Phát triển con người để đáp ứng kinh tế số

Con người là yếu tố then chốt trong phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: TCTC)
Con người là yếu tố then chốt trong phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. (Ảnh minh họa - Nguồn: TCTC)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nếu những năm 1990, chỉ số phát triển con người ở vị trí tương đối thấp, thì nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng “Chỉ số Phát triển con người (HDI) toàn cầu”. Sự liên tục tiến bộ của chỉ số phát triển con người ở Việt Nam trong 30 năm qua cho thấy, trong tiến trình phát triển kinh tế số, yếu tố con người sẽ đóng vai trò quan trọng.

Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam

Mới đây, Văn phòng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã công bố báo cáo mới nhất về HDI toàn cầu, trong đó xếp Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người cao.

Cụ thể, theo Báo cáo của UNDP, giá trị HDI của Việt Nam năm 2022 là 0,726 - đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 đến năm 2022, giá trị HDI của Việt Nam thay đổi từ 0,492 lên 0,726, tăng gần 50%. Vào những năm 1990 khi UNDP đưa ra chỉ số phát triển con người HDI, Việt Nam ở vị trí tương đối thấp trong bảng xếp hạng, nhưng đến nay Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua. “Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch COVID-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua” - Trưởng Đại diện thường trú của UNDP Ramla Khalidi cho biết.

Việt Nam xếp thứ 91/166 quốc gia về Chỉ số Bất bình đẳng giới, chỉ số xem xét sự bất bình đẳng trên ba khía cạnh sức khỏe sinh sản, trao quyền và thị trường lao động. “Việt Nam đã làm tốt ở một số khía cạnh, như tiếp cận giáo dục và tham gia lực lượng lao động”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Báo cáo Phát triển Con người (HDR) 2023/2024, có tiêu đề “Phá vỡ tình trạng bế tắc: Tái hình dung sự hợp tác trong một thế giới phân cực” cho thấy một xu hướng đáng lo ngại là sự phục hồi chưa đầy đủ và không đồng đều của HDI toàn cầu - một thước đo tóm tắt phản ánh tổng GDP của một quốc gia thu nhập (GNI) bình quân đầu người, trình độ học vấn và tuổi thọ trung bình. HDI được dự đoán sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 sau khi giảm mạnh trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, tiến độ này rất không đồng đều. Các nước giàu đang có mức độ phát triển con người cao kỷ lục trong khi một nửa số nước nghèo nhất thế giới vẫn ở dưới mức trước khủng hoảng.

Báo cáo của UNDP cho thấy tiến độ phát triển không đồng đều đang khiến những người nghèo nhất bị bỏ lại phía sau, tình trạng bất bình đẳng trầm trọng hơn và gây ra sự phân cực chính trị trên quy mô toàn cầu. Tình trạng này dẫn đến sự bế tắc nguy hiểm cần phải hiệp lực giải quyết gấp. “Khoảng cách phát triển con người ngày càng lớn như báo cáo đề cập đến cho thấy xu hướng giảm dần bất bình đẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo trong hai thập kỷ qua hiện đang bị đảo ngược. Mặc dù xã hội toàn cầu được kết nối chặt chẽ với nhau, chúng ta đang thiếu hụt. Chúng ta cần tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như khả năng giải quyết những thách thức chung đang tồn tại, đồng thời bảo đảm đáp ứng nguyện vọng của người dân”, ông Achim Steiner, Tổng Giám đốc UNDP cho biết.

Theo ông Achim Steiner, sự bế tắc này gây thiệt hại đáng kể về người. Thiếu sự hiệp lực nhằm thúc đẩy hành động về biến đổi khí hậu, số hóa hay nghèo đói và bất bình đẳng không chỉ cản trở sự phát triển con người mà còn làm trầm trọng thêm sự phân cực và làm xói mòn thêm niềm tin vào người dân và các tổ chức trên toàn thế giới.

Con người là yếu tố then chốt trong phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam

Công bố báo cáo mới nhất về HDI toàn cầu xếp Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người cao. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam Insider).

Công bố báo cáo mới nhất về HDI toàn cầu xếp Việt Nam nằm trong nhóm phát triển con người cao. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam Insider).

Từ nhận định của ông Achim Steiner, có thể thấy trong tiến trình số hóa, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng.

Kinh tế số (Digital economy) là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet; được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình hợp tác kinh doanh mới. Kinh tế số giúp gia tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, kinh tế số cũng giúp tăng trưởng bền vững vì có sử dụng tri thức nhiều hơn là tài nguyên. Chi phí để doanh nghiệp, người dân tham gia vào nền kinh tế số thấp hơn nên tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn. Cùng với việc ứng dụng công nghệ số, mạng lưới internet không biên giới sẽ làm giảm được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa các quốc gia khu vực.

Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, mục tiêu đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Đến năm 2030, kinh tế số thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 7 - 16%, tương đương khoảng 28 - 62 tỷ USD. Đảng và Nhà nước đưa ra nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện thúc đẩy nền kinh tế số nước nhà, trong đó con người là một trong những yếu tố trọng tâm.

Theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, phát triển kinh tế là do con người và vì con người. Chính vì vậy, thực tế để phát triển kinh tế số, việc phát huy nhân tố con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam với gần 100 triệu dân và đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” được đào tạo tốt, học tập và lao động chăm chỉ, đồng thời con người Việt Nam yêu thích và nhanh nhạy trong tiếp cận và sử dụng công nghệ mới, đây là một lợi thế rất lớn để thúc đẩy phát triển nền kinh tế số nước nhà.

