Góp phần hoàn thiện pháp luật
Theo báo cáo, về nhiệm vụ rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm VBQPPL đối với 11 chuyên đề, lĩnh vực theo Kế hoạch hoạt động năm 2020, Tổ trưởng Tổ công tác đã phân công các thành viên tham gia các Nhóm rà soát VBQPPL. Trong đó gồm các chuyên đề, lĩnh vực như: các quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; quy định pháp luật về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các quy định pháp luật gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế…
Tính đến ngày 30/7/2020, Tổ công tác đã nhận được văn bản của 109 cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về 4.162 nội dung kiến nghị. Trên cơ sở kết quả rà soát của các Nhóm, Bộ Tư pháp đang thực hiện tổng hợp chung vào Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát VBQPPL thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Tổ công tác đã theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 7/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ rà soát VBQPPL theo Quyết định số 209/QĐ-TTg và Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/2/2020 tại một số Bộ gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng.
Tại cuộc họp, các thành viên của Tổ công tác đã tập trung trao đổi về một số nội dung và đưa ra phương án xử lý đối với các kiến nghị còn chung chung, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, không phân tích lý do đề xuất hoặc phân tích còn sơ sài, chưa thuyết phục, chưa kiến nghị cụ thể hình thức xử lý; cách thức giải quyết đối với các kiến nghị còn có ý kiến khác nhau trong quá trình tổng hợp Báo cáo.
Đối với Bộ Tư pháp, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã kịp thời hướng dẫn chi tiết các Bộ, cơ quan ngang Bộ xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát VBQPPL. Bên cạnh việc thực hiện thường xuyên ngay khi có căn cứ rà soát theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, nhiều cuộc rà soát với phạm vi văn bản rà soát lớn, do nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Cần xác định rõ tiêu chí rà soát
Về hệ thống văn bản được rà soát, Bộ Tư pháp đánh giá các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ trình tự, thủ tục, thể thức; nội dung văn bản khi xây dựng được chú trọng đảm bảo không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp điều kiện thực tế. Hệ thống VBQPPL thường xuyên được rà soát, đảm bảo công khai, minh bạch, phát hiện kịp thời các nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn.
Cụ thể, định kỳ hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đều thực hiện công bố Danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần và gửi đăng Công báo theo quy định. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước đã hoàn thành kỳ hệ thống hoá văn bản thứ hai thống nhất trên cả nước (kỳ 2014-2018). Trong kỳ hệ thống hoá này, các Bộ, ngành đã rà soát 8.802 văn bản còn hiệu lực; đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới 1.097 băn bản.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác rà soát VBQPPL của Tổ công tác nói chung và của các Bộ, cơ quang ngang Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế do chịu những tác động nhất định của dịch bệnh Covid-19 trong khi đó khối lượng văn bản rà soát lại lớn, nội dung liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước mà hệ thống pháp luật còn chưa thực sự đồng bộ. Vẫn còn tình trạng văn bản có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập, không phù hợp thực tiễn …
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các Nhóm rà soát VBQPPL theo chuyên đề, lĩnh vực chuyên sâu cần nhanh chóng gửi Báo cáo để Tổ công tác tiến hành tổng hợp chung. Bộ trưởng nhấn mạnh các thành viên của Tổ công tác cần phát huy tinh thần trách nhiệm và xác định rõ tiêu chí rà soát nhằm kịp thời phát hiện các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, quy định không còn phù hợp với thực tiễn để từ đó có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.