Phối hợp liên ngành để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Trẻ em sử dụng mạng Internet nhiều làm gia tăng rủi ro gặp phải những nội dung độc hại trên mạng. (Ảnh minh họa)
Trẻ em sử dụng mạng Internet nhiều làm gia tăng rủi ro gặp phải những nội dung độc hại trên mạng. (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước những thách thức, rủi ro và nguy hiểm rình rập trẻ em trên không gian mạng, nhiệm vụ bảo vệ trẻ em là vấn đề cấp bách hiện nay của toàn xã hội, yêu cầu sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành khác nhau, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, nhà trường, gia đình và các bên liên quan khác.

Nhiệm vụ cấp bách

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách hiện nay tại Việt Nam. Bởi vì bên cạnh những điểm tích cực, mặt trái của môi trường mạng là nguy cơ trẻ em tiếp cận với những hành vi bóc lột, xâm hại tình dục trực tuyến, đơn cử như dụ dỗ/thao túng với mục đích tình dục; sản xuất, chia sẻ và sở hữu các tài liệu xâm hại tình dục trực tuyến, tống tiền bằng cách đe dọa chia sẻ thông tin/hình ảnh tình dục, phát trực tiếp các hành vi xâm hại trẻ em…

Theo Phân tích giới về An toàn trên mạng cho trẻ em năm 2021 của tổ chức ChildFund Việt Nam cho thấy, có tới 47,5% trẻ em được khảo sát đã từng thêm người lạ vào danh sách bạn bè trong khi 75,9% đã thực hiện việc tìm kiếm bạn mới trên mạng. Những hành vi này góp phần tăng thêm rủi ro trẻ em gặp phải các đối tượng tội phạm mạng về bóc lột, xâm hại tình dục trực tuyến. Những phát hiện khác của ChildFund Việt Nam cũng rất đáng suy ngẫm. Đó là tỷ lệ trẻ em gái tìm kiếm bạn mới trên mạng và thêm người lạ vào danh sách bạn bè, nhận được lời mời kết bạn từ người lạ thường cao hơn so với trẻ em trai.

Trong số trẻ em Mường, trẻ em gái nhận được tin nhắn tình dục nhiều hơn trẻ em trai. Trong số trẻ em Tày, các em gái nhận được lời mời kết bạn từ người lạ nhiều hơn. Tỷ lệ trẻ em gái Nùng từng bị bắt nạt trực tuyến cao hơn đáng kể so với trẻ em trai. Tỷ lệ trẻ em trai trải nghiệm các rủi ro trên mạng cao hơn trẻ em gái, đặc biệt với rủi ro “truy cập đường link bạn bè hoặc người khác gửi”, “giả làm người khác trên mạng” và “gửi thông tin cá nhân cho người khác”.

Trước các thực trạng nhức nhối này, Chính phủ đặt quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em tiếp cận thông tin, sử dụng và thoả sức sáng tạo. Biểu hiện rõ ràng là trong Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 01/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025”; thực hiện theo Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trong Chương trình cấp quốc gia đầu tiên về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Việt Nam này, có quy định nhiệm vụ cụ thể cho 06 Bộ bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông – Cơ quan thường trực; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; cùng với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngoài ra còn có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội như Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên môi trường mạng; cơ quan thông tấn, báo chí như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí, truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng; các Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Uỷ ban nhân dân các cấp.

Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng rất đa dạng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành và các bên liên quan trong toàn xã hội. Chỉ như vậy mới có thể đạt được những mục tiêu trọng tâm như: Tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ đây; hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng.

