Theo Reuters, ông Arnel Ty – phó lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện thuộc Quốc hội Philippines – cho biết, Quốc hội nước này sẽ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu việc phát hành trái phiếu để cho phép tất cả những người dân Philippines vừa có thể tiết kiệm được tiền bạc, vừa đóng góp cho việc bảo vệ biên giới của Philippines trước sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc ở biển Đông.
“Phần lớn nguồn quỹ bổ sung thu được từ việc bán trái phiếu sẽ được dùng để mua các tàu chiến mới, như các tàu khu trục và tàu hộ tống, để triển khai tới biển Đông” – ông Ty cho hay.
Theo ông này, giới chức Philippines nhận thấy họ cần phải đầu tư vào các tàu chiến mới để bảo vệ những mỏ khí đốt và dầu khí có tiềm năng lớn của nước này ở biển Đông, vốn là chìa khóa cho sự độc lập về năng lượng của Manila.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngân khố Philippines Roberto Tan cho hay vẫn chưa nhận được đề nghị về kế hoạch phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, ông Ty cũng cho biết Quốc hội Philippines đã thông qua luật hiện đại hóa quân đội sửa đổi, theo đó phân bổ 75 tỉ peso cho giai đoạn 5 năm đến năm 2017. Kể từ khi nhậm chức hồi năm 2010 cho đến nay, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã chi khoảng 50 tỉ peso cho việc mua bán các thiết bị quân sự.
Trong năm 2016, Quốc hội nước này đã phê chuẩn khoản chi xấp xỉ 25 tỉ peso để mua 2 tàu khu trục, 3 máy bay chống tàu ngầm, 6 máy bay yểm trợ trên không cùng nhiều đạn dược cho các máy bay chiến đấu cỡ nhỏ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất.
Quân đội Philippines hiện đang có kế hoạch hiện đại hóa đầy tham vọng trong vòng 15 năm, chi khoảng 998 tỉ peso mua các tàu ngầm, hệ thống tên lửa tối tân, máy bay do thám...
Máy bay của Nhật sẽ tuần tra ở biển Đông
Trong một diễn biến khác, máy bay tuần tra P-3C có năng lực do thám tối tân của Nhật Bản trên đường về nước sau các hoạt động chống cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Somalia sẽ dừng ở căn cứ của một số nước giáp biển Đông, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản dẫn các nguồn tin cho biết, quyết định trên đã được Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật nhất trí. Theo quyết định này, máy bay trên dự kiến sẽ bay tới cả các khu vực mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền.
Các nguồn tin cho biết, động thái của giới chức Nhật Bản cũng sẽ đóng góp tích cực vào việc bảo vệ tự do hàng không ở biển Đông và cho phép Nhật hỗ trợ các cuộc tuần tra của Mỹ ở khu vực xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấn trái phép ở khu vực.
Máy bay P-3C thường di chuyển giữa Nhật Bản và châu Phi mỗi 3 tháng để tham gia các nỗ lực chống cướp biển đa quốc gia. Trước đây, máy bay thường tiếp nhiên liệu ở các căn cứ tương đối xa biển Đông như ở Singapore và Thái Lan.
Tuy nhiên, theo quyết định trên, trong hành trình trở về, máy bay này sẽ ưu tiên tiếp nhiên liệu ở các căn cứ xung quanh biển Đông và tham gia các hoạt động trao đổi có liên quan đến quốc phòng tại các căn cứ máy bay ghé thăm.
Theo thỏa thuận đã được nhất trí, vào tháng 2 tới, máy bay này sẽ dừng ở cảng Cam Ranh của Việt Nam./.