Sau “Thử thách cá voi xanh” tạm lắng thì lại đến “Quái vật MoMo” tiếp tục khuyến khích những đứa trẻ tham gia chơi tự sát.
Chính vì thế, tại buổi tập huấn “Nâng cao kỹ năng đưa tin để chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng” được tổ chức ở Hà Nội ngày 4/10/2024, những con số đáng báo động đã được ra như: báo cáo năm 2022 của Watch Foundation (IWF) ghi nhận sự gia tăng gấp 3 lần hình ảnh trẻ em từ 7 - 10 tuổi bị những kẻ săn mồi trên Internet và tung lên mạng ở quy mô công nghiệp; theo thống kê của UNICEF, ước tính mỗi ngày có khoảng 750.000 nam giới tìm kiếm đối tượng lạm dụng tình dục trên mạng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
Tại buổi tập huấn, chuyên gia Fiona Bowden - người từng có 12 năm làm việc tại đài BBC trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhận định trẻ em thường có tính tò mò và điều này khiến chúng khám phá những nội dung mới lạ. Những cú “click” không được có sự kiểm soát của người lớn, cộng với việc chưa phát triển đầy đủ về tư duy và hoàn thiện về đạo đức có thể khiến chúng trở thành “con mồi” của những kẻ đi săn, hoặc tệ hơn, có hành vi bắt nạt hoặc quấy rối tình dục đối với bạn bè đồng trang lứa.
Từ nỗi lo con là nạn nhân của “anh hùng bàn phím” đến nỗi lo con là “anh hùng bàn phím”
Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bạo lực mạng đang diễn ra phức tạp ở phạm vi toàn cầu. Trẻ em dễ trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín. Thống kê từ trang web BroadbandSearch cho thấy 60% trẻ vị thành niên từng trải qua việc bị bắt nạt trực tuyến và 87% người trẻ từng chứng kiến hành vi bắt nạt trực tuyến.
Tại Việt Nam, theo một khảo sát vào năm 2023 của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho thấy, 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.
Năm 2021, một bé gái 13 tuổi tại Long An đã tự tử do bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên Facebook. Là nạn nhân của bạo lực mạng trẻ em có thể bị sang chấn tâm lý, trầm cảm, tự gây tổn thương, hủy hoại bản thân sau những sự cố gặp phải trên mạng…
Bên cạnh việc là nạn nhân của bạo lực mạng thì ở góc độ khác, cũng có không ít trẻ em có hành vi bắt nạt hoặc quấy rối tình dục đối với bạn bè đồng trang lứa. Năm 2016, bài viết “Lo ngại phim hoạt hình “bẩn” đầu độc trẻ thơ” được đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam. Ngay sau đó một lực lượng fan hâm mộ, bao gồm nhiều em học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 đã bày tỏ phản ứng khi thú vui của mình bị phê phán.
Điều đáng nói ở đây là rất nhiều em đã hô hào nhau “truy tìm” tác giả bài viết. Một phóng viên cơ quan truyền thông khác đã vô tình bị nhận nhầm là tác giả bài viết và bị hàng ngàn fan hâm mộ “nhí” khủng bố suốt hai ngày trời với tin nhắn, bom thư… và đủ các lời chửi bới từ bình thường đến thô tục.
Mặc dù trưởng nhóm fan này đã lên tiếng kêu gọi sự bình tĩnh, tiết chế cảm xúc nhưng nhóm fan nhí vẫn tiếp tục lên mạng, chửi bới và hành động quá khích. Đến nỗi, trưởng nhóm fan đã chia sẻ: “Mấy hôm nay, nhiều bạn đã lặng lẽ rời nhóm fan hâm mộ truyện tranh Anime Nhật vì thấy xấu hổ trước hành động của các bạn”.
Nếu như trước kia, nỗi lo lớn nhất của các bậc cha mẹ là con lên mạng bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo, tham gia các hội nhóm bất hảo thì giờ đây là nỗi lo con trở thành “anh hùng bàn phím”. Nhà báo, tác giả bài báo “Lo ngại phim hoạt hình “bẩn” đầu độc trẻ thơ” đã từng phỏng vấn một phụ huynh của nam sinh lớp 6 thành viên nhóm hâm mộ truyện tranh Nhật nói trên và được biết phụ huynh không hề biết con mình tham gia nhóm fan này nọ và cũng không thể ngờ con mình có thể lên mạng, tụ tập “ném đá” người này, thách đấu người nọ hoặc văng tục…
“Chữa nghiện” Internet bằng luật
Theo thống kê, đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó hai phần ba đang tiếp cận và sử dụng các thiết bị kết nối Internet. Điều đáng nói là vấn nạn trẻ em nghiện Internet hiện nay. Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 bình quân mỗi năm tiếp nhận hơn 400 - 500 cuộc gọi về vấn đề trẻ em trên môi trường mạng.
