Vụ việc này cho thấy việc “chạy án”, vòi vĩnh trong ngành Tòa án không phải là hy hữu và không chỉ có các Thư ký tòa án thực hiện. Ở vùng thôn quê, miền núi thì hành vi đánh bạc thường được “khai thác” sâu ở đủ mọi khía cạnh, giai đoạn, đây là loại tội phạm mà người dân (cả cán bộ) thường mắc phải và bị làm tiền nếu muốn thoát tội. Điều này lý giải vì sao hành vi đánh bạc không hề bị ngăn chặn, ngược lại, ngày càng phổ biến hơn.
Tiếp tục, một nguyên Chánh Thanh tra giao thông ở Cần Thơ bị bắt vì tội nhận hối lộ. Đây là kết quả tiếp theo sau vụ xử các Thanh tra giao thông nhận tiền tỷ bảo kê xe tải. Đường dây hối lộ và bảo kê là có thật, vụ này là một minh chứng rõ ràng nhất và dĩ nhiên, không chỉ xuất hiện ở Cần Thơ.
Trong tuần, một Giám đốc Trung tâm kỹ thuật kiểm định tại TP HCM bị bắt tạm giam, cùng với ông ta là một cán bộ Hải quan, có những hành vi trái pháp luật, gian dối trong việc thông quan hàng hóa. Rõ ràng có sự móc nối với nhau để thực hiện hành vi phạm tội. Trong khi đó, hiện tại các nhà xuất khẩu hạt điều đang kêu trời vì những quy định thông quan làm khó, bởi phải về TP HCM kiểm định, muốn gì thì họ cũng phải “mua đường” chứ không được đi thẳng.
Đằng sau mỗi sự cố, đều có nguyên do và tình trạng, môi trường gây ra sự cố đó. Sau vụ xin chứng tử đầy tai tiếng ở phường Văn Miếu thì Sở Tư pháp Hà Nội vừa kịp thời đến tận “hiện trường” giải quyết vụ việc, vừa cho rà soát ngay lại hệ thống, quy trình, quy định và tác phong làm việc trong lĩnh vực hộ tịch.
Một phụ xe của Công ty Việt Nhật chửi, đuổi, dọa đánh khách nước ngoài tại Nha Trang, ngay lập tức, cơ quan chức năng tổ chức thanh tra hoạt động của Công ty này. Vụ “chặt chém” du khách tại một nhà hàng ở Đà Nẵng bị phơi bày trên Facebook, cơ quan chức năng của thành phố vào cuộc ngay và Thành ủy Đà Nẵng cũng lập tức chỉ đạo làm