Phòng tránh các bệnh bão lũ “để lại”

Phòng tránh các bệnh bão lũ “để lại”
(PLVN) - Những ngày qua, tình hình mưa lũ ở miền Trung diễn biến phức tạp, nhấn chìm nhiều làng mạc, đường xá, nhà cửa gây thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, dòng nước cũng kéo theo người dân có thể có nhiều nguy cơ bùng phát bệnh tật. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, bệnh về xương..

Làm sạch môi trường sống

Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.

Tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm. Bộ Y tế có khuyến cáo phòng bệnh: Đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc"Ăn chín, uống chín", đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Đảm bảo đủ nuớc sạch cho ăn uống, sinh hoạt. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết; Uống hoặc tiêm vắc xin phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vắc xin.

Người dân vùng bão lũ có thể mắc các bệnh về mắt như: Đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Các bác sĩ đưa ra lời khuyên phòng bệnh: Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn; Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn; Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; Không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ; Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn; Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

 

Theo Ths. BS Lê Thị Mai – Phó Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, những người tiếp xúc và ngâm nước bẩn lâu ngày có nguy có mắc 4 nhóm bệnh về da bao gồm: phản ứng do côn trùng cắn, ghẻ nước, nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt.

Đặc biệt, người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung những ngày qua cần nâng cao cảnh giác và nhận biết sớm các bệnh để có thể ngăn ngừa, khắc phục kịp thời tránh để lại biến chứng. Theo BS Lê Thị Mai, khi nước lũ rút, cần dọn dẹp vệ sinh môi trường và tìm kiếm nguồn nước sạch để sinh hoạt. Hạn chế tối đa lội hoặc ngâm mình nơi nước bẩn, tù đọng. Khi buộc phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn, cần trang bị đầy đủ giày, ủng, găng tay; Luôn rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch hoặc bằng chất tẩy rửa tay có cồn; Giặt quần áo, chăn ga bị nhiễm nước bẩn ngay khi nước rút; Không mặc quần áo ẩm ướt dễ gây bệnh ngoài da; Người đã bị bệnh cần tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Tránh gãi để hạn chế tổn thương lan rộng. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn; Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Sốt xuất huyết cũng là căn bệnh thường gặp sau bão lũ. Mọi người nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày; diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

 

Cần giữ ấm cơ thể

Các bệnh đường hô hấp: cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp cũng đe dọa người dân vùng lũ. thường gặp: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp. Người dân nên giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già; hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp; đảm bảo đủ dinh dưỡng; chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng và tử vong.

Cùng với những bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, bệnh về xương khớp chiếm tỉ lệ khá cao số người bị mắc phải, đặc biệt ở những người có tuổi, có tiền sử mắc bệnh. Thời tiết thất thường, lúc nóng lúc lạnh, mưa nắng bất chợt khiến nhiều người bị đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng. Bệnh đau khớp là hậu quả của quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp. Người bệnh luôn cảm thấy đau nhức ở các khớp như ở khớp tay, khớp đầu gối, khớp vai… Không những đau, các khớp còn bị sưng, khó vận động đặc biệt là sáng sớm.  Để phòng bệnh xương khớp trong những ngày mưa bão, người bệnh nên tránh ra ngoài trời mưa lạnh, năng tập luyện thể thao trong nhà. Tập luyện thường xuyên được coi là một phương thuốc hữu hiệu có ích cho sức khỏe con người, đăc biệt những người có tiền sử bệnh xương khớp. Điều quan trọng, mọi người cần bổ sung dưỡng chất đầy đủ, có thói quen ăn uống lành mạnh bổ sung canxi, uống nhiều nước.

