Hải Dương là một xã mới được sáp nhập vào thành phố Huế, nơi đây cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, nhu cầu được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế của người dân nơi đây rất lớn. Thực tế những năm qua, vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã thực sự trở thành đòn bẩy, giúp nhiều hộ dân vượt lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Như gia đình chị Phạm Thị Thanh Thúy (Thôn Thái Dương Thượng Đông, xã Hải Dương, TP. Huế), trước đây kinh tế gặp nhiều khó khăn do eo hẹp về đồng vốn. Đến năm 2020, gia đình chị Thúy được vay vốn từ chương trình vay giải quyết việc làm với số tiền vay 50 triệu đồng. Với số tiền đó, chị đã đầu tư vào việc chăn nuôi lợn và trồng trọt. Sau gần hai năm, đến nay kinh tế gia đình chị đã ổn định, trả được nợ ngân hàng và có thêm nguồn vốn để đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Theo chị Thúy, hiện gia đình chị đang nuôi 4 con heo nái và 40 con lợn con. Ngoài ra, chị còn buôn bán thêm thức ăn cho gia súc, gia cầm và trồng rau hoa màu các loại để tăng thêm nguồn thu cho gia đình; với tổng thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 300- 350 triệu đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp bà con trên địa bàn thành phố Huế phát triển kinh tế, trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. |
Không riêng gì Hải Dương mà ở các xã, phường đã sáp nhập vào thành phố cũng có những tăng trưởng từ đây, thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn khu vực thành phố. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi sáp nhập, trên địa bàn TP. Huế có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã. Việc tăng số xã, phường đồng nghĩa với quy mô tín dụng thuộc bộ phận tín dụng hội sở tỉnh quản lý tăng lên, địa bàn rộng hơn. Cụ thể, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (Hội sở tỉnh) tiếp nhận quản lý thêm 13 xã, phường và các điểm giao dịch các địa phương này do NHCSXH tỉnh thực hiện, thay vì các phòng giao dịch cấp huyện, thị xã như trước đây.
Sau khi sáp nhập vào thành phố, nhiều chương trình tín dụng chính sách trước đây đã triển khai sẽ ngưng giải ngân như chương trình cho vay vùng đặc biệt khó khăn, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường… điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô tín dụng tại các địa bàn. Theo bà Yến, phòng đang tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ủy thác và nguồn vốn từ ngân sách thành phố giúp hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tập trung ưu tiên cho vay các mô hình kinh tế trọng điểm, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển các các ngành nghề… nhằm tạo việc làm cho người lao động và xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều lao động.
Để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, phòng tập trung nâng cao chất lượng trong công tác giao dịch xã, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác rà soát nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, giám sát hoạt động của các tổ TK&VV, việc sử dụng vốn vay của hộ vay nhằm đảm bảo duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng trên địa bàn.
Hiện NHCSXH Thừa Thiên Huế đang tập trung ưu tiên cho vay các mô hình kinh tế trọng điểm, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển các các ngành nghề… |
Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng sau khi sáp nhập vẫn đảm bảo. Cụ thể, trước khi nhận bàn giao dư nợ của thành phố là 321 tỷ đồng; tuy nhiên sau khi nhận bàn giao thêm các xã, phường dư nợ của thành phố đã tăng lên 610 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ thực hiện 660 tỷ đồng, tăng trưởng so với đầu năm là 29 tỷ đồng, tương đương tăng 4,6% và tăng so với thời điểm nhận bàn giao là 50 tỷ đồng với 21.220 hộ vay đang còn dư nợ.
Ngoài các chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai, Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh đang tập trung triển khai cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình đồng hành hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19. Việc bổ sung nguồn vốn kịp thời cho các chương trình như cho vay nhà ở xã hội, giải quyết việc làm… sẽ là động lực không nhỏ giúp các hộ chính sách vững tin trong phục hồi và phát triển kinh tế, bà Yến thông tin.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong thời gian qua, ngay khi NHCSXH Việt Nam phân bổ nguồn vốn, NHCSXH tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các Phòng giao dịch cấp huyện trực thuộc tập trung chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định, quan tâm phân bổ nguồn vốn về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đến từng hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS nghèo. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm dịch bệnh COVID-19, nguồn vốn chính sách vẫn không ngừng được giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Ngoài ra, hoạt động tại các điểm giao dịch xã hiện nay ở thành phố Huế nói riêng và trong toàn tỉnh đã được sắp xếp, phân chia thời gian giao dịch cụ thể, phù hợp với từng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, thông báo thời gian giao dịch đến các Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng khách hàng biết, tạo sự chủ động về thời gian đến giao dịch.