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn với trẻ em. (Ảnh minh họa)

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là nhằm đảm bảo môi trường mạng an toàn với trẻ em. (Ảnh minh họa)

Tầm quan trọng của Quy chế phối hợp liên ngành

Công tác bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, toàn xã hội, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em; cơ quan quản lý nghiệp vụ về lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin; cơ quan điều tra, xử lý, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng nói, trước đây, quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng vẫn còn một số hạn chế như: đầu mối thường trực giữa các đơn vị chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn chưa thống nhất; cách thức tiếp nhận, phân loại, điều phối, xử lý vụ, việc còn vướng mắc; cơ chế trao đổi thông tin chưa được thông suốt; cơ quan thường trực giữa các Bộ về công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng chưa được phân định;…

Trong bối cảnh đó, Quy chế phối hợp số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT ngày 15/8/2022 giữa Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (gọi tắt là Quy chế) đã giải quyết được những vấn đề trên.

Nội dung của Quy chế quy định mục đích, nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong triển khai một số nhiệm vụ thực hiện “Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, cụ thể là phối hợp liên ngành trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Quy chế phối hợp đề ra 5 nội dung phối hợp trọng tâm, gồm: Trao đổi thông tin, tài liệu, kết quả triển khai một số nhiệm vụ thực hiện Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Phối hợp tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Theo dõi, trao đổi, cung cấp thông tin dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (phối hợp xây dựng Cơ sở dữ liệu về lạm dụng tình dục trẻ em) của Việt Nam); Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân công 03 đơn vị là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Cục Trẻ em và Cục An toàn thông tin giữ vai trò Cơ quan Thường trực chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Quy chế; thống nhất cụ thể lãnh đạo, cán bộ chuyên trách giữ vai trò đầu mối phối hợp thường trực tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, có 05 đơn vị khác là đầu mối chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ khác. Cục Cảnh sát Hình sự (C02), Bộ Công an, chủ trì xây dựng nội dung, tài liệu, trao đổi và hướng dẫn các đơn vị thực hiện chức năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Thông tin Truyền thông trong thực hiện các quy định pháp luật, quy trình trong tiếp nhận, xử lý ban đầu, gửi tin báo tố giác liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01), Bộ Công an, hướng dẫn các đơn vị thực hiện chức năng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Bộ Thông tin Truyền thông trong thực hiện các yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng dựa trên cơ sở dữ liệu của Bộ Công an quản lý theo đúng quy định, trình tự pháp luật. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin Cơ sở phối hợp thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về hoạt động bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm

Tuyển sinh lớp 10 chuyên Hà Nội năm 2024 thế nào?

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên năm 2023. Ảnh: VNU
(PLVN) - Lịch thi vào lớp 10 các trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ diễn ra trong 3 ngày 8,9 và 10/6. Ngoài thi 3 môn chung (Toán, Văn, Ngoại ngữ) thí sinh sẽ làm thêm bài thi môn chuyên (ngày 10/6) theo nguyện vọng đăng ký.

TIN BUỒN

Nhà báo Hà Sơn Bình trong một chuyến đi công tác.
(PLVN) - Đảng ủy, Ban Biên tập, Công đoàn Báo Pháp luật Việt Nam và gia đình thương tiếc báo tin:

Vì sao nhiều cô gái trẻ Việt Nam lấy chồng muộn?

Vì sao nhiều cô gái trẻ Việt Nam lấy chồng muộn?
(PLVN) - Thay vì vội vã lên xe hoa, ngày càng nhiều bạn trẻ nữ chọn đầu tư cho bản thân, theo đuổi đam mê và tận hưởng cuộc sống độc thân. Kết hôn muộn đang trở thành xu hướng, mang đến những lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn hệ lụy...

Sử dụng mạng xã hội tích cực: Khi cha mẹ cùng con dệt ước mơ

Ca sĩ Tuyết Phượng và người cha cùng xuất hiện trong nhiều clip “cha đàn, con hát” trên mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip)
(PLVN) - Ngày càng nhiều trường hợp cha mẹ và con cùng xây dựng những kênh mạng xã hội thành sân chơi thú vị để thể hiện tài năng hoặc chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ của cả nhà. Đó là một cách sử dụng mạng xã hội đầy tích cực, lan tỏa năng lượng yêu thương, tôn vinh tình cảm gia đình.