Với mục tiêu chung xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, có đủ khả năng tư vấn các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội, trong đó có các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế của Nhà nước, đến nay, theo số liệu của Bộ Tư pháp sau gần 07 năm thực hiện, Đề án 123 đã khẳng định được tầm quan trọng và sự cần thiết đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, có thể khẳng định những kết quả nổi bật đó là nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của hoạt động luật sư trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến rõ rệt; thể chế về phát triển đội ngũ luật sư hội nhập có bước hoàn thiện đáng kể; đặc biệt, có sự phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Nếu như trước khi ban hành Đề án chúng ta mới có khoảng 20 Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế thì nay đã tăng lên 444 luật sư, 28 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trong số các tổ chức hành nghề Luật sư này, một số tổ chức đã hoạt động khá chuyên nghiệp, dần khẳng định thế mạnh và uy tín của mình, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài. Chất lượng đội ngũ Luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế cũng chuyên nghiệp hơn, đặc biệt ngày càng xuất hiện nhiều Luật sư giỏi…
Tuy nhiên, với số lượng 444 chuyên gia pháp luật, Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế so với tổng số trên 10 ngàn luật sư trong cả nước thì còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Chất lượng Luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng còn nhiều hạn chế, thể hiện ở trình độ chuyên môn chưa đồng đều. Do vậy, nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ta phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết với chi phí rất cao, lại không chủ động về thời gian và nắm bắt diễn biến giải quyết tranh chấp, vấn đề cung cấp và bảo mật thông tin cũng gây nhiều khó khăn cho các bên.
Để phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ Tư pháp đã và đang triển khai đồng bộ các đề án về đào tạo đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật am hiểu pháp luật và tập quán thương mại, đầu tư quốc tế, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có khả năng được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của nước ngoài nơi được đào tạo
Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”, Bộ Tư pháp đã quyết định thành lập Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế thuộc Học viện Tư pháp. Có chức năng tìm kiếm, tham gia đàm phán với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các nước Anh, Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Singapore và các nước khác để liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế theo quy định của pháp luật; Xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập và tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng của Trung tâm; Tổ chức đào tạo tiếng Anh, tiếng Anh pháp lý, tiếng Anh thương mại cho người học để tạo nguồn học viên cho Trung tâm và các đối tượng khác có nhu cầu...thời gian qua, Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế đã giúp Học viện Tư pháp trong việc triển khai nhiều hoạt động cụ thể chuẩn bị cho việc mở khóa đào tạo đầu tiên của chương trình. Và tháng 10 vừa qua, tại Hà Nội Lớp Đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa I/2017 của Học viện Tư pháp đã được khai giảng. Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo, sự đầu tư về đội ngũ giảng viên, cũng như những ưu điểm vượt trội trong phương pháp, nội dung giảng dạy, cơ hội cọ sát với thực tiễn.. Lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa I/2017 chắc chắn sẽ thành công, góp phần cho “ra lò” đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế chất lượng.