Người cười, người khóc
Phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được xem là con dao nhiều lưỡi, bởi cùng lựa chọn nhưng với người này nó như canh bạc thua trắng, với người kia như đôi cánh nâng đỡ cuộc đời. Người khác đổ tiền phẫu thuật thì lại làm mọi cách để được trở lại bản dạng ban đầu trước khi chỉnh sửa.
Mới đây, sau khi thừa nhận việc phẫu thuật thẩm mỹ thay đổi ngoại hình để thể hiện sự tôn trọng khán giả và làm mới bản thân, nam ca sĩ H.T đã lên mạng chia sẻ về việc anh không hài lòng với về diện mạo hiện tại và sự hỗ trợ không mấy nhiệt tình của bệnh viện nơi anh phẫu thuật.
“Bệnh viện trả lời rất đại khái kiểu "anh thấy như vậy là đẹp rồi", "do mũi em bị mụn nên mới đỏ vậy", "do đầu mũi em to sẵn nên không thu nhỏ lại được"…”, nam ca sĩ tâm sự trên mạng xã hội.
Một trường hợp tai nạn phẫu thuật thẩm mỹ |
Câu chuyện về tai nạn thẩm mỹ của H.T không có gì là mới khi chỉ cách đây vài tháng, truyền thông cũng râm ran câu chuyện về một cô gái Nguyễn Thị H, 23 tuổi, quê Quảng Ninh, sống ở Hà Nội bị hoại tử môi dưới phải nhập viện do biến chứng sau khi tiêm filler tại một spa ở ngõ Vạn Kiếp, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngay như Hàn Quốc được coi là “thiên đường phẫu thuật thẩm mỹ”, khi rất nhiều các “ngôi sao” giải trí đều trải qua can thiệp dao kéo, còn người dân bình thường thì coi phẫu thuật thẩm mỹ như việc “đến hẹn lại lên”, tai nạn thẩm mỹ cũng không phải hiếm.
Nữ doanh nhân Chen Yili người Trung Quốc đã trả cho bệnh viện Hàn Quốc 26 ngàn đô la để mong có được gương mặt thon gọn với các đường nét duyên dáng giống như các ngôi sao xứ sở kim chi. Tuy nhiên, thay vì có gương mặt xinh đẹp hơn thì Chen Yili lại phải thất vọng với vẻ ngoài mới của mình.
"Bác sĩ nói rằng sẽ tái tạo gương mặt tôi như những phụ nữ Hàn Quốc, sẽ làm cho tôi mũi, cằm mới. Tuy nhiên khi bạn bè nhìn thấy gương mặt mới của tôi thì họ đều bị sốc, chiếc mũi của tôi cong vẹo”, Chen Yili cho biết. Đẹp đâu không thấy, Chen Yili có dấu hiệu mắc các chứng tâm thần vì phẫu thuật hỏng và mỗi ngày phải uống thuốc chống trầm cảm.
Velasquez Lizzie, cô gái người Mỹ "xấu nhất thế giới" quyết giữ nguyên gương mặt của mình |
Trên đây là những “kẻ” rủi, còn người may thì sao? Hẳn mọi người còn nhớ “chú vịt xấu xí” của chương trình “Thay đổi cuộc sống – Change Life” đã lột xác thành thiên nga như thế nào. Nguyễn Hà My không phải ca “nặng” vì khiếm khuyết duy nhất trên gương mặt của cô là vết chàm, còn lại tất cả các nét của cô đều rất hài hòa.
Nên một câu hỏi lớn đặt ra, vì sao cô quyết định thay đổi toàn bộ diện mạo? Trả lời câu hỏi này của báo chí, Nguyễn Hà My cho biết cô đã trải qua những ca phẫu thuật chỉnh lợi, gọt hàm, nhấn mí mắt, nâng mũi….
Có thể được coi là người may mắn với phẫu thuật thẩm mỹ, Nguyễn Hà My tâm niệm: “Tôi nghĩ ai cũng muốn trở nên xinh đẹp hơn và bản thân tôi không có ác cảm gì với phẫu thuật thẩm mỹ. Khi có cơ hội đến thì hãy nắm bắt”.
Quay lại với Hàn Quốc, dù là “thiên đường” phẫu thuật thẩm mỹ nhưng đây cũng chính là nơi ra đời của phong trào "Đảo ngược phẫu thuật thẩm mỹ". Phong trào này xuất phát từ chương trình truyền hình thực tế mang tên Back To My Face (Trở lại với gương mặt gốc) ra đời tại Hàn Quốc vào năm 2014.