Tuy có nhiều lợi thế về nguồn lao động trẻ lớn nhưng, lực lượng lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng cần thiết để có thể làm chủ nền kinh tế số, chính vì vậy việc nâng cao kỹ năng số phù hợp cho đội ngũ lao động để tận dụng thế mạnh của công nghệ số là hành động cần sớm thực hiện.

Mới đây, trao đổi với truyền thông, Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, chống gian lận và lừa đảo trên mạng viễn thông, đang phụ trách nghiên cứu sáng tạo và phát triển sản phẩm trong nhóm Cyberlabs của Tập đoàn POST Luxembourg, đã nói về những động lực, rủi ro của phát triển kinh tế số, cũng như đánh giá về tình hình hiện nay tại Việt Nam. Theo Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ, trong nền kinh tế số, sản xuất, dịch vụ, thương mại, giáo dục... đều vận hành trên nền tảng số kết nối (công nghệ thông tin và viễn thông). Có 4 yếu tố quan trọng cần được đầu tư và phát triển đồng bộ gồm con người, thể chế pháp lý, hạ tầng mạng, nội dung và tri thức số.

Đánh giá về Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ cho rằng trong giai đoạn hiện nay, con người và thể chế pháp lý là hai yếu tố quan trọng nhất cần được ưu tiên. Về con người, ngoài đội ngũ vận hành, quản lý, phát triển ứng dụng và hạ tầng, cần có đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, nhà nghiên cứu và hoạch định chiến lược. Theo chuyên gia này, việc đào tạo nhân sự có chất lượng theo chuẩn quốc tế để đáp ứng được nhu cầu của kinh tế số là một thách thức lớn.

Kinh tế số hứa hẹn tạo ra nhiều cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, xóa bỏ khác biệt địa lý hay nhiều đặc quyền mà trước kia chỉ có một số ít trung tâm kinh tế mới có được. Nền kinh tế số đòi hỏi người dân có kỹ năng sử dụng và sở hữu điện thoại thông minh, song không phải tất cả người dân đều đủ khả năng tài chính. Do đó, Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ nhấn mạnh Chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào hạ tầng kết nối để mọi người dân đều có thể tiếp cận kinh tế số thông qua chính sách ưu tiên phát triển, trợ giá Internet, xóa nghèo, hay giáo dục... Về thể chế pháp lý, cần có một hành lang pháp luật phù hợp theo kịp sự phát triển và tạo điều kiện cho kinh tế số. Yếu tố này trải rộng từ các quyết sách đồng bộ từ Chính phủ đến những quy định cụ thể về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư...

Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực Đông Nam Á với hạ tầng viễn thông khá tốt cùng độ phủ sóng rộng và mật độ người dùng cao. Theo số liệu báo cáo năm 2020, Việt Nam có khoảng 68 triệu người dùng internet chiếm đến khoảng 70% dân số. Sự bùng nổ và phổ biến của internet và các công nghệ kỹ thuật số đã mang lại nhiều cơ hội cho người dân đặc biệt là giới trẻ để tham gia và kết nối vào thị trường kinh tế số, nơi mà các rào cản của thị trường xuyên biên giới giảm đi đáng kể, với rất nhiều cơ hội để tiếp cận và chia sẻ thông tin, kiến thức với các cộng đồng có chung lợi ích và mang lại hợp tác trong các dự án sản xuất cùng nhau. Theo Tiến sỹ Nguyễn Duy Cừ, các doanh nghiệp sẽ nhìn nhận rằng kinh tế số không những là công cụ để tăng hiệu quả sản xuất, mà còn tạo ra những cơ hội mới, mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới. Vì thế, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh tế số và tự định hướng một vị trí trong nền kinh tế số. Các doanh nghiệp phải đầu tư vào con người, đào tạo mới và đào tạo lại nhân sự, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Đọc thêm

Lan tỏa niềm tin, dựng 'thế trận lòng dân' trong kỷ nguyên số

Thượng tá Trần Quang Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm 586 trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới tỉnh Sơn La. (Ảnh: Trung tâm 586)
(PLVN) - Cùng với công tác dân vận mang tính truyền thống, công tác dân vận trên Internet và mạng xã hội đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự nhạy bén và sáng tạo. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của những chiến sĩ tác chiến không gian mạng mà còn là sứ mệnh xây dựng cầu nối niềm tin giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Những thầy giáo quân hàm xanh miền biên viễn

Một buổi lên lớp của Đại úy Lò Văn Thoại. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Nơi cuối trời Tây Bắc, có những người lính đi cả ngày, cả buổi đến “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và dạy chữ cho bà con. Khi biết đọc, biết viết, đồng bào biết tránh xa các cạm bẫy xấu, các tệ nạn và nạn tảo hôn, biết làm ăn để đời sống ngày một no ấm…

Vực dậy sau khủng hoảng sự nghiệp

Thất bại trong quá khứ có thể trở thành một “cú hích” cho sự đột phá trong sự nghiệp, nếu biết chấp nhận và đổi thay. (Ảnh: AT)
(PLVN) - Khủng hoảng trong công việc, sự nghiệp là điều mà rất nhiều người có thể gặp phải trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua. Đây không chỉ là cú sốc về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, giá trị bản thân và cảm hứng sống. Nhưng chính những giai đoạn gian nan ấy là cơ hội để mỗi người tìm lại chính mình và tái sinh mạnh mẽ hơn.

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: nchmf.gov.vn
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trên biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, trong khi đó khu vực Trung và Nam Trung Bộ sắp đón đợt mưa vừa, mưa to.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân ở Bình Định

Đại tá Nguyễn Văn Thành trao bảng biểu trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho vợ chồng ông Bản.
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Quảng Ninh hội thảo thúc đẩy động lực tăng trưởng phát triển kinh tế di sản

Quang cảnh buổi hội thảo
(PLVN) - Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.