Trước đó các chuyên gia đã điều tra dịch tễ và lấy mẫu đất ở gia đình này xét nghiệm tìm nguồn gây bệnh, sau khi hai bé trai trong gia đình liên tiếp tử vong trong vòng một tháng. Kết quả xét nghiệm hai bé dương tính với khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Đầu tháng 4 gia đình này có một bé gái 7 tuổi tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột chỉ sau 3 ngày sốt.
“Nguồn truyền bệnh cho các cháu bé là từ đất hay nước ô nhiễm gây nên, bệnh tản phát riêng lẻ từng cá thể, không thành dịch”, bác sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, xác định. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh bệnh Whitmore lây từ người sang người.
Cơ quan chức năng đề nghị hệ thống kiểm soát bệnh tật địa phương tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh Whitmore, tránh biến chứng. Mọi người trong khu vực này cần thực hiện ăn chín uống sôi. Những người có vết xước ngoài da, mắc các bệnh lý mạn tính nên tránh tiếp xúc trực tiếp với đất trong quá trình sinh hoạt hàng ngày (phải đeo găng tay bảo hộ, ủng bảo hộ...).
Theo Cục Y tế Dự phòng, con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei hay còn gọi là Whitmore. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Để chủ động phòng bệnh, cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.