Tuy nhiên, cũng còn một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật này và chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh để làm rõ hơn những nội dung này.
Sẽ tổng hợp các vướng mắc từ thực tiễn
Được biết, trong một năm qua, Luật Hộ tịch đã được Bộ, ngành Tư pháp triển khai đồng bộ. Vậy xin ông chia sẻ thêm những kết quả đạt được và cả những vướng mắc, nếu có?
- Qua công tác kiểm tra, địa phương phản ánh tính tích cực về các quy định của Luật Hộ tịch, nhất là các địa phương đăng ký sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung. Tuy nhiên, có phát sinh một số vướng mắc. Cụ thể là trong việc cấp xác nhận tình trạng hôn nhân, nổi lên hai việc nhiều địa phương vẫn còn vướng.
Thứ nhất là, đối với việc công dân đã được cấp giấy kết hôn với người nước ngoài nhưng sau đấy họ không kết hôn, bây giờ xin cấp lại. Đối với trường hợp này qua phối hợp với cơ quan đại sứ quán, đã phát hiện ra 1-2 trường hợp công dân có gian dối. Còn lại nhiều trường hợp vì không có thông tin cụ thể nên các cơ quan đại diện ngoại giao trả lời là không thể xác minh được. Trên cơ sở đó, về phía Cục có công văn đề nghị là áp dụng, vận dụng những quy định trong Nghị định 123, Thông tư 15, cho phép đương sự được cam đoan, chịu trách nhiệm về lời khai của mình.
Thứ hai là, đối với trường hợp xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân của người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau. Trong thời gian khoảng nửa đầu năm 2016, nhiều địa phương kêu vướng nhưng sau đó Cục đã báo cáo lãnh đạo Bộ và thống nhất hướng dẫn địa phương vận dụng theo cách về phía chính quyền địa phương vẫn phải tạo điều kiện xác nhận cho dân. Mặt khác, trong trường hợp các địa phương quá hạn không trả lời hoặc không có cơ sở cho trả lời thì vẫn phải cho phép người dân được cam đoan về tình trạng hôn nhân. Vì vậy, đến nay những yêu cầu ấy đã được giải quyết và cơ bản không có gì vướng mắc.
Trong lĩnh vực về đăng ký khai sinh, có một số vướng mắc ban đầu liên quan đến biểu mẫu. Ngoài ra, sắp tới triển khai Bộ luật Dân sự năm 2015, chúng tôi sẽ phải phối hợp với Vụ Pháp luật dân sự kinh tế và một số cơ quan liên quan để thống nhất hướng dẫn. Ví dụ, việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng người chồng không phải bố đẻ thì sẽ ghi tên bố vào trong giấy khai sinh như thế nào, rồi vấn đề đặt tên cho con như thế nào hay giữa họ và dân tộc có cần thống nhất với nhau không…
Nói chung, trong lĩnh vực hộ tịch phát sinh nhiều vấn đề cụ thể. Tới đây, chúng tôi sẽ tổng hợp lại và báo cáo với lãnh đạo Bộ, cũng có thể về mặt tổng thể phải sửa đổi Thông tư 15, điều chỉnh thêm một số vấn đề thực tiễn đặt ra.
Luật Hộ tịch rất chú trọng việc bồi dưỡng cán bộ tư pháp - hộ tịch. Thực tế triển khai có đáp ứng được yêu cầu này không, thưa ông?
- Về công tác bồi dưỡng với cán bộ tư pháp - hộ tịch trong năm 2016, Cục đã phối hợp với Học viện Tư pháp, một số trường trung cấp luật triển khai tương đối đồng đều bởi theo quy định của Nghị định 123, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải được bồi dưỡng nghiệp vụ và được cấp chứng chỉ để thực hiện công tác hộ tịch. Gần đây nhất, trường Trung cấp Luật Thái Nguyên đã lần đầu thí điểm bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ hộ tịch cho đối tượng công chức làm công tác hộ tịch tại UBND cấp huyện và công chức tư pháp - hộ tịch tại UBND cấp xã. Nếu từ năm 2017 trở đi mà triển khai rộng trong toàn quốc thì lực lượng báo cáo viên, giảng dạy nội dung này rất cần được Lãnh đạo Bộ quan tâm. Tất nhiên, các trường trung cấp luật và các địa phương cũng phải chủ động, vì cứ trông chờ báo cáo viên ở Bộ, Cục thì chúng tôi không thể đi hết được.
Cố gắng triển khai toàn quốc phân hệ đăng ký khai sinh trong năm 2017
Có thể không quá khi nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đang rất “nóng” và dư luận rất ủng hộ việc triển khai phần mềm hộ tịch. Cá nhân ông đánh giá ra sao?
- Tôi cũng cho rằng năm 2016 là năm riêng trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin. Chúng ta đã có bước đột phá lớn dù nguồn kinh phí nhà nước cấp cho lĩnh vực này còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là “nhỏ giọt” đối với yêu cầu chung nhưng Cục Công nghệ thông tin đã rất cố gắng phối hợp với Cục. Đầu năm 2016 đã triển khai tại 4 thành phố lớn và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, còn hiện nay Cục Công nghệ thông tin thông báo đã triển khai đến 12 tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, An Giang… và các địa phương đều chính thức dùng phần mềm chung đầy đủ của Bộ, chỉ riêng Hà Nội thì chưa vì thủ đô sử dụng cả phần mềm theo cơ chế 1 cửa. Qua theo dõi, tôi thấy phần mềm hộ tịch dùng chung rất tốt, về phía trung ương thì tập trung quản lý tại Bộ Tư pháp, còn về mặt địa phương tới đây phân cấp cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp quản lý toàn bộ thông tin hộ tịch của tỉnh, của huyện mình.
Tuy nhiên, lo ngại hiện nay là hạ tầng về công nghệ thông tin của Bộ còn hạn chế. Cục Công nghệ thông tin cho biết, vì cơ sở hạ tầng hạn chế nên trong năm 2017, kể cả bước sang năm 2018 nếu không được đầu tư căn bản để nâng cấp thêm thì rất khó có thể triển khai ra toàn quốc. Nếu cố gắng thì trong năm 2017 sẽ triển khai toàn quốc phân hệ đăng ký khai sinh, đảm bảo kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để lấy số định danh cá nhân.
Cơ sở dữ liệu hộ tịch là một nguồn thông tin đầu vào rất quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo ông, có nên tính đến giải pháp tìm những nguồn xã hội hóa để phục vụ cho việc xây dựng không?
- Chúng tôi cũng tính đến rồi. Tuy nhiên, dù có đi vay hay ứng vốn thì vẫn là tiền của Nhà nước, vẫn phải chi trả, trong khi đó kinh phí là vấn đề quan trọng nhất để xây dựng cơ sở dữ liệu. Có thể tới đây, Cục Công nghệ thông tin sẽ làm theo hình thức bán xã hội hóa.
Xin cảm ơn ông!