Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt, toàn bộ lực lượng an ninh Pháp đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau những vụ tấn công khủng bố mới đây.
Có tổng cộng 11 ứng cử viên tham gia tranh cử năm nay, trong đó có bốn ứng cử viên đang bám đuổi sít sao trong tốp đầu, khiến cho cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là khó đoán định nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, bảo đảm việc làm, thì an ninh và quan điểm về các vấn đề chung của châu Âu được cho là các chủ đề sẽ tác động tới lá phiếu của cử tri, nhất là sau vụ tấn công nhằm vào cảnh sát ở ngay trung tâm thủ đô Paris ba ngày trước và xu hướng "hoài nghi châu Âu" gia tăng.
Theo kết quả thăm dò dư luận ngay trước thềm bỏ phiếu, ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, 39 tuổi, đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 23%. Tiếp theo là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, với 22%.
Cựu Thủ tướng François Fillonn và nhà lãnh đạo của phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean Luc Melenchon đều nhận được 19% số phiếu ủng hộ.
Giới phân tích dự đoán nhiều khả năng ông Macron và bà Le Pen sẽ “nắm tay nhau” bước vào vòng 2 cuộc bỏ phiếu, dự kiến tổ chức vào ngày 7/5 tới.
Tuy nhiên, bất ngờ vẫn có thể xảy ra vì có tới 25-30% số cử tri vẫn lưỡng lự chưa có quyết định cuối cùng. Và trong bối cảnh như hiện nay, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đông hay vắng cũng sẽ là yếu tố tác động tới kết quả cuộc bầu cử.
Các khảo sát trong ngày 22/4, khi các cuộc bỏ phiếu sớm được tiến hành ở các vùng lãnh thổ hải ngoại cũng như cho các kiều dân Pháp sinh sống tại Mỹ, Canada và một số nước, cho thấy cử tri Pháp tích cực tham gia bầu cử do lo ngại kịch bản bất ngờ như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hoặc Brexit ở Anh có thể xảy ra.
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp cũng được dư luận quốc tế, đặc biệt là tại châu Âu, quan tâm và theo dõi sát sao. Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) lo ngại khả năng ứng cử viên cực hữu Le Pen thắng cử có thể kéo theo kịch bản "Frexit" (tương tự kịch bản Brexit ở Anh), và như vậy nguy cơ EU tan rã là khó tránh khỏi.
Theo giáo sư Edoardo Novelli, nhà xã hội học và chính trị học thuộc Đại học Rome (Italy), tác động của kết quả cuộc bầu cử có thể vượt ra ngoài biên giới Pháp và ảnh hưởng trực tiếp tới tư tưởng chính trị tại các nước châu Âu khác.
Theo luật định của Pháp, để đắc cử ở ngay vòng 1, ứng cử viên phải giành đủ số phiếu quá bán. Vào đến vòng 2, ứng cử viên nào có số phiếu cao hơn sẽ giành chiến thắng.