Phúc thẩm vụ Vinalines: Vẫn đẩy đưa chuyện “lại quả“

(PLO) - Hôm nay, trong phần xét hỏi tại phiên phúc thẩm, các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc vẫn nhất định không nhận vụ "lại quả", trong khi đó, bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng có đưa tiền.
Bị cáo Mai Văn Phúc: “Vợ bị cáo nói, giữ mạng sống mới kêu oan được”
Trong phần xét hỏi bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) cho biết “không nhận một xu nào từ  bị cáo Trần Hải Sơn, không thỏa thuận về việc ăn chia 1,666 triệu USD với ai, Lời khai của Sơn là bịa đặt”. “Duy  chỉ có 1 lần dịp 2/9 năm 2008, khi Sơn ra Hà Nội công tác có biếu bị cáo 1 chai rượu Chivat 18, đưa tại nhà bị cáo ở Làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội. Sau khi Sơn về thì bị cáo thấy trong túi quà còn 1 phong bì đựng 2 triệu đồng” - Phúc khai.
Ngoài việc kêu oan về tội tham ô thì bị cáo Phúc còn kêu oan về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bởi cho rằng mình không tham gia vào việc mua ụ nổi; Khi giữ chức vụ Tổng Giám đốc, ký hợp đồng là do thực hiện tiếp công việc mà Vinalines đang triển khai dở dang, do cấp dưới trình… 
Bị cáo Phúc
 Bị cáo Phúc
Khi được hỏi ý kiến về việc gia đình bị cáo đã nộp 3,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, bị cáo Phúc tỏ vẻ bức xúc và nói “Gia đình bị cáo khắc phục như vậy, bị cáo không đồng tình. Bị cáo không sai, không phạm tội thì không thể có chuyện khắc phục được. Bị cáo đã nói điều này khi được gặp vợ trong quá trình thăm gặp nhưng vợ bị cáo có nói “phải khắc phục, thoát án tử hình, giữ mạng sống thì mới kêu oan được.
Đưa ra lý lẽ nhằm kêu oan cho mình, Phúc nói “cáo trạng bảo chị Hà (em bị cáo Sơn- PV) chuyển 3 tỷ cho chị Huyền rồi chị Huyền đưa tiền cho bị cáo Sơn. Sơn dùng 3 tỷ này, rút thêm 2 tỷ tại Ngân hàng Cổ phần Thương mại Hàng Hải để thành 5 tỷ rồi đưa cho bị cáo. Nhưng Ngân hàng TMCP Hàng Hải nhưng không có chứng từ rút tiền, Ngân hàng khẳng định không có chuyện rút tiền như vậy”.
Dương Chí Dũng đề nghị khấu từ 600 triệu tiền mua nhà cho bạn gái
Trước đó, tại phần khai của mình, bị cáo Dương Chí Dũng đã nhận trách nhiệm trước những sai sót khi Vinalines mua ụ nổi, gây thiệt hại cho Nhà nước. Bị cáo này quả “sẽ bán hết tài sản để thực hiện khắc phục hậu quả, kể cả những căn nhà đã mua cho cô Thảo (bồ của Dũng- PV)  mà đã bị kê biên”.
Tuy nhiên, HĐXX cho biết, “trong đơn kháng cáo thì chị Phan Thị Thảo cho rằng mình đã góp có 600 triệu vào để mua nhà nên đề nghị Tòa khấu trừ khoản tiền này khi xử lý vật chứng” . 
Dương Chí Dũng liền nói “khi mua nhà thì chủ yếu là tiền của bị cáo, cũng có một phần tiền của cô Thảo. Nếu cô ấy có ý kiến là có 600 triệu thì chắc là đúng như vậy, đề nghị Tòa xem xét”.
Tiếp tục kêu oan, Dương Chí Dũng còn nói,  “trong vụ tham ô, còn rất nhiều uẩn khúc, chưa được làm rõ. Bản thân không biết việc có 1,666 triệu USD do Cty AP chuyển về Việt Nam. Bị cáo chỉ biết điều này khi làm việc với CQĐT.
 
