Cá chết bốc mùi dầu, người ngộp vì khí thải
Tại xóm 9, xã Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), bữa cơm chiều của một gia đình có món canh cá, nhưng toàn mùi… xăng dầu. Đây là "chuyện thường ngày" ở đây kể từ ngày hộ anh Nguyễn Văn Xuân (SN 1980, ngụ xã Hưng Yên Nam) mở xưởng tái chế dầu. Người dân cho biết họ đã quen thấy cá chết phơi bụng trên mặt hồ. Thi thoảng đám trẻ câu được vài con về nấu cũng không nuốt nổi.
Theo hướng dẫn của người địa phương, chúng tôi tiếp cận khu nhà xưởng không biển hiệu nằm biệt lập dưới chân núi ngay đầu xã. Cách xa 100m đã ngửi thấy mùi dầu, lại gần càng nồng nặc, thêm tiếng máy chạy ồn ào. Những con cá ngấm mùi xăng dầu nói trên là “đặc sản” ở những hồ nước ngay phía sau xưởng.
Hình ảnh bên trong “nhà máy lọc dầu” được huyện Hưng Nguyên cấp phép. |
Từ trên cao nhìn xuống, khu xưởng được che kín trong những lùm cây giống như một pháo đài, tường bao rào gai nhọn kín mít, ba phía tiếp giáp đường nhựa, núi và cánh đồng. Bên ngoài nhìn vào chỉ thấy một cột khói xám bốc lên qua những tán cây um tùm. Người đi bộ qua cánh cổng sắt đóng im ỉm đã bị mấy con chó trong xưởng nhao nhao sủa ngậu xị.
Người dân cung cấp thêm thông tin: trước khi về mở xưởng tại đây, chủ xưởng từng có cơ sở tại xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), cách nơi hiện tại chưa đầy chục cây số. Nhưng do ảnh hưởng đến môi trường và việc gieo trồng nên bị dân bên đó phản đối, không trụ lại được phải chuyển về bên này.
Bà con than: “Mùa hè nắng gắt, gió Lào khô nóng lại “hun” thêm mùi từ xưởng dầu này là “hết thở” luôn”. Riêng món cá ở hồ sát xưởng, dân đi câu hay thả lưới về, ăn là biết liền vì cá cũng bốc mùi dầu”.
Dân nơi khác “đuổi” vì làm chết cây trồng
Liên hệ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Đàn, Chủ tịch xã Hưng Yên Nam cũng thừa nhận xưởng dầu bốc mùi và cho biết chủ xưởng là anh Nguyễn Văn Xuân. Năm 2009, anh Xuân thuê 2000m2 đất của huyện trong 20 năm để mở xưởng thu mua, tái chế xăng dầu, hoạt động từ đó đến nay.
Hiện tại, trong xưởng có mấy công nhân đều là người địa phương. Ngoài ra, ông Đàn còn thống kê người dân đang phải chịu “bốn mùi” từ khu vực này là: mùi từ xưởng dầu, mùi từ bãi rác, mùi từ lò gạch, mùi từ kho thuốc sâu lâu năm.
Cảnh ngổn ngang bên trong xưởng |
Tại xã Nghi Vạn, nơi xưởng dầu hoạt động trước đây, ông Phó Chủ tịch xã cho biết: Anh Xuân từng mở một xưởng sản xuất tái chế dầu ở xóm Làng từ năm 2005 - 2009. Trong thời gian này, người dân đã liên tục kiến nghị lên chính quyền về mùi hôi, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cây trồng.
Dân kêu quá nên chính quyền phải cưỡng chế di dời vào năm 2009. Tại vị trí lò đốt trước đây, đất bị cháy xám thành mảng, trơ trụi, đến cây cỏ cũng không mọc được, mảnh đất đang bị bỏ hoang.
Vị này cũng than, đến nay dân xã Nghi Vạn vẫn không thoát cảnh “sống chung với xăng dầu”, vì vị trí xưởng bây giờ ở xã Hưng Yên Nam lại giáp ranh với địa bàn xóm 32 của xã Nghi Vạn. Dân ở đây đang kêu “trời” về mùi khó chịu bốc ra ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Quản lý môi trường vẫn “không phát hiện ô nhiễm”
Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với chủ xưởng dầu theo số điện thoại trong giấy đăng ký kinh doanh, nhưng “thuê bao không liên lạc được”. Đến ngày 21/4 anh Xuân mới bắt máy, cho biết vừa đi Trung Quốc về, đang ở cửa khẩu.
Phòng Tài nguyên và Môi trường: Không quản lý được thì dẹp luôn?
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: Gần đây trên địa bàn có một hộ gia đình khác định mở mô hình sản xuất tương tự như hộ anh Xuân, nhưng do thấy “phức tạp” trong việc quản lý nên Phòng đã “dẹp” luôn.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên cho biết: Gần đây trên địa bàn có một hộ gia đình khác định mở mô hình sản xuất tương tự như hộ anh Xuân, nhưng do thấy “phức tạp” trong việc quản lý nên Phòng đã “dẹp” luôn.
Hỏi đến xưởng dầu, anh này cho biết đã ngừng hoạt động được vài tháng vì “không ăn thua”, nguồn hàng không ổn định, giờ phải chuyển hướng sang buôn một số mặt hàng máy móc từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế phóng viên lại ghi nhận khác. Vài ngày trước khi liên lạc được, xưởng dầu ở xã Hưng Yên Nam vẫn đang nhận thu mua dầu thải như thường. Cuối tháng 3/2014, những chiếc xe tải chở những thùng phi nhớt loại 200 lít vẫn vào nhập hàng đều đều.
Ngổn ngang trong xưởng là những thùng dầu rỗng xếp chồng lên nhau ngất ngưởng. Một lò đốt xây kiên cố bằng gạch và xi măng, than đá chất thành đống, ống khói to chĩa thẳng lên trời, lò đốt liên tục, khói và khí thải nồng nặc.
Người dân cho biết “anh Xuân chỉ mua bán số lượng lớn”, còn mỗi tháng không biết chính xác có bao nhiêu nghìn lít dầu tái chế ra lò. Hàng ngày đủ loại xe máy, xe tải chở dầu từ các nơi về bán cho xưởng, có cả xe bồn loại 10 nghìn lít hút dầu tái chế đi tiêu thụ.
Trả lời về vấn đề dân phản ánh xưởng gây ô nhiễm, ông Nguyễn Hữu Hà, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Nguyên khẳng định: “Phòng Môi trường cũng thường xuyên kiểm tra địa bàn xưởng tái chế này đóng. Khu vực xưởng còn có một kho thuốc trừ sâu đang chuẩn bị tiêu hủy nên rất được quan tâm. Tuy nhiên đến nay chưa phát hiện cơ sở này gây ô nhiễm để xử lý”.
Huyện cấp giấy sản xuất xăng trái phép
Quá trình điều tra, phóng viên còn bất ngờ phát hiện: “Nhà máy lọc dầu” lò gạch trên được UBND huyện cấp giấy chứng nhận kinh doanh rất “hoành tráng”. Cụ thể: UBND huyện Hưng Nguyên đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh số 27S 8000668 cho anh Nguyễn Văn Xuân, địa điểm tại xóm 9, Đồng Kẹ, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên.
Khu đất làm xưởng trước đây ở xã Nghi Vạn hiện bỏ hoang. (ảnh 1) |
Mục nội dung ngành nghề có ghi: “Sản xuất nhiên liệu, xăng nặng, nhẹ, trung bình...”. Điều này khiến giới luật gia và các nhà nghiên cứu công nghệ hóa dầu đều phải giật mình, vì để tạo ra sản phẩm xăng dầu đạt chất lượng, các nhà máy lọc dầu phải được đầu tư hàng tỉ đô la với yêu cầu đảm bảo các điều kiện luật pháp quy định.
Thạc sĩ luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông pháp luật Việt Nam) cho biết: Việc UBND huyện Hưng Nguyên cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh có ngành nghề sản xuất xăng dầu là trái luật, vì Điều 10 Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu ghi rõ:
“Thương nhân có đủ các điều kiện quy định dưới đây được phép sản xuất xăng dầu: 1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu; 2. Có cơ sở sản xuất xăng dầu theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư; 3. Có phòng thử nghiệm, đo lường đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu sản xuất theo các quy định hiện hành”.
Như vậy, chỉ có doanh nghiệp mới được sản xuất xăng dầu. Hộ kinh doanh như anh Xuân không thuộc đối tượng được quyền sản xuất xăng dầu, chưa nói đến các điều kiện khác như phòng thử nghiệm, đo lường…
Bên cạnh đó, văn bản do huyện cấp còn có vấn đề vì Giấy chứng nhận này đăng ký lần đầu ngày 15/12/2009, nhưng không biết đăng ký đã thay đổi lần thứ bao nhiêu do nội dung này bị để trống.
Vậy có khuất tất gì đằng sau việc UBND huyện Hưng Nguyên cấp phép trái luật cho một hộ kinh doanh đang bị người dân phản ánh gây ô nhiễm? Tại sao chủ xưởng lại tuyên bố đóng cửa trong khi hoạt động thu mua vẫn diễn ra? Việc này sẽ dẫn tới những hậu quả như thế nào?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.