“Thông qua phân tích các ca cụ thể thì nếu trẻ bị nghiện Internet thì việc hỗ trợ cho các em đang rất khó khăn do liên quan tới nhân lực, thời gian và việc các em có thể giảm sự phụ thuộc vào việc dùng Internet hay không. Đó là câu chuyện nếu không tăng cường phòng ngừa thì để cai nghiện một ca trẻ nghiện Internet là rất khó khăn”, theo bà Nga.
Nghiện Internet không chỉ hủy hoại quỹ thời gian của trẻ em mà còn gây ra những bệnh lý nghiêm trọng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân B.Q.V. (15 tuổi) với triệu chứng đau dữ dội vùng cột sống cổ và liệt tứ chi.
Người nhà cho biết, bệnh nhân B.Q.V. thường chơi game trên điện thoại. Trong quá trình chơi, V. thường lắc, giật mạnh cổ để giảm mệt mỏi. Các bác sĩ xác định đây là nguyên nhân khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh, gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ. V. được chẩn đoán bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tủy sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu.
Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn khi nói, lú lẫn trí nhớ, thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn. Nam sinh Hà Nội (14 tuổi) nhập viện do tâm lý bị ảnh hưởng trầm trọng, xuất hiện nhiều hành vi chống đối, tự gây hại cho bản thân. Mẹ nam sinh cho biết, cậu con trai thường xuyên chơi game. Khi gia đình hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, nam sinh tỏ thái độ với bố mẹ, dùng dao lam tự cứa vào tay, đập đầu vào tường…
Trong các buổi trị liệu, cậu bé chia sẻ rằng luôn nghe thấy những giọng nói kỳ lạ trong đầu, như thể có ai đó đang ra lệnh cho mình. Cậu tin rằng thế giới chỉ là trò chơi ảo và không có thật.
Ngày 09/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 39 và điểm e khoản 1 Điều 48 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP, các doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (hay thường gọi là game), bất kể là game online hay game offline, thì đều phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi.
Trong đó chú ý, quản lý thời gian chơi trong ngày (từ 00h00 đến 24h00) của người chơi dưới 18 tuổi không quá 60 phút đối với từng trò chơi nhưng không quá 180 phút một ngày đối với tất cả trò chơi dành cho người chơi dưới 18 tuổi do doanh nghiệp cung cấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp game cần phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm hiển thị liên tục kết quả phân loại trò chơi theo độ tuổi đối với tất cả các trò chơi do doanh nghiệp cung cấp khi giới thiệu, quảng cáo và phát hành.
Có thông tin khuyến cáo với nội dung “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi (nếu có) và trên màn hình thiết bị của người chơi theo tần suất 30 phút/lần trong quá trình chơi trò chơi.
Như vậy, từ ngày 25/12/2024 khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực thì người dưới 18 tuổi không chơi một game quá 60 phút một ngày, nhưng không quá 180 phút khi chơi nhiều game khác nhau. Và các doanh nghiệp cung cấp game cần thực hiện biện pháp kỹ thuật để đảo đảm quản lý thời gian chơi trong ngày của người chơi theo quy định trên.
Tới đây, doanh nghiệp cung cấp game sẽ phải dán nhãn độ tuổi cho từng trò chơi. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp quản lý kho ứng dụng xác thực các game đã được cấp phép và gỡ bỏ game không phép. Hiện phần mềm giám sát đang được xây dựng để qua đó tăng cường thanh tra, kiểm tra các tài khoản đã được định danh, nếu phớt lờ quy định của luật mà cung cấp trò chơi cho trẻ em trên 60 phút thì sẽ bị xử phạt nghiêm.
Tại Hội nghị chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 4/2024, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đưa ra số liệu trong tổng số vụ xâm hại trẻ em của năm 2023 và quý I/2024, có hơn 400 vụ lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các thủ đoạn tạo niềm tin với nạn nhân và tiến hành hành vi xâm hại, chủ yếu là nhóm hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Nhóm tội phạm này còn tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản trẻ em qua mua bán tài khoản, vật phẩm game online; cho, tặng điện thoại phục vụ học tập… Lực lượng công an đã ngăn chặn truy cập từ trong nước đến 30 nghìn trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục...