Trao đổi với giới truyền thông, ông Ralf Mattheas, Giám đốc Công ty Nghiên cứu Thị trường Infocus cho biết, trong vòng một thập niên qua, Việt Nam chuyển hướng dần từ nền kinh tế tiền mặt sang tín dụng và vay nợ. Đi cùng với đó, thị trường cũng chứng kiến sự bùng nổ của tín dụng tiêu dùng.
“Trước năm 2007, Việt Nam chưa gia nhập WTO và tín dụng tiêu dùng không tồn tại. Khi ấy, nếu muốn vay một khoản tiền lớn, người dân không còn cách nào khác là đi vay nặng lãi. Ngày nay, người Việt có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, mức thu nhập ổn định hơn, nên họ không ngần ngại tìm đến các công ty tài chính để vay mua các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại, xe máy, đồ điện máy hay vay tiền mặt…. Vì thế, tôi tin rằng, tài chính tiêu dùng sẽ tiếp tục bùng nổ hơn trong thời gian tới”, ông Mattheas cho biết.
Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD) trong năm 2016, tương đương 10% GDP, và dự báo sẽ tiến tới mốc một triệu tỷ đồng vào năm 2019 với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.
Chính điều này đã giúp thị trường tài chính tiêu dùng trở thành một trong những lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu vào lớn từ các đối tác nước ngoài trong thời gian qua. Ngay như trong quý 3/2017 vừa qua, hàng loạt các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, giúp thị trường này có những chuyển động đáng kể.
Trong số đó có thể kể đến việc Techcombank chính thức thông báo phê duyệt phương án chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty tài chính Techcom Finance cho Lotte Card (một thành viên của Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc). Các công ty có quy mô thị phần nhỏ hơn như Công ty tài chính MaritimeBank, Công ty tài chính MBBank – Mcredit,… cũng đang tính toán đến phương án tái cấu trúc và chấp nhận sự tham gia sâu hơn của các đối tác ngoại.
Hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính ở Việt Nam đã đạt được bước phát triển đáng kể |
Gần đây nhất, có thể kể đến thương vụ ký kết cung cấp khoản vay vốn 100 triệu USD giữa FE Credit, công ty tài chính hiện đang nắm giữ gần 50% thị phần tài chính tiêu dùng tại Việt Nam và ngân hàng Deutsche Bank. Khoản vay này được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho FE Credit, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và củng cố vị thế dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng Việt Nam của công ty này.
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết: “Hợp tác lần này giúp FE Credit tiếp tục củng cố, giữ vững vị thế hàng đầu tại Việt Nam. Qua đó, thể hiện sự tin tưởng của các đối tác quốc tế vào kết quả của mô hình hoạt động kinh doanh, định hướng và tầm nhìn tăng trưởng bền vững của FE Credit”.
Trước đó, vào cuối năm 2016, FE Credit cũng đã từng gây xôn xao thị trường với hợp đồng hợp vốn trị giá 100 triệu USD với một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới - Credit Suisse.
Theo phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt, việc các tập đoàn nước ngoài gia tăng đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng trong thời điểm hiện nay là khá dễ hiểu. Hiện nay tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của ngành Ngân hàng trung bình chỉ ở mức 2,9% nhưng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng lên tới 20%.
Chẳng hạn tại FE Credit, năm 2016 đơn vị này chỉ cho vay hơn 32.000 tỷ đồng, chiếm hơn 20% dư nợ của ngân hàng nhưng lợi nhuận đem về lại chiếm gần 50% lợi nhuận hợp nhất (gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế).
“Điều này cho thấy tiềm năng hấp dẫn của miếng bánh tín dụng tiêu dùng, làn sóng tham gia sâu vào thị trường tài chính tiêu dùng của các đối tác ngoại sẽ còn tiếp diễn mạnh”, báo cáo phân tích nhìn nhận.