đi một dặm”. Do vậy, điều người bệnh cần là sự tận tâm, trách nhiệm của mỗi nhân viên và người đứng đầu mỗi cơ sở y tế.
Việc không nên kiêm nhiệm mà vẫn kiêm nhiệm
Ở nước ta, bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo rất nhiều. Hiện toàn quốc có hơn 20.000 bệnh nhân đang được điều trị bằng lọc máu chu kỳ tại hơn 100 cơ sở y tế có dịch vụ này trên toàn quốc, từ tuyến trung ương đến tỉnh, huyện. Đơn cử, tại BV Thận Hà Nội, do đây là cơ sở chuyên ngành chạy thận lớn nên hàng ngày lượng bệnh nhân tới khám điều trị các bệnh về thận và lọc máu rất đông. Chỉ riêng số bệnh nhân chạy thận định kỳ tại BV là trên 400 người/ngày, BV phải tổ chức chạy thận tới 3 ca để đáp ứng nhu cầu lọc máu của người bệnh. Hiện nay, hệ thống hơn 60 máy chạy thận của BV phải làm việc trung bình từ 12 - 15 tiếng/ngày.
Nói về quy trình chạy thận, các bác sĩ cho rằng, chạy thận nhân tạo là kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật này đã được phổ biến đến tuyến quận, huyện và các tuyến cũng đang hoạt động rất tốt. Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo của BV Bạch Mai cho rằng có nhiều yếu tố phải tuân thủ để ca lọc máu an toàn, trong đó nguồn nước bảo đảm đạt tiêu chuẩn là tối quan trọng. Nước được ví như trái tim của cuộc lọc bởi nếu bẩn, bị rêu hay nhiễm khuẩn, lập tức bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng.
Nước có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình lọc máu, mỗi lần lọc, máu của bệnh nhân phải tiếp xúc với dịch lọc, mỗi bệnh nhân cần khoảng 120 - 150 lít nước RO/01 lần lọc máu (4 giờ). Nếu nước không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không chỉ tức thì đến cuộc lọc (gây bệnh cảnh lâm sàng phức tạp), mà còn ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có bộ phận riêng để kiểm tra chất lượng nước hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm (tùy mức độ kiểm tra). Tại các Khoa Thận của tuyến BV trung ương,… luôn có những nhân viên chỉ chuyên làm việc này, mỗi buổi sáng sẽ kiểm tra các chỉ số để đảm bảo an toàn cho cuộc lọc máu, lấy nước làm xét nghiệm, kiểm tra làm sạch đường ống cung cấp nước R.O hàng tháng theo định kỳ và nhiều các kiểm tra khác theo quy định chặt chẽ. Đối với các BV tuyến dưới do khó khăn về nhân lực, chưa thể có người để giám sát riêng như BV tuyến trên nên đa phần vẫn kiêm nhiệm, trong khi yêu cầu chuyên môn là phải có ít nhất một người chuyên trách dưới sự kiểm soát của trưởng khoa lọc máu.
Để hạn chế tai biến khi chạy thận nhân tạo, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng thời 3 giải pháp là quản lý hành chính tốt, kiểm soát môi trường và thực hành tốt kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc, điều trị. Các BV cần thực hiện những giải pháp về chuẩn hóa quy trình chạy thận nhân tạo, đầu tư thêm thiết bị, máy móc, phương tiện phục vụ công tác điều trị và chăm sóc,…
Cần có một bộ tiêu chuẩn
Cùng với đó, việc bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ rất quan trọng, theo đó phải kiểm tra tất cả các khâu. Khi các cơ sở y tế tiến hành bảo dưỡng trang thiết bị cần phải thuê các đơn vị có năng lực để bảo đảm chất lượng và phía cơ sở y tế cần phải kiểm tra. Có nhiều tai biến do kỹ thuật, có tai biến do thuốc, có tai biến do máy móc, tất cả đều có thể xảy ra. Vì thế, phải kiểm tra một cách cẩn trọng chứ không được chủ quan ở bất kỳ bước nào vì có thể chỉ một chút sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến phải trả giá vô cùng đắt, thậm chí trả giá bằng tính mạng bệnh nhân. Tất cả các trang thiết bị sử dụng trong các cơ sở y tế đều phải tuân thủ quy trình kiểm định rất nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến sử dụng. Vụ việc tại Khoa Thận nhân tạo BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xảy ra sự cố y khoa trong quá trình chạy thận khiến 18 bệnh nhân bị tai biến hồi cuối tháng 5 vừa qua là bài học xương máu đắt giá để cảnh báo cho các cơ sở y tế, không chỉ riêng về chạy thận mà tất cả các kỹ thuật y tế đều phải vô cùng thận trọng.