Mê phẫu thuật thẩm mỹ nhưng rất nhiều khán giả đã bày tỏ thái độ đồng tình với ao ước “trở lại gương mặt gốc”, bằng chứng là tỷ lệ người xem khá cao mỗi lần lên sóng theo trang tin Kotabu.
Một số nghệ sĩ Hàn Quốc “lột xác” nhờ phẫu thuật thẩm mỹ |
Trong giới ngôi sao nổi tiếng, cũng có những người mong muốn mình chưa từng can thiệp để thay đổi vẻ ngoài. Bên cạnh những cái tên như diễn viên Cameron Diaz, Gwyneth Paltrow, ca sĩ Jessica Simpson, còn có nữ danh ca Cher, người từng cho biết: "Tôi đã nâng ngực. Nhưng đó thực sự là cơn ác mộng thất bại về mọi mặt. Thậm chí trông chúng còn tệ hơn trước khi nâng".
Trên thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều phong trào kêu gọi mọi người cân nhắc kĩ trước khi phẫu thuật thẩm mỹ cũng như yêu cầu các chính phủ ban lệnh cấm quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ tràn lan.
Áp lực phải đẹp?
Phụ nữ là nhóm người phải chịu nhiều áp lực “phải đẹp” từ xã hội nhất. Bằng chứng là 90% số bệnh nhân tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ là phụ nữ. Và quá trình này bắt đầu từ rất sớm. Cũng dễ hiểu thôi vì ngay từ khi còn là bé gái giới nữ đã nhận thức từ những câu chuyện cổ tích rằng, những cô Tấm, nàng Lọ Lem không những đảm đang, hiền lành mà còn rất đẹp.
Cổ tích ở trang sách là thế, còn cổ tích ở Holywood thì ở tuổi ngoài 30, các sao nữ dễ dàng để mất vai vào tay những bóng hồng trẻ tuổi hơn, trong khi các bạn diễn nam vẫn tới tấp nhận được các kịch bản kể cả đóng vai hoàng tử dù đã ở tuổi 40-50.
Điều tra của Hội Nữ hướng đạo Vương quốc Anh tiết lộ, 47% các cô gái cho rằng họ cảm thấy áp lực phải trông hấp dẫn hơn. Một nửa số phụ nữ trẻ, tuổi từ 16-21, cũng cho biết sẵn sàng cân nhắc các giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phái đẹp lại ghét cơ thể và khuôn mặt của họ tới mức sẵn sàng chi cả đống tiền, chịu đựng những cơn đau cắt da cắt thịt, thậm chí chấp nhận những rủi ro phẫu thuật để làm đẹp?
Phải chăng là do những chương trình làm đẹp quá đà trên truyền hình hay những lời chỉ trích nặng nề của cộng đồng mạng nhằm vào khiếm khuyết nhỏ xíu của “ngôi sao” nào đó. Nói cách khác, một bộ phận phụ nữ đang cảm thấy mình bị tấn công dồn dập bởi các phương tiện truyền thông, thứ luôn cố gắng tiêm vào đầu họ một định nghĩa hẹp hòi về cái đẹp là chỉ xoay quanh eo nhỏ, ngực lớn, chân dài miên man, da không tì vết…
Một số nghệ sĩ Hàn Quốc “lột xác” nhờ phẫu thuật thẩm mỹ |
Nhưng cũng có những người không bị ám ảnh bởi truyền thông, mạng xã hội. Họ chọn “xấu tự nhiên” nhưng là chính mình, còn hơn “đẹp dao kéo” mà mặt mũi cứ như “mặt ải mặt ai”.
Velasquez Lizzie, cô gái người Mỹ bị gọi là "xấu nhất thế giới" đã không chọn phẫu thuật thẩm mỹ. Cô đã dũng cảm đứng lên, xây dựng phong trào giúp phụ nữ tự tin là chính mình. Cô là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới.
Và từ đó, nhiều nước trên thế giới cũng thay vì khuyến khích phẫu thuật thẩm mỹ, đang nỗ lực giúp người dân bớt ám ảnh bởi vẻ bề ngoài như phong trào "Hãy chấp nhận cái mặt của tôi", chống kì thị về vẻ bề ngoài ở Đài Loan
Còn ở Việt Nam, ông bà ta đã từ lâu nhận ra điều ấy. Bằng chứng là có ông chồng đã dành tặng cho vợ những lời có cánh: “Lỗ mũi 18 gánh lông/Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho…”. Thế đấy, dao nhiều lưỡi có cắt được “râu rồng” hay không là tùy ở nhận thức của mỗi người!