Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Trung ương nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc thi khi góp phần đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong nhà trường. Cuộc thi tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, cung cấp kiến thức pháp luật cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống pháp lý, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật. Từ đó, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội trong độ tuổi vị thành niên.
Để cuộc thi tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, Thứ trưởng đề nghị Ban tổ chức cuộc thi Trung ương và địa phương cần làm tốt công tác hướng dẫn, tổ chức cuộc thi trên địa bàn tỉnh, thành phố, nội dung thi cần bảo đảm tính sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi. Các câu hỏi phải ngắn gọn, thiết thực, gần gũi, có tính giáo dục cao, kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức với rèn luyện và bồi dưỡng tư duy, kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý.
Sở Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan, chỉ đạo, hướng dẫn các trường THPT của tỉnh, thành phố tích cực hưởng ứng, tổ chức cuộc thi thật tốt ở cả 2 cấp; có biện pháp tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về cuộc thi để thu hút sự tham gia đông đảo của các em học sinh. Cùng với đó, các thầy, cô giáo cần phát huy tinh thần tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với gia đình làm tốt công tác tư tưởng, động viên, khích lệ để thu hút các em học sinh trong nhà trường tham gia. Các em học sinh tham gia hãy nỗ lực, cố gắng hết mình để có thể gặt hái nhiều kiến thức bổ ích từ cuộc thi.
Cũng trong buổi lễ phát động, các đại biểu đã được nghe Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Lân giới thiệu về thể lệ cuộc thi. Theo đó, đối tượng dự thi là học sinh THPT trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Điện Biên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Thọ, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Tây Ninh và Vĩnh Phúc.
Với tên gọi “Luật gia tương lai”, nội dung thi xoay quanh kiến thức pháp luật được giảng dạy trong nhà trường theo chương trình THPT có mở rộng, cập nhật phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý của lứa tuổi của học sinh THPT. Trong đó tập trung vào một số nội dung như: quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của thanh niên, học sinh; các quyền dân sự cơ bản của công dân, người lao động chưa thành niên; các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm pháp lý của lứa tuổi học sinh THPT trong lĩnh vực hình sự, hôn nhân và gia đình, phòng chống buôn bán người, giao thông đường bộ…
Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký 1 tài khoản để tham gia thi trắc nghiệm trực tuyến trên website của cuộc thi: http://luatgiatuonglai.vn hoặc http://hoccungthukhoa.vn. Cuộc thi được tổ chức theo 2 cấp: cấp trường và cấp tỉnh/thành phố. Thi cấp trường diễn ra từ 2/10/2017 – 12/11/2017, gồm 6 tuần thi liên tiếp và được tổ chức thi tại các điểm trường hoặc thi qua hình thức online do nhà trường hoặc thí sinh chủ động bố trí, chuẩn bị. Thi cấp tỉnh gồm 2 vòng thi: vòng loại online diễn ra từ 18/11/2017 – 21/11/2017 và vòng thi chung khảo tập trung từ 25/11/2017 – 30/11/2017. Theo đó, 6 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất trường sẽ tham gia thi vòng loại online để chọn ra 1 thí sinh có kết quả cao nhất tham dự vòng chung khảo tập trung.
Kết thúc cuộc thi, ở cấp trường, Ban tổ chức sẽ trao 3 giải (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba) dành cho 3 thí sinh có kết quả dự thi cao nhất trường. Để động viên, khuyến khích học sinh tham gia dự thi, mỗi tuần Ban tổ chức sẽ công bố 1 giải Nhất tuần. Đối với cấp tỉnh, Ban tổ chức sẽ trao 8 giải thưởng (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích).
Phát biểu hưởng ứng cuộc thi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Tống Thị Thanh Nam khẳng định, với nội dung thi thiết thực, phù hợp với tâm, sinh lý, lứa tuổi; gắn kết giữa giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kỹ năng sống, cuộc thi góp phần giúp các em học sinh phát triển một cách toàn diện. Trên cơ sở kết hợp giữa chơi với học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo không khí học tập, tìm hiểu pháp luật sôi nổi, cuộc thi hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo các em học sinh THPT.