Yêu cầu là vậy nhưng thực tế nhiều khi không như mong muốn. Phân tích về công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị y tế hiện nay, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức - Cấp cứu và Chống độc Việt Nam thẳng thắn nói: “Để giúp các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên làm tốt công việc cần phải có hệ thống trang thiết bị y tế và có đội ngũ bảo dưỡng, bảo trì máy móc thường xuyên. Tôi đã đi nhiều nơi, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” tại các tuyến y tế cơ sở, điều nhận thấy là công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị y tế hiện nay chưa tốt, nguồn nhân lực phục vụ vừa thiếu, vừa yếu”.
Các chuyên gia cho hay, để hạn chế các sự cố chạy thận nhân tạo đáng tiếc tái diễn cần phải có một bộ tiêu chuẩn cho đơn vị lọc máu thật chặt chẽ. Ví dụ: buồng bệnh (diện tích, không gian), máy thận, vật tư, nhân lực, hệ thống xử lý nước... đủ để thực hiện công tác điều trị. Nếu không đủ các yêu cầu theo bộ tiêu chuẩn này sẽ không được triển khai kỹ thuật thận nhân tạo. Như ở nước ngoài, quy định về thận nhân tạo rất chặt, họ có bộ phận giám sát riêng, yêu cầu cơ sở phải trình được đánh giá hiệu quả buổi lọc, hoặc kết quả xét nghiệm nước trong vòng một thời gian nhất định. Nếu các chỉ số không đạt, đơn vị đó sẽ không được tiếp tục lọc máu cho bệnh nhân. Do đó, để đảm bảo chất lượng các cuộc lọc máu, cần phải có bộ phận giám sát riêng về thận nhân tạo.
Đơn vị giám sát này có trách nhiệm kiểm tra và chịu trách nhiệm kiểm tra về mọi mặt tại các đơn vị chạy thận nhân tạo. Nếu chưa thể tổ chức ở quy mô rộng thì mỗi Sở Y tế cũng có thể thành lập một bộ phận giám sát với sự tham gia của cán bộ am hiểu về thận nhân tạo. Trong khi kinh phí của ngành Y tế còn khó khăn thì vấn đề xã hội hóa là quan trọng để giúp ngành Y tế mua sắm trang thiết bị, phục vụ công tác khám chữa bệnh và thực hiện được các kỹ thuật cao. Do đó, luôn cần đề phòng việc xã hội hóa các máy móc chưa đảm bảo chất lượng, cũng như xã hội hóa làm cho dịch vụ đắt lên, làm tăng giá dịch vụ khiến người dân không thể chi trả. Nếu làm nghiêm túc, có sự kiểm tra, thanh tra thật tốt, kỹ càng, khách quan thì xã hội hóa y tế sẽ đạt kết quả tốt và ngược lại.
- “Chạy thận nhân tạo là kỹ thuật khá phức tạp, nhưng nếu thực hiện đúng quy trình thì sẽ không xảy ra các biến chứng. Hiện nay, quy trình lọc máu được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị đã được Bộ Y tế ban hành. Do đó, dù là BV tuyến trên hay tuyến dưới khi thực hiện kỹ thuật này phải thông qua các danh mục kỹ thuật được đăng ký, được Cục Quản lý khám, chữa bệnh cấp phép”.
Ông Hà Huy Thắng – Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội:
- “Quá trình chạy thận đã được quy định rất rõ ràng, các đơn vị chạy thận đều phải thực hiện. Tuy nhiên, quy trình chạy thận nếu không được theo dõi kiểm tra thường xuyên thì sẽ rất dễ có sai phạm. Đặc biệt, trong quá trình chạy thận xảy ra sai sót nhưng không ai phát hiện hoặc giám sát thì sẽ khiến người bệnh xảy ra tai biến bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng”.
Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai:
- “Trong quá trình chạy thận nhân tạo luôn cần giám sát năng lực người thực hiện bảo dưỡng các thiết bị y tế. Thứ nhất, những người bảo dưỡng, bảo trì thiết bị y tế phải có chuyên môn, nghiệp vụ. Thứ hai là phải có tư cách pháp nhân, tức là kỹ sư của bệnh viện hay đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng phải biết, phải có chứng chỉ hành nghề”.