Đầu tư khủng nhưng nguy cơ lỗ vốn vì bị từ chối chiếu
Có mặt tại buổi họp báo chiều ngày 17/8, Ngô Thanh Vân, đại diện nhà sản xuất “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” đã bật khóc khi công bố thông tin bộ phim sẽ không được công chiếu tại cụm rạp CGV.
Từ nhiều tháng trước đó, vụ thương thảo để để “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” vào hệ thống rạp CGV đã được phía nhà phát hành BHD và công ty sản xuất VAA của Ngô Thanh Vân nỗ lực tiến hành.
Trước khi có công bố chính thức, liên tục có những nguồn thông tin nhiều chiều về kết quả của cuộc thương thảo này. Theo phía BHD, trong cuộc thương lượng, từ những ngày đầu phía CGV đã không có ý muốn hợp tác, đưa ra tỷ lệ ăn chia rất thấp.
Tỷ lệ này có cao hơn một chút sau khi phía cụm rạp này xem bản chính thức của bộ phim, tuy nhiên, vẫn còn cách khá xa so với mức tỷ lệ 50 – 50 mà BHD đưa ra. 50- 50 cũng chính là tỷ lệ trung bình mà CGV thường áp dụng với các bộ phim Việt khác, cao hơn so với phim ngoại không ít.
Cho đến phút cuối cùng trước họp báo, phía nhà sản xuất vẫn mong chờ một sự đổi ý của CVG. Tuy nhiên, kết quả là không đạt được thỏa thuận, “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” đành ngậm ngùi rút khỏi CGV.
Theo những chuyên gia về điện ảnh, với quyết định này, bộ phim sẽ gặp những khó khăn lớn trong việc phát hành. Theo ước tính, với một bộ phim làm nghiêm túc và đầu tư “khủng” so với phim Việt như “Tấm Cám – Chuyện chưa kể”, thì để có lợi nhuận, phim phải thu vào trên 40 tỷ đồng từ bán vé. Hiện nay, tại Việt Nam, CGV là hệ thống rạp dẫn đầu về thương hiệu lẫn số lượng phòng vé, độ dày suất chiếu.
Trên cả nước, CGV có 32 rạp, chỉ tính ở TP.HCM đã có 12 rạp, chiếm 40% số lượng rạp toàn quốc. Không được công chiếu tại CGV, cộng tất cả các rạp có thể chiếu như BHD, Galaxy…, số lượng vé bán ra cũng chưa hẳn có thể chạm đến số mà riêng CGV có thể bán nếu được phát hành.
Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm của nhiều bom tấn Mỹ, Hàn Quốc như “Alice ở xứ sở trong gương”, “Biệt đội cảm tử”, “Người bạn rồng”, “Bộ tứ lừa đảo”…, thì rủi ro với bộ phim Việt này càng cao hơn.
Nhiều người rất tiếc cho sự cố của “Tấm Cám- Chuyện chưa kể”, vì tính ở mặt bằng chung của phim Việt, đây là một bộ phim làm rất nghiêm túc, đầu tư lớn, trau chuốt về nội dung lẫn hình ảnh. Đây là một sự cố sẽ khiến không chỉ BHD và Ngô Thanh Vân mà cả các nhà sản xuất phim Việt phải chùn lòng.
Điêu đứng vì bị xử ép ngay trên sân nhà
Câu chuyện phim Việt bị “ép” về bởi các cụm rạp tại Việt Nam từ trước đó đã không ít lần gây xôn xao dư luận. Tháng 5 vừa qua, 8 đơn vị gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội Điện Ảnh, khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép.
Theo đơn khiếu nại này, CGV đã dựa vào áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, đưa ra tỷ lệ ăn chia không hợp lý. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55-45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45-55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)".
Các đơn vị khiếu nại cho rằng CGV đang tiến hành đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch thương mại như nhau, điều này là bất bình đẳng trong cạnh tranh và có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các đơn vị làm phim Việt này cũng tố CGV ưu ái nhiều cho phim ngoại ở cả tỷ lệ phát sóng, khung giờ vàng… hầu hết các nhà sản xuất phim Việt trước giờ vẫn “cắn răng” chịu, bởi nếu không chiếu ở CGV, họ có thể mất đi 40% doanh thu cho mỗi bộ phim công chiếu, và cũng cầm chắc trong tay chuyện lỗ vốn.
Cho đến nay, thư khiếu nại vẫn chưa có kết quả thì lại tiếp tục xảy ra sự việc của “Tấm Cám- Chuyện chưa kể”, khiến các nhà sản xuất trong nước một lần nữa bức xúc.
Phim Việt bị “ép” khi ra rạp, đó là một sự thật được rất nhiều nhà làm phim trong nước thừa nhận. Ngoài CGV, các cụm rạp khác có nhiều khung ăn chia khác nhau dành cho phim Việt như 50 – 50; 55- 45; 60- 40…, ngoài ra mức chi phí phát hành cũng khác nhau, 8%, 10%.... Tỉ lệ này hầu hết cho các cụm rạp quyết định sau khi thẩm định chất lượng phim.
Bên cạnh đó, khung giờ chiếu và các hình thức quảng bá - yếu tố góp phần vào doanh thu của mỗi bộ phim cũng là do cụm rạp tự đưa ra, nhà sản xuất cũng không được ý kiến hay thay đổi gì.
Tỷ lệ ăn chia với cụm rạp cao, không được ưu ái trong chiến dịch quảng bá, không được ưu tiên khung giờ đẹp…, phim Việt có quá nhiều thiệt thòi ngay trên chính sân nhà của mình.
Nguyên do của điều này, rất nhiều rất rõ, đó là về mặt chất lượng và thu hút khán giả, phim Việt không thể sánh được với phim ngoại. Với các cụm rạp, nhận chiếu phim Việt thì rủi ro về lỗ vốn cũng cao hơn. Bởi thất thế, nên chuyện bị ép cũng khó tránh khỏi…
Đây cũng chính là cái vòng lẩn quẩn cho phim Việt: Vì không đầu tư mạnh, không làm “tới nơi tới chốn”, nên chất lượng không cao, chưa thu hút người xem, nên bị rạp “chê”.
Và cũng vì các cụm rạp không để mắt tới phim Việt, nên rất khó cho các nhà làm phim, nếu bỏ vốn nhiều, đầu tư khủng cho một bộ phim, nhưng bị các rạp lớn từ chối, thì “lỗ vốn là cái chắc”. Sự cố của “Tấm Cám – Chuyện chưa kể” là một minh chứng cho khả năng rủi ro này.
Chưa nói đến chuyện đem chuông đi đánh xứ người”, phim Việt đã bị xử ép ngay chính trên sân nhà mình. Điều này khiến con đường của những người tâm huyết với điện ảnh Việt càng gian nan hơn bao giờ hết.
Trước thực trạng này, các đơn vị sản xuất cũng chỉ biết than trời, biết kêu cứu, tự cứu mình, còn một giải pháp có tính đồng bộ, hợp lý từ phía nhà quản lý vẫn chưa xuất hiện…