Gần đây, phim tài liệu Việt Nam đang có những bước bứt phá ngoạn mục, bắt đầu đường hoàng ngồi “cùng chiếu” với các phim “bom tấn” của nước ngoài tại rạp. Nhiều phim tài liệu đã đem lại nụ cười nhân văn, giọt nước mắt xúc động của hàng triệu khán giả.
Những bộ phim lan tỏa tình yêu thương
Đúng một năm ngày mất cố nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập, Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương công chiếu bộ phim “Chuyện ngày hôm qua” tại Trung tâm chiếu phim quốc gia và Rạp chiếu của hãng. “Chuyện ngày hôm qua” - tác phẩm về hành trình hơn 20 năm sống trọn với đam mê của Bức Tường. Trên hành trình ấy, Bức Tường đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nhiều lần hợp, tan, mâu thuẫn nội bộ, những áp lực của cuộc sống gia đình và đời sống.
“Chuyện ngày hôm qua” thu hút lượng khán giả lớn bởi đây là bộ phim của những người tử tế làm về những người tử tế. Với độ dài hơn 75 phút, bộ phim là kết quả lao động đầy nhiệt huyết của đạo diễn Đặng Linh, Hồng Thăng và ekip đã lao động miệt mài trong thời gian dài.
“Chuyện ngày hôm qua” được giới chuyên môn đánh giá tốt về yếu tố đề tài, góc nhìn và nghệ thuật và là ứng cử viên sáng giá tại giải thưởng Cánh Diều Vàng 2016 sắp diễn ra vào tháng 4 tới đây.
Trước đó, khán giả đã phải đặt mua vé từ trước mới có cơ hội để được xem bộ phim tài liệu “Lửa Thiện Nhân” tại chiếu rạp Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), rạp Tân Sơn Nhất ở TP HCM và năm cụm rạp trong hệ thống Platinum Cineplex. Bộ phim là hành trình đầy cảm động của hai mẹ con chị Mai Anh và Thiện Nhân - cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi và động vật ăn mất bộ phận sinh dục, sau đó được mẹ Mai Anh ở Hà Nội nhận nuôi, từng gây rúng động làng báo chí một thời.
Sau “Lửa Thiện Nhân”, đạo diễn Đặng Hồng Giang tiếp tục ra mắt chùm phim tài liệu “Đáng sống”.
“Đáng sống” gồm 3 tác phẩm là “Mầm sống”, “Đáng sống” và “Một con đường”, kể về những con người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội: trí thức, doanh nhân, nông dân. Đó là câu chuyện của một doanh nhân một ngày phát hiện mình bị ung thư đã bỏ lại sau lưng thành phố, vác máy ảnh vào rừng chụp chim. Là câu chuyện một phụ nữ quyết định sinh con bằng tinh trùng của người chồng đã mất vì tai nạn. Là câu chuyện về một người nông dân sống bằng nghề rà phá bom mìn. Khi cuộc đời rẽ sang hướng bi kịch, những con người này đã tự tìm lối thoát cho mình.
“Đáng sống” có mặt ở 7 cụm rạp chiếu lớn thuộc hệ thống BHD Cineplex tại TP HCM và một cụm rạp mới khai trương của BHD tại Hà Nội. Ngoài ra, phim cũng được trình chiếu tại cụm rạp Tháng Tám (Hà Nội) tối thiểu 3 suất/ngày, “sánh vai” với các phim “bom tấn” khác.
Phim tài liệu nữa cũng gây tiếng vang, tạo sức hút khán giả không thể không nhắc tới đó là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.
Bộ phim bắt đầu với lời tự sự của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm về những hội chợ lô tô. Lời tâm sự mở đầu cùng hình ảnh bãi đất trống với những lều rạp, khung sắt và những con người nhếch nhác đang làm công việc bốc dỡ hay dựng sân khấu trong cơn gió thổi mạnh... gợi không khí buồn tẻ của một miền quê. Nơi đó, những con người nhỏ bé đang cố gắng sinh tồn bằng thứ nghề trôi dạt.
86 phút phim tài liệu về người chuyển giới trong gánh hát nghèo giúp khán giả len lỏi vào cuộc đời những con người khao khát được xã hội công nhận và tôn trọng. Phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” chiếu ròng rã 3 tháng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu khán giả. Hầu hết những nhân vật trong các bộ phim tài liệu trên, khi cuộc đời họ rơi vào tai ương, như bao người họ cũng phải ôm mặt than trời nhưng họ không oán thán, mà tìm cách sống tiếp. Họ sống một cách đầy nhân văn, đầy tình người.
Đạo diễn mừng rơi nước mắt vì phim “được” chiếu
Đã từ lâu, phim tài liệu luôn bị coi là phim “cúng cụ” bởi sự cứng nhắc và giáo điều. Phim chỉ để chiếu trên ti vi hoặc chiếu miễn phí tại rạp các tuần lễ phim “hiếu, hỉ”. Sau tuần lễ “hiếu, hỉ”, phim tài liệu lại bị “đắp chiếu” ở nhà kho. Thế nhưng với sự chân thật, đầy nhân văn, xúc động lòng người của phim tài liệu những năm gần đây, khán giả đã dần thay đổi nhận thức.
Dù gây tiếng vang, thu hút lượng người xem nhưng ban đầu các bộ phim tài liệu ấy đều phải chật vật tìm… rạp. Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm lúc đó chỉ mong có được giấy phép phát hành, để được chiếu tại rạp, tri ân những người đã giúp đỡ mình hoàn thành bộ phim. Và rồi, nhà sản xuất Hồng Ánh, chủ hãng phim Blue Productions chưa bao giờ nghĩ sẽ phát hành phim tài liệu, sau khi xem thấy chất lượng. “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” quá tốt mới nhận phát hành khiến cho đạo diễn Nguyễn Thị Thắm mừng rơi nước mắt.
Cũng như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, đạo diễn Đặng Hồng Giang khi mang bộ phim “Lửa Thiện Nhân” đi chào hàng, rất nhiều rạp đã lắc đầu từ chối. Ở miền Bắc, chỉ duy nhất rạp Ngọc Khánh là rộng lòng chào đón. Sau đó, trước sức hút bộ phim, một số rạp bắt đầu cộng tác công chiếu.
Doanh thu cũng là điều đáng bàn. Với những tâm huyết công sức và kinh phí bỏ ra, hầu hết các đoàn làm phim tài liệu thu về hòa, thậm chí còn lỗ. Nói như đạo diễn Đặng Hồng Giang: “Nếu nói về doanh thu thì sẽ làm nhiều người nhụt chí”.
Tuy vẫn còn những khó khăn bủa vây, những đạo diễn ấy với sự yêu nghề, muốn thực hiện bộ phim đầy nhân văn, đầy chân thật trong cuộc sống sẽ tiếp tục cống hiến cho khán giả nhiều phim bộ phim hay. “Gái có công, chồng chẳng phụ”, có lẽ niềm tin của các đạo diễn ấy đã phần nào lý giải tại sao, phim tài liệu đang được hàng triệu người đón nhận và bắt đầu từng bước đường hoàng “sánh vai” với những phim “bom tấn” nước ngoài.