Một ngày chủ nhật nọ, người đàn ông tên Hamid liến thoắng khua chiếc kìm nhổ răng ở chợ Beni Yakhlef – khu chợ nằm ở ven thị trấn cách thành phố bãi biển Casablanca khoảng 30km. Hamid lấy chất tẩy trắng để sát trùng chiếc kìm rồi gí vào miệng một phụ nữ. Chỉ bằng một cú giật bất ngờ và khéo léo, ông ta đã nhổ được chiếc răng đã bị sâu ra ngoài. Người phụ nữ vừa nhăn nhó vừa nhổ máu ra ngoài. Đứa con trai 10 tuổi của Hamid thấy thế vội vã lấy bông và aspirin từ trong chiếc xe sedan của Đức cũ kỹ được cải tạo thành kho để thiết bị y tế di động của gia đình để đưa cho bà ta.
Ở bên ngoài chiếc lều tạm được dựng lên bằng một tấm bạt rách rưới, cũ nát, hơn chục bệnh nhân vẫn đang kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt. “Tất cả là bí quyết cả thôi. Với tôi, bí quyết đó được cha tôi truyền lại”, Hamid hào hứng vừa nói vừa chìa ra một chiếc hộp bằng gỗ nhỏ chứa khoảng vài trăm chiếc răng đã được nhổ như một bằng chứng chứng minh kinh nghiệm mà ông ta đã thu được sau nhiều năm hành nghề.
Đứa con trai 10 tuổi cũng đang được ông ta cho đi theo để học. “Nhưng việc này cũng không hề dễ dàng gì”, Hamid nói thêm. Theo vị “nha sỹ”, ông luôn đông khách. “Chúng tôi chữa cho người nghèo. Chúng tôi chỉ lấy từ 40 đến 50 dirham (tương đương 5,3 USD) cho mỗi lần nhổ răng trong khi các bác sỹ phải tính ít nhất 200 dirham”, ông nói thêm.
Theo số liệu thống kê của Bộ y tế Ma-rốc, chỉ riêng tại miền Bắc nước này đang có khoảng 3.500 “nha sỹ dởm” như Hamid đang hành nghề bất hợp pháp ở các thị trấn và những khu vực nông thôn. Theo ông Lahcen Brighet – một bác sỹ nha khoa làm việc tại Casablanca – những nha sỹ dởm đó thường là những người không có bằng cấp, những người từng làm trợ lý cho các bác sỹ hay những nữ giúp việc tại các phòng khám nha. Họ hành nghề sau khi học được một số kỹ thuật cơ bản liên quan đến công việc này.
Theo ông Brighet, dù không có bằng cấp nhưng những “nha sỹ dởm” vẫn thực hiện tất cả các thủ thuật, từ nhổ răng tới mài răng, bất chấp nguy cơ người bệnh của họ có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Những nguy cơ lây nhiễm mà người bệnh có thể gặp phải, theo ông Brighet, bao gồm lây nhiễm lao, viêm gan B hoặc C, vỡ hàm hoặc thậm chí là tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng nhất.
Hồi tháng 8 vừa qua, Hiệp hội các bác sỹ nha khoa Ma-rốc đã ghi nhận trường hợp một bé trai 12 tuổi ở Oued Laou, miền Bắc nước này tử vong do bị xuất huyết và bị nhiễm khuẩn cấp sau khi đến một nha sỹ dởm nhổ răng. “Các bác sỹ ở Ma-rốc phải tuân thủ các quy định, luật pháp và các tiêu chuẩn hành nghề nhưng những nha sỹ dởm thì không tuân thủ bất cứ quy định nào”, ông Brighet nói.
Vẫn theo vị bác sỹ, luật pháp của Ma-rốc rất rõ ràng, trong đó nêu rõ không người nào được hành nghề trừ khi có bằng cấp và được cho phép chính thức hành nghề, được ghi danh trong hệ thống đăng ký hành nghề. “Nhưng nhà chức trách lại nhắm mắt cho qua. Họ biết tình hình nhưng không làm gì”, bác sỹ Brighet cáo buộc.
Trong khi đó, những người đang hành nghề nhưng không có bằng cấp lại cho rằng việc hành nghề là vấn đề thuộc về lịch sử. Họ cũng cáo buộc các nha sỹ muốn “chiếm lấy cả chiếc bánh”. Abdelfateh Benamr – một “nha sỹ dởm” đang hành nghề tại khu phố cổ Arab ở thủ đô Rabat – là một người như vậy. Theo lý giải của ông này, ông đã học nghề từ cha mình và bắt đầu hành nghề từ năm 1978, tức trước khi khoa đào tạo chuyên ngành răng hàm mặt đầu tiên được mở ra tại Ma-rốc. Tuy nhiên, chính ông Benamr cũng thừa nhận việc hiện có đến 30.000 người hành nghề không phép là một vấn đề lớn.
Chủ tịch liên đoàn những người hành nghề tư nhân Ma-rốc Rachid Choukri cũng đã lên án những nha sỹ dởm và những người hành nghề nhưng không có bằng cấp. “Họ đang đổ xô đến khắp các thành phố, điều trị đủ loại bệnh, kê đơn và chỉ định làm xét nghiệm y khoa nhưng Chúa mới biết họ đã cho người bệnh sử dụng sản phẩm gì. Thật kinh khủng”, ông Choukri nói.