Kịp thời phối hợp trên các mặt công tác
Báo cáo kết quả phối hợp giữa hai Bộ về công tác pháp chế năm 2016, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Lê Thị Kim Dung đã điểm lại các mặt công tác của Bộ GD&ĐT có sự hỗ trợ, giúp đỡ chặt chẽ của Bộ Tư pháp. Cụ thể, trong công tác xây dựng pháp luật, được sự hợp tác của Bộ Tư pháp, đến nay Bộ GD&ĐT đã ban hành được 12 văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (3 văn bản dừng không ban hành), hoàn thành 100% chỉ tiêu; đồng thời đã trình ban hành, ban hành theo thẩm quyền 57/94 văn bản.
Bộ GD&ĐT luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Cục Kiểm tra VBQPPL của Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD&ĐT thường xuyên trao đổi nghiệp vụ để tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ xử lý các công việc trong công tác kiểm tra, xử lý các VBQPPL. Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Kiểm tra VBQPPL xem xét, phát hiện và xử lý các văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành và do HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Các lĩnh vực công tác như quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính và Đề án 896; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp nhất văn bản và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; bồi thường của Nhà nước… cũng đều đạt kết quả ấn tượng. Chẳng hạn, triển khai Kế hoạch liên tịch tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2016, liên Bộ đã thí điểm cuộc thi “Luật gia tương lai” tại Đồng Tháp, Hà Nội, TP HCM và sẽ xem xét nhân rộng trên phạm vi cả nước trong những năm tiếp theo và cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, Vụ Pháp chế Bộ GD&ĐT và Cục Kiểm tra VBQPPL, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực thuộc Bộ Tư pháp đã kiểm tra liên ngành tại Quảng Ninh và Hải Phòng về công tác pháp chế, việc ban hành VBQPPL của địa phương có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ và việc thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực đối với giấy tờ, văn bản khi thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó, đã kịp thời phát hiện một số văn bản của địa phương ban hành không phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT.
Tiếp tục phấn đấu không nợ đọng văn bản
Đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa hai Bộ đã đem lại hiệu quả công tác và qua thực hiện 9 nhiệm vụ cơ bản đều có “hình bóng” rất cụ thể của Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành tạo hành lang pháp lý cho ngành Giáo dục hoạt động có hiệu quả. Nổi bật là năm 2016, Bộ GD&ĐT không còn trong danh sách các đơn vị nợ đọng văn bản.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu thì hoan nghênh tinh thần chủ động của Bộ GD&ĐT và cho rằng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT ngày càng trưởng thành, là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các bộ, ngành. Hai Thứ trưởng cùng nhất trí cho rằng, có được những kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo hai Bộ, nhất là sự chỉ đạo của hai đồng chí Bộ trưởng cũng như sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong công tác chuyên môn của các đơn vị thuộc hai Bộ…
Tuy nhiên, Hội thảo thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn và tồn tại trong công tác pháp chế ngành Giáo dục như chưa thực hiện xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế ngành Giáo dục ở địa phương theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tiến độ xây dựng các cơ sở đào tạo trọng điểm về luật chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Vì vậy, bước sang năm 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Bộ Tư pháp cử các chuyên gia tham gia vào ban soạn thảo, tổ biên tập các VBQPPL do Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng. Với sự hỗ trợ của Bộ Tư pháp trong công tác góp ý, thẩm định VBQPPL, Bộ GD&ĐT phấn đấu không nợ đọng văn bản, đặc biệt là các văn bản trong chương trình xây dựng văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Các đại biểu còn mong muốn mở rộng hợp tác giữa hai Bộ không chỉ trong công tác chuyên môn mà sang cả giao lưu văn hóa, thể thao hoặc tăng cường các hội thảo chuyên đề.