Lương y Lê Thuận Nghĩa cũng chia sẻ kinh nghiệm dân gian để phòng tránh… Khi phải bị dầm trong nước bạc của mùa mưa lũ. Dưới là nước phù sa cuộn chảy, trên là mưa gió, bão bùng. Hai loại “dòng chảy” này lấy đi năng lượng, nhiệt năng của cơ thể rất nhanh (giống như nguyên lý bay hơi làm lạnh trong các máy điện lạnh). Vì vậy khi phải dầm nước bơi lội, đi lại trong nước bạc thì các thanh niên cũng không nên uống bia hoặc rượu mạnh theo cách nghĩ thông thường là “uống vào một chút cho ấm bụng”! Cách nghĩ này là sai lầm. Khi uống bia, rượu vào, cảm thấy nóng bừng ngay, nhưng đó chỉ là cảm giác tạm thời, vì nhiệt lượng tỏa ra rất nhanh. Người uống bia rượu vào sau đó thân nhiệt lại hạ xuống dưới ngưỡng bình thường. Nếu uống bia, rượu mạnh vào mà còn phải dầm dưới nước bạc lại càng nguy hiểm hơn, khi thân nhiệt của cơ thể bị hạ xuống dưới ngưỡng an toàn.

Nếu khi phải bơi lội, lặn hụp và dầm mưa, trải gió trong thời gian lâu, người dân nên uống vài hớp nước mắm cốt, nước mắm nhĩ. Tuy bị mặn chát và khó uống, nhưng hiệu quả giữ ấm và bảo tồn thân nhiệt rốt tốt. Tuy là kinh nghiệm dân gian từ ngàn đời, nhưng phân tích theo khoa học cũng rất hợp lý. Vì trong nước mắm cốt, nước mắm nhĩ có hàm lượng đạm hữu cơ và chất béo hữu cơ hòa tan trong đó với nồng độ rất đậm đặc. Khi uống vào, cơ thể có thể hấp thụ ngay lập tức và sản sinh ra nhiệt lượng chống lạnh rất nhanh. Mặt khác lượng muối khá đậm đặc của nước mắm cốt có thể kích hoạt cho nhịp tim và áp huyết lên cao để hoạt huyết đưa nhiệt lượng ra các vùng ngoại vi trên cơ thể, và có thể chống được áp lực nước khi lặn sâu, bơi lâu trong dòng chảy… (chống chỉ định với người già có áp suất máu cao!!!).

Khi cứu trợ những người bị đói lạnh run cầm cập và đuối sức, mọi người không nên bôi xoa cho họ các loại dầu nóng, và các loại tinh dầu bốc hơi nhanh. Vì làm vậy, tinh dầu bốc hơi nhanh sẽ mang theo nhiệt lượng của cơ thể bay đi, và người bị xoa bóp dầu nóng sẽ bị hạ thân nhiệt nhanh hơn... họ sẽ bị lạnh run hơn sau đó…

 Các đoàn cứu trợ thức ăn cho người bị cô lập trong rốn lũ, cần lưu ý điểm này để cứu trợ kịp thời cho họ. Các loại thức ăn quá cay nóng, chỉ tạm thời gây cảm giác ấm lúc ăn, nhưng sau đó thân nhiệt của họ sẽ bị lạnh hơn. Nên lưu ý cung cấp thêm cho họ nhiều nước mắm cốt, nước mắm nhỉ… Vì đây là loại thức ăn bổ sung năng lượng và nhiệt lượng nhanh nhất và an toàn nhất…

Khi thân nhiệt bị hạ, thường có hiện tượng rùng mình liên tục, hai hàm răng va vào nhau cành cạch, vành tai nóng bừng lên bất thường, chân tay run run cầm cập khó cầm nắm đồ vật… v..v… thì nên tức khắc rời dòng nước bạc. Đặc biệt là tránh xa các nơi trước đó có hầm hố, chuồng trại, ao chuôm… vì rất dễ bị nhiễm độc khí độc từ các nơi đó do nước ngấm đẩy lên, trong khi thân thể bị hạ nhiệt, sức đề kháng suy kiệt…

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.