Phước Lộc Thành BBS là thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam trong lĩnh vực phân phối vật liệu xây dựng. Trong thời gian tới, thương hiệu này đang có ý định táo bạo phát triển Phước Lộc Thành BBS trở thành chuỗi nhượng quyền thương mại chuyên phân phối vật liệu xây dựng thông minh đầu tiên về lĩnh vực này tại Việt Nam.
Doanh nhân & Pháp luật có cuộc trao đổi với ông Thái Vũ Hòe, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phước Lộc Thành BBS xoay quanh vấn đề phát triển thị trường nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam và cơ hội của mô hình kinh doanh này.
PV: Đánh giá của ông về mô hình kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam hiện nay?
Ông Thái Vũ Hòe: Hoạt động nhượng quyền kinh doanh vẫn còn mới tại Việt Nam. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều thương hiệu quốc tế tìm đường sang các thị trường đang trỗi dậy. Những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động nhượng quyền kinh doanh phát triển. Theo tôi, thời điểm này hoạt động này tại Việt Nam sẽ sôi động hơn và nhiều DN sẽ nhảy vào lĩnh vực này để đầu tư.
PV: Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đã xuất hiện nhiều trên thị trường. Tuy nhiên sự thành công của các thương hiệu Việt Nam khi nhượng quyền là rất ít. Việc Phước Lộc Thành BBS phát triển thành mô hình chuỗi hệ thống phân phối vật liệu xây dựng thông minh có phải công ty đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng?
Ông Thái Vũ Hòe: Hiện nay trên thị trường có nhiều thương hiệu đang kinh doanh nhượng quyền, tương đối thành công nhưng đa số là mua thương hiệu nước ngoài còn thương hiệu “Made in Vietnam” và nhượng quyền tại Việt Nam thì chưa có nhiều thành công. Lý do để có ít các DN thành công là do chưa thông hiểu về kinh doanh nhượng quyền. Ở các nước phát triển khác thì người xây dựng lên thương hiệu không nhất thiết phải là người thông hiểu về nhượng quyền. Bên Mỹ muốn tìm công ty tư vấn về nhượng quyền thì hàng ngàn công ty, nói cách khác cơ sở hạ tầng đề phát triển nhượng quyền đầy đủ, còn tại Việt Nam thì gần như không có.
Ở Việt Nam các hệ thống phân phối đang rơi dần vào tay các tập đoàn nước ngoài. Điều này thật sự bất lợi cho các DN sản xuất của Việt Nam và càng thiệt thòi hơn cho người tiêu dùng. Ví như hệ thống phân phối hàng tiêu dùng đã bị nhiều tập đoàn nước ngoài độc quyền và họ thực sự đang làm mưa làm gió trên thị trường. Đây là lỗ hổng trong lĩnh vực tiêu dùng và hành lang pháp lý chưa đủ chế tài để hạn chế sự thôn chiếm này.
Tôi có ý tưởng thành lập chuỗi phân phối vật liệu xây dựng thông minh mang tên Phước Lộc Thành BBS đã khá lâu. Việc làm này cũng là để giữ sân chơi khi các tập đoàn lớn tràn vào Việt Nam và cũng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như sự thừa nhận vai trò lợi ích của các nhà bán lẻ. Đến thời điểm này chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai mô hình này và xem đây là bàn đạp để thúc đẩy công ty phát triển trong tương lai. Kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng là một lĩnh vực đầu tư cần nguồn vốn rất là lớn.
Khi công ty muốn mở rộng hệ thống phân phối sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Do đó, việc thực hiện mô hình nhượng quyền thương mại, chúng tôi sẽ tìm hàng loạt đối tác từ Nam chí Bắc thuyết phục gia nhập chuỗi phân phối Phước Lộc Thành BBS. Đây là chiến lược sẽ thành công khi công ty tận dụng được nguồn lực của từng đại lý, cửa hàng bán lẻ để đưa các sản phẩm của công ty đến khách hàng.
Hiện Phước Lộc Thành BBS đang chuẩn hóa lại mô hình hoạt động, xây dựng hệ thống thương hiệu, phát triển đội ngũ quản lý. Ngoài ra, công ty thực hiện “Phiên chợ ưu đãi hàng tuần”, đây sẽ là bàn đạp để thúc đẩy thương hiệu Phước Lộc Thành BBS phát triển và các đối tác sẽ thấy những giá trị của công ty mà gia nhập vào mô hình phân phối này.
PV: Qua những bước xây dựng mô hình kinh doanh nhượng quyền của Phước Lộc Thành BBS, theo ông những DN muốn theo đuổi kinh doanh nhượng quyền thường gặp khó khăn gì nhất? Trở ngại đó liệu nhượng quyền thương hiệu có phát triển ở Việt Nam hay không?