Trả lời luật sư, Dũng cho biết, “bị cáo Trần Hải Sơn khai về việc lúc 4h gọi để hẹn bị cáo ở khách sạn Victory vào 5h nhưng nhưng thời điểm đó, bị cáo đang ở trên máy bay vào TP Hồ Chí Minh công tác thì không thể nghe điện thoại được. Ngày 6/7/2008 mà Sơn khai đưa 5 tỷ đồng cho bị cáo tại khách sạn Victory thì 6h, bị cáo cũng không thể có mặt tại đó được.
Hôm đó, do bị cáo có cuộc họp đột xuất ở Bộ giao thông nên bay vào buổi chiều chứ không đi vào buổi sáng cùng Đoàn công tác, 5h30 chiều mới xuống sân bay. Bị cáo đồng ý với ý kiến của luật sư về việc cần phải xác minh tại sổ sách và camera của khách sạn xem tôi lấy phòng lúc mấy giờ, Sơn có đến khách sạn không…”
Cũng quả quyết như bị cáo Phúc, bị cáo Dũng nói, “nếu bị cáo mà biết, bàn bạc với phía Nga, phía Singgapore về việc lại qủa 1,666 triệu USD thì bị cáo sẵn sàng xin nhận tử hình”
Ngoài ra, bị cáo này còn cho biết “thời điểm mà Sơn khai đưa tiền cho tôi tại nhà mẹ đẻ tại Hải Phòng thì lúc đó, con gái tôi mới sinh cháu, nhà rất đông người mà lại chỉ có hai phòng. Mẹ tôi bị ốm, nằm ngay tại ghế phòng khách. Không thể có chuyện Sơn đưa tiền tại đây. Việc Cty Ap chuyển 1,666 triệu USD cũng rích rắc,  bị cáo không biết thế nào, đề nghị Tòa làm rõ”.
Trần Hải Sơn: Cũng chẳng có chứng cứ nào về việc đưa tiền
 Được coi là người nhận tiền lại quả rồi “phân chia” cho Dũng, Phúc mỗi bị cáo 10 tỷ, bị cáo Trần Hải Sơn- nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, Phó Ban quản lý dự án cho biết “bị cáo vẫn giữ nguyên lời khai về việc đưa cho bị cáo Dũng và Phúc, mỗi người 10 tỷ, đưa cho bị cáo Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc 340 triệu”.
Trả lời HĐXX, Sơn khẳng định mình không tiến hành đàm phán mua ụ nổi và khai “Ban Tổng Giám đốc - tức là anh Phúc và anh Chiều - tiến hành đàm phán. Bị cáo không ở Tổng Công ty nên không biết cụ thể thời gian đàm phán như thế nào. Khi sang Nga khảo sát ụ nổi thì anh Chiều làm trưởng Đoàn và làm việc với ông Goh. Sau khi về nước thì giữa bị cáo và ông Goh không có thư từ gì liên lạc với nhau. Bị cáo cũng không rõ có thư nào trao đổi với ông Chiều, ông Khang hay không”
Về chứng cứ đưa tiền cho bị cáo Phúc và Dũng, Sơn nói “Thật ra, cũng chẳng có chứng cứ gì đưa tiền cả. Chỉ có vợ chồng em gái bị cáo chứng kiến việc xếp tiền vào va ly.  Anh Quỳnh hay cái khác thì cũng là CQĐT đưa ra thôi”. Ngoài ra, bị cáo này còn cho biết “bị cáo cũng không biết anh Quỳnh hiện ở đâu, làm gì vì Cty không còn. Nhưng bị cáo xác nhận đây là người lái xe đến đón bị cáo đi uống rượu sau khi đưa tiền cho bị cáo Dũng ở khách sạn Victory.”
Trước những lời khai của Sơn về việc chia hơn 28 tỷ tiền “lại qủa”. Chủ tọa hỏi, “Tại sao bị cáo không cho những người khác trong Ban quản lý dự án mà tự cho mình 7,8 tỷ, gần bằng của Phúc và Dũng mặc dù mình chỉ là “ký nháy”. Chiều là Phó Tổng Giám đốc cũng chỉ được cho 340 triệu?”. 
Sơn trả lời, “Bị cáo thấy sau này là Giám đốc, là người đứng đầu công ty sử dụng, khai thác ụ nổi nên lấy số tiền đó và có cho em gái 2 tỷ. Ngoài 20 tỷ đưa cho bị cáo Dũng và Phúc thì số tiền còn lại là do bị cáo tự chia. Bị cáo thấy anh Chiều cũng có công trong vụ mua ụ nổi, là Trưởng ban quản lý dự án nên thấy cần cho anh Chiều tiền, lúc đưa tiền cũg không nói là tiền gì”.
Trả lời trước Tòa về việc mình đang bị Dũng và Phúc tố là “đổ vạ”, bị cáo Sơn thừa nhận “Nếu bị cáo khai đổ vạ cho người khác nhận tiền tham ô thì bị cáo cũng sẽ được giảm trách nhiệm”./.

Đọc thêm

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu

Điều tra vụ nghi bạo hành trẻ em tại TP Vũng Tàu
(PLVN) - Trong quá trình trông giữ, quản lý các cháu, bà T.T.B đã có những hành vi như dùng tay đánh đập vào miệng, vào mặt, giật tóc; dùng thìa inox, chiếc điều khiển của tivi đập vào miệng các cháu bé nhằm mục đích ép các cháu ăn, uống.