Thời cơ chưa được phát huy
Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) xác định quan điểm phát triển tập trung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bên cạnh việc chú trọng phát triển nông nghiệp là thế mạnh của vùng thì không thể tách rời với đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Trong khoảng hai thập kỷ qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng đã minh chứng điều này, cụ thể: Tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng các nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp có xu hướng giảm dần so với các nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Vì vậy, cần phải tận dụng những ưu thế về thị trường thế giới, đặc biệt là kể từ sau hiệp định EVFTA, Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu, là một thị trường khó tính nhưng cũng đầy hứa hẹn.
Bên cạnh đó, vùng hạ lưu sông Mê Kông có vị trí gần với cực tăng trưởng TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ (TP HCM&ĐNB) vừa là thời cơ vừa là thách thức cho toàn vùng trong quá trình tiếp cận những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, mở rộng thị trường, góp phần tạo đà đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên cơ sở gia tăng mật độ các khu đô thị hiện có để phát huy lợi thế tích tụ của vùng.
Qua đó, gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm thiểu chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những kết nối hạ tầng tốt từ TP HCM đến Cần Thơ thậm chí còn thúc đẩy các nguồn lực, luồng hàng, luồng người, luồng đầu tư bị hút nhanh về phía TP HCM.
TP Cần Thơ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để trở thành thủ phủ của vùng ĐBSCL nhưng đến nay vẫn chưa phát huy tối đa chức năng và nhiệm vụ. |
ĐBSCL có phía Tây giáp với vịnh Thái Lan, phía Đông Nam giáp với biển Đông tạo điều kiện thuận lợi xây dựng chiến lược phát triển chuỗi đô thị ven biển nhằm hình thành vùng kinh tế biển, đây được xem là một trong những chiến lược kinh tế trọng yếu của Việt Nam.
Hiện tại, ĐBSCL có 3 khu kinh tế (KKT) : KKT Định An (Trà Vinh), KKT Năm Căn (Cà Mau) và KKT đảo Phú Quốc (Kiên Giang) trong 18 KKT ven biển nằm trong đề án “Quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam đến năm 2020”. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc xây dựng các KKT biển gặp nhiều thách thức như: Phát triển số lượng quá nhanh dẫn đến đầu tư dàn trải kém hiệu quả; “cơn khát” nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng… dẫn đến việc xây dựng các chuỗi đô thị ven biển vẫn đang trong tình trạng “đóng băng”.
Liên quan đến vấn đề trên, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (SISP) – Bộ Xây dựng cho biết thêm, tuy vùng ĐBSCL đã có mạng lưới đô thị phân bố khá đồng đều với cự ly khoảng 60 km sẽ có một đô thị, nhưng chưa thực sự hình thành rõ việc phân bố vai trò, chức năng phù hợp cho từng đô thị nằm trong hệ thống các đô thị của vùng.
Đơn cử là TP Cần Thơ và các đô thị trung tâm tiểu vùng chưa phát huy được vai trò phát triển kinh tế, xã hội cho toàn vùng; chưa trở thành trung tâm dịch vụ, hậu cần phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất; các dịch vụ xã hội chưa được cung cấp đầy đủ dẫn đến chất lượng cuộc sống người dân chưa được nâng cao. Điều này dẫn đến tỷ lệ đô thị hóa của vùng (năm 2014 đạt 25%) luôn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (là 33%). Các tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp thuộc khu vực Bắc sông Hậu, thấp nhất là Bến Tre (10%), Vĩnh Long (17%), Đồng Tháp, Long An (18%)…
Bứt phá thay đổi diện mạo
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đô thị nhỏ rất ít có cơ hội để cạnh tranh trên trường quốc tế mà thay vào đó phải là các vùng đô thị có quy mô hàng chục triệu dân. Theo Bộ KH&ĐT toàn bộ vùng ĐBSCL không đủ lực để tạo thành một vùng đô thị có đầy đủ các tố chất cạnh tranh. Do đó, cần nhìn nhận thực tế về việc không thể tách rời vùng với các vùng lân cận. Thực tế cho thấy vùng ĐBSCL không phải là một vùng khép kín, các nguồn lực của vùng hiện nay đang đổ về vùng TP HCM&ĐNB.
Trong thời gian qua, toàn vùng ĐBSCL đang tập trung rất nhiều chính sách từ hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không đến giáo dục, y tế, chính trị… phục vụ cho công tác phát triển TP Cần Thơ thành thủ phủ của vùng.
Tuy nhiên, hiện nay TP Cần Thơ chỉ mới đảm nhiệm một phần hữu hiệu các chức năng chứ chưa thực sự đảm nhiệm vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế của cả vùng. Đồng thời, Cần Thơ chưa có quy mô phát triển đủ lớn để chống lại sức hút của vùng TP HCM&ĐNB.
Do đó, quan điểm về định hướng phát triển ĐBSCL có nhiều thay đổi, đó là phát triển chuỗi đô thị hiện hữu dọc theo sông Tiền, sông Hậu thành vùng đô thị hóa – công nghiệp hóa tập trung. Chức năng của vùng này là liên kết phát triển chặt chẽ với T PHCM&ĐNB ở phía Đông và kết nối quốc tế với Campuchia về phía Tây. Các đô thị loại 1 có vai trò cấp vùng bao gồm 6 TP tỉnh lỵ: Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Rạch Gía (Kiên Giang), Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Tân An (tỉnh Long An)…
TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) là đô thị loại 1 có vai trò trong định hướng phát triển vùng ĐBSCL. |
Để đưa ra các định hướng tối ưu vào việc phát triển hệ thống đô thị vùng ĐBSCL cần xem xét trên nhiều yếu tố. Hạ tầng giao thông thủy, bộ cần được gắn kết, bổ sung cho nhau và các hạ tầng mới không thể xây dựng tại những nơi chắc chắn sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng, nếu như có cần phải có những biện pháp lâu dài đảm bảo chất lượng công trình. Trên thực tế, việc xây dựng và bảo trì hệ thống đường thủy ít tốn chi phí mà có hiệu quả nhiều lần so với xây dựng cầu đường trong điều kiện nền đất yếu và thiếu ổn định như vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún, ngập lụt… đến năm 2050 cũng được triển khai trên 3 hình thái chính của đô thị và nông thôn. Hình thái “Đồng Tháp Mười mở rộng” với định hướng phát triển thành các khu vực kiểm soát ngập và trữ nước ngọt. Hình thái “Nước ngọt phù sa” đối với các đô thị nằm tại các khu vực tương đối cao ráo sẽ được nâng cao chất lượng, gắn với cảnh quan sản xuất lúa gạo, rau và trái cây hết sức đa dạng. Cuối cùng là hình thái “Ven biển” các đô thị và điểm dân cư được phát triển phù hợp với mặt cắt lãnh thổ.
Để phát triển quá trình đô thị hóa cần phát triển vùng ĐBSCL trở thành một hệ thống kinh tế xuất khẩu mạnh mẽ với các sản phẩm chủ lực về nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng một nền nông nghiệp và thủy sản phát triển cao vận hành nhịp nhàng với các trung tâm đô thị là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện tại.
Các đô thị được đề xuất đóng vai trò trung tâm của tiểu vùng sinh thái nông nghiệp như: TP Rạch Gía (tiểu vùng Tây sông Hậu), TX Hồng Ngự (tiểu vùng Đồng Tháp Mười)… được thúc đẩy bằng các trung tâm chuyên ngành về nghiên cứu và ứng dụng. Góp phần kiến tạo và đổi mới các sản phẩm nông nghiệp và bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.