Ông Thái Vũ Hòe: Hiện nay, mô hình kinh doanh nhượng quyền gặp một trở ngại rất lớn là hành vi ăn cắp thương hiệu của người kinh doanh không chân chính. Mô hình kinh doanh nhượng quyền thương hiệu bao gồm nhiều yếu tố như đào tạo nhân viên, bí kíp kinh doanh, mô hình quản lý, hạ tầng công nghệ…nhưng cái tên, thương hiệu là tài sản quan trọng được chuyển giao. Nếu cái tên đó không được độc quyền thì nhượng quyền thương hiệu đâu còn gì để chuyển giao. Đây chính là khó khăn lớn nhất mà các DN bước vào lĩnh vực này cần phải chú ý.
Thị trường nhượng quyền thương hiệu đã phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Và thực tế đang chứng kiến nhiều thương hiệu nước ngoài đã được nhượng quyền thành công ở Việt Nam. Điều này có thể thấy mô hình này đang có đà tăng trưởng rất cao tại Việt Nam. Trở ngại chỉ là con số 0 nếu các DN bắt đầu tìm hiểu mô hình kinh doanh nhượng quyền chuẩn bị kỹ các bước đi về xây dựng chiến lược, thương hiệu, mô hình quản lý, giám sát…
PV: Kinh tế năm 2012 được dự báo là còn nhiều khó khăn, các DN nhiều khả năng phải đối mặt với những cơn khủng hoảng kinh tế mới. Theo ông, liệu có cơ hội cho kinh doanh nhượng quyền hay không?
Ông Thái Vũ Hòe: Tôi nghĩ rằng kinh tế khó khăn vừa xấu nhưng cũng vừa tốt với kinh doanh nhượng quyền. Trước tiên xấu thì ai cũng biết là mọi người đều khó khăn, ít chịu chi tiền đầu tư mà chỉ muốn giữ tiền để an toàn. Tuy nhiên nó cũng là cái tốt. Tốt trước tiên là cơ hội nhiều hơn để thành công. Cái tốt nữa mà càng đúng với kinh doanh nhượng quyền là chia sẻ gánh nặng về nguồn vốn. Tình hình kinh tế khó khăn như vậy thay vì tự mình mở 10 cửa hàng thì nay để 9 cửa hàng cho đối tác cùng mở với mình. Như vậy vốn đầu tư ít hơn nhưng thương hiệu vẫn được nhân lên, mở rộng. Công ty nếu có đủ tiềm lực tài chính để mở rộng thì cũng làm được nhưng rõ ràng trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì rủi ro càng lớn. Như vậy nhượng quyền càng đúng càng hợp thời, càng đúng lúc. Việc còn lại là chọn đúng người, đúng đối tác, đúng địa điểm thì rất phù hợp.
PV: Ông nói đến việc phải chọn đúng đối tác. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này không?
Ông Thái Vũ Hòe: Kinh doanh nhượng quyền quan trọng nhất là lựa chọn đối tác. Mô hình muốn thành công đòi hỏi đối tác phải vững vàng đề điều kiện tài chính và phải đam mê với mô hình kinh doanh nhượng quyền. Nếu đối tác không quan tâm, làm cho có thì các cửa hàng nhượng quyền thất bại là điều chắc chắn. Tiếp đến là đối tác phải có kinh nghiệm quản trị. Nếu vấn đề này làm không chuẩn thì rất dễ gặp thất bại, thương hiệu sẽ mất uy tín đối với người tiêu dùng.
PV: Bên cạnh những điều vừa chia sẻ, còn vấn đề về quản trị DN trong kinh doanh nhượng quyền. Quản trị kinh doanh nhượng quyền có gì khác với hình thức kinh doanh thông thường?
Ông Thái Vũ Hòe: Kinh doanh nhượng quyền là quản trị chuỗi gồm nhiều cửa hàng trên nhiều địa bàn, khu vực địa lý có nhiều cửa hàng, địa điểm. Ban đầu sẽ là quản trị chuỗi của công ty mình, nhưng sau khi nhượng quyền thì sẽ phải quản lý chuỗi với đối tác. Chuỗi là nói đến câu chuyện cung ứng, chất lượng, kiểm tra quản trị trong hệ thống của mình. Nhiều người sai lầm khi mới có mô hình kinh doanh của mình thành công đã tìm cách nhượng quyền. Như thế chỉ giúp làm ra 1 cửa hàng giống mình nhưng không thể quản lý được.
Ngoài ra người làm kinh doanh nhượng quyền phải biết chia sẻ công thực thành công, chia sẻ bí mật an toàn. Khi kinh doanh theo chuỗi thì không thể ôm bí mật cho riêng mình nhưng cũng không thể chuyển giao hết thì người nhận nhượng quyền vì như thế họ sẽ không còn cần đến mình. Do vậy làm thế nào chia sẻ bí mật kinh doanh an toàn là bí quyết thành công kinh doanh nhượng quyền.
Xin cảm ơn ông !
Trần Thắng – Thu Hồng (thực hiện)