Cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Thành Trung cho biết, Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, tập trung phát triển 10 nhóm hạ tầng, trong đó có giao thông, cung cấp điện, thủy lợi, đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, thương mại, thông tin, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ… Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, một khối lượng lớn nhiệm vụ về thể chế, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng được hoàn thành, tạo ra diện mạo mới cho phát triển đất nước.
Nhiều chương trình, dự án công trình kết cấu hạ tầng, nhất là trong giao thông, năng lượng, thủy lợi, thông tin… được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư để sớm đi vào khai thác, vận hành hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư với nhiều cơ sở vật chất của ngành Giáo dục, Y tế, thiết chế văn hóa, thể thao… từ Trung ương đến địa phương. Sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Chính phủ đã thu hút được nguồn vốn khá lớn và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng…
Mặc dù vậy, tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng thẳng thắn cho rằng, công tác cải cách thể chế chưa đồng bộ, chậm ban hành hoặc chưa có chính sách đột phá để huy động các nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, nguồn lực từ tài nguyên để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng. Một số lĩnh vực còn thiếu các quy định về luật, hệ thống pháp luật khác để điều chỉnh, như Luật Viễn thông, Luật Quản lý phát triển đô thị… Cơ chế chính sách chưa theo kịp thực tiễn, nhất là cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng, hợp tác công - tư.
Công tác đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp, duy tu sửa chữa các công trình còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình như trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, đô thị. Trong khi đó, cơ chế chính sách thu hút nguồn lực ngoài Nhà nước tham gia kết cấu hạ tầng chưa phát huy tác dụng và hiệu quả. Các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề mới chưa được đề cập trong Nghị quyết 13-NQ/TW như hạ tầng kết nối thông tin, môi trường, huy động nguồn lực xã hội hóa...
Xác định điểm đột phá về hạ tầng
Phát biểu tại cuộc họp, nhấn mạnh sự cần thiết của phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của bộ, ngành, địa phương với quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các ý kiến tại cuộc họp đã nhìn nhận tổng quát, đồng bộ về kết quả thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW cũng như thay đổi trong nhận thức về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
“Chúng ta đã làm nhanh hơn, dành nhiều nguồn lực hơn, có ý thức hơn nhưng thực trạng, yếu kém của hệ thống kết cấu hạ tầng mà Nghị quyết 13-NQ/TW nêu ra như thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển, vẫn còn nguyên giá trị”, Phó Thủ tướng nói và chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là tư duy phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, thiếu tính liên thông, thiếu khả năng tích hợp, đồng bộ, thống nhất, tầm nhìn dài hạn của các công trình, dự án hạ tầng.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có quan điểm mới, tư duy mới, nhiệm vụ mới để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tích hợp hiện đại, đi trước và mở ra không gian phát triển mới. Trong đó, nguồn lực nhà nước tập trung cho những công trình hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt vốn đầu tư tư. Cơ chế, chính sách trong phát triển kết cấu hạ tầng phải đi trước về tư duy, tầm nhìn quy hoạch từ tổng quát đến chi tiết, từ kết nối tầm quốc gia, quốc tế đến vùng, địa phương, tích hợp các quy hoạch ngành; đa dạng các hình thức huy động nguồn lực xã hội như đầu tư công quản trị công, đầu tư công quản trị tư; đầu tư tư quản trị công; đầu tư tư quản trị tư… Đồng thời, cải cách triệt để các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, giao thông, năng lượng… đối với các dự án kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, trong từng lĩnh vực hạ tầng cũng phải xác định điểm đột phá. Phó Thủ tướng lấy ví dụ đối với hạ tầng đô thị, bên cạnh đường bộ cần quan tâm hơn nữa đến đường sắt, đường thủy; tập trung đầu tư cho hạ tầng thông tin, viễn thông đang ngày càng trở nên quan trọng trong phát triển đô thị thông minh. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa…, kiến tạo không gian sáng tạo cho hoạt động văn hóa, thông tin báo chí, công nghiệp kinh tế xanh, công nghệ cốt lõi…; có lộ trình phát triển những loại hình hạ tầng mới về thông tin, viễn thông, môi trường, năng lượng tái tạo…
Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng công tác tổ chức thực hiện cần có sự đồng bộ chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong toàn xã hội. Công tác hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là vấn đề các cấp, ngành cần quan tâm; nhất là tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật chuyên ngành; phân cấp, phân công trách nhiệm rõ ràng, đơn giản hóa thủ tục…