Trong khi đó, một nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy khả năng miễn dịch từ trường hợp nhiễm các biến thể khác sau tiêm vaccine công nghệ mRNA sẽ không đủ mạnh để ngăn chặn Omicron.
Tại Mỹ, nhóm nghiên cứu ở Đại học Bang Ohio do Tiến sĩ Shan-Lu Liu dẫn đầu đã kiểm tra phản ứng kháng thể trung hòa chống lại các biến thể Alpha, Beta, Delta và Omicron ở 48 nhân viên y tế đã được tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna.
Hình ảnh minh họa vaccine chống biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kết quả được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine hôm 16/2, họ đã lấy mẫu máu của 48 nhân viên y tế tại một số thời điểm như trước khi tiêm chủng, sau khi tiêm liều một và hai lần sau khi tiêm liều thứ hai.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự suy giảm các kháng thể trung hòa - yếu tố dự báo khả năng bảo vệ miễn dịch - từ một tháng đến sáu tháng sau khi tiêm đủ hai liều.
Tất cả bốn biến thể đáng lo ngại (VOC) đều cho thấy lượng kháng thể trung hòa thấp hơn so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở giai đoạn đầu của đại dịch. Trong đó, biến thể Omicron có khả năng kháng vaccine rõ rệt nhất.
Tại thời điểm sáu tháng, khoảng 56,3% nhân viên y tế tham gia nghiên cứu có tải mức kháng thể trung hòa thấp hơn giới hạn phát hiện đối với biến thể Delta, trong khi 89,6% thấp hơn giới hạn đối với Omicron.
12 người trong số họ được phát hiện bị nhiễm SARS-CoV-2 ở các giai đoạn tiêm chủng khác nhau và mức độ kháng thể trung hòa sau sáu tháng của họ cao gấp 6 lần so với những đối tượng không bị nhiễm.
Tuy nhiên, 30% những người bị nhiễm vẫn không có tỷ lệ kháng thể trung hòa ở mức độ có thể phát hiện được và con số này ở những nhân viên y tế không bị nhiễm là 60%.
Các nhà nghiên cứu tin rằng khả năng tránh miễn dịch của Omicron là bằng chứng cho sự cần thiết của việc tiêm nhắc lại.
“Chúng tôi quan sát thấy biến thể Omicron thoát được khả năng miễn dịch do vaccine mRNA gây ra, ngay cả ở thời điểm ba đến bốn tuần sau liều thứ hai. Hơn nữa, tình trạng này lặp lại ở hầu hết các nhân viên y tế đã bị nhiễm đột biến”, bài báo cho biết.
Mặc dù sự lây nhiễm đột biến có thể thúc đẩy phản ứng kháng thể trung hòa, nhưng nó không cung cấp sự bảo vệ khỏi Omicron, ít nhất là đối với những cá nhân bị lây nhiễm trước khi có làn sóng Omicron.
Trong khi đó, ở Nam Phi, một nghiên cứu được dẫn đầu bởi Tiến sĩ Penny Moore tại Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm, thuộc Phòng thí nghiệm Y tế Quốc gia ở Johannesburg, đã xem xét tác dụng trung hòa của nhiễm Omicron khi kết hợp với các loại vaccine cụ thể.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Moore cho thấy nhiễm Omicron tạo ra kháng thể chống lại biến thể đó ở những người chưa tiêm chủng, nhưng quá trình trung hòa virus giảm hiệu quả đối với các chủng Beta và Delta.
Ngược lại, những người đã tiêm vaccine trước khi bị nhiễm Omicron cho thấy phản ứng miễn dịch chéo được cải thiện đáng kể, đem lại hiệu giá kháng thể cao chống lại chủng virus gốc, cũng như Beta, Delta và các chủng khác.
Trong trường hợp không tiêm vaccine, các phản ứng miễn dịch do nhiễm Omicron tạo ra ít hoạt động hơn đối với các biến thể cần quan tâm khác. Do đó, mặc dù có tính sinh miễn dịch cao, Omicron không gây ra các phản ứng trung hòa chéo.
“Điều này có thể dẫn đến nguy cơ tái nhiễm ở nhóm chưa được tiêm chủng ngừa COVID-19 đối với các biến thể khác còn lưu hành”, nhóm nghiên cứu cho hay. Ngoài ra, những phát hiện này mang ý nghĩa rằng việc thiết kế vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai nên dựa trên biến thể Omicron.