Khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cơ bản, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động. Thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, đời sống Nhân dân trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, dù gặp nhiều khó khăn tỉnh Phú Thọ với nội lực và quy mô kinh tế còn nhỏ, kết cấu hạ tầng then chốt còn thiếu và chưa đồng bộ; quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng; công tác chỉ đạo, điều hành, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong nhiệm kỳ vừa qua tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả nhất định trong bốn khâu đột phá về huy động nguồn nhân lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch và cải cách hành chính.
Cụ thể, về sự tăng trưởng trong nhiệm kỳ vừa qua đạt 19/20 chỉ tiêu và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Kinh tế tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá; quy mô kinh tế tăng 1,7 lần so với năm 2015. Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,2%, dịch vụ tăng 7,25%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 52,5 triệu đồng, tăng 64% với năm 2015.
Các khu vực kinh tế, các ngành kinh tế đều có bước phát triển, quy mô được mở rộng, hiệu quả được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 10,5%; quy mô ngành công nghiệp tăng 2 lần so với năm 2015. Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với giai đoạn trước, nhất là một số sản phẩm mới có lợi thế về thị trường tăng mạnh như: Linh kiện điện tử tăng 28 lần, gạch Ceramic tăng 3,2 lần, giày thể thao tăng 4 lần, quần áo may sẵn tăng 1,8 lần,...
Một số mặt hàng công nghiệp chủ lực có tỷ trọng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu như hàng dệt, may 42%, linh kiện điện tử 25% và các sản phẩm từ chất dẻo 16,8%. Khu vực công nghiệp đã giải quyết việc làm cho 219 nghìn lao động, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đã thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích, thu hút, mời gọi được một số nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,3%. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 1,7 lần so với năm 2015; giá trị xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 2,7 lần so với mục tiêu đại hội. Chất lượng các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, nhất là lĩnh vực điện năng, dịch vụ thanh toán, công nghệ thông tin, thương mại điện tử...
Du lịch phát triển đa dạng theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng. Tổng vốn đầu tư cho phát triển du lịch tăng 8,8% so với mục tiêu; nổi bật với các khu du lịch Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ; Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Đặc biệt trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Xây dựng và phát huy hiệu quả Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng chính quyền điện tử gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt hiệu quả cao, số CCHC xếp thứ 20/63 tỉnh, thành; xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 85,89%.
Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập được tập trung chỉ đạo, thực hiện theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với thực hiện tinh giản biên chế; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, trách nhiệm, chuyên nghiệp đến nay đã phát huy được nhiều hiệu quả tích cực.
Bước đột phá trong cải cách hành chính
Ông Nguyễn Quốc Bảo – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công cho biết: “Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được trang bị khá hiện đại và đồng bộ về cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khi đến giao dịch. Trung tâm hoạt động trên nguyên tắc lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của CBCCVC và cơ quan có thẩm quyền. Đây là bước đột phá trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính nhà nước của tỉnh, trọng tâm là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong CCHC, xây dựng một nền hành chính hiện đại, thuận tiện và thân thiện”.
Giải quyết thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ. |
Ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ thêm: Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã lấy ý kiến đánh giá và đo lường mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng phục vụ, giải quyết TTHC qua phiếu khảo sát được phát trực tiếp. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ thực hiện giải quyết 1.384/1.484 thủ tục hành chính với gần 80 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ban, ngành; đã tiếp nhận, giải quyết hơn 174.000 hồ sơ. Số hồ sơ được giải quyết trước và đúng thời hạn đạt trên 99%. Trung tâm cung cấp trực tuyến 100% các thủ tục hành chính công mức độ 2; cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đạt 100%; dịch vụ công mức độ 4 đạt 20%, đảm bảo rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được cập nhật công bố, niêm yết công khai, minh bạch, giúp người dân thuận tiện trong việc tìm hiểu, tra cứu.
Giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất tại Trung tâm đã giúp người dân và doanh nghiệp chỉ phải đến một địa chỉ để giải quyết TTHC, do đó tiết kiệm đáng kể thời gian và tiền bạc của tổ chức, cá nhân, giảm thiểu phiền hà, nhũng nhiễu có thể xảy ra trong quá trình giải quyết TTHC, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cũng thông qua hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung toàn tỉnh đã theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức từ tiếp nhận, giải quyết, đến trả kết quả giải quyết TTHC.
Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo đúng quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới tổ chức, cá nhân về lợi ích của việc thực hiện giải quyết TTHC tại Trung tâm và theo dõi đánh giá chất lượng dịch vụ qua việc lấy phiếu khảo sát. Đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 và qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được từ nhiệm kỳ qua, kết hợp công tác dự báo tình hình thế giới, khu vực trong nước cũng như tại tỉnh Phú Thọ, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt ra những mục tiêu cùng với các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá so sánh) tăng bình quân 7,5%/năm trở lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 65 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp – Xây dựng 40,5%; Dịch vụ 41,5%; Nông – Lâm nghiệp – Thủy sản 18%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt trên 160 nghìn tỷ đồng. Tổng ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 22% trở lên.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 0,4%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93% trở lên. Đến năm 2025, số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt 45% trở lên. Giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt 38,8%. Về du lịch đến năm 2025 phấn đấu lượng khách lưu trú đạt 850.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 9.500 lượt khách; Tổng doanh thu du lịch, dịch vụ đạt 4.500 tỷ đồng; Thu hút và giải quyết việc làm cho 4.500 lao động trực tiếp.
Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Phú Thọ tiếp tục đưa nội dung cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế nhanh, bền vững nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, để trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII (2016-2020) tập trung vào 4 khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển Du lịch và công tác cải cách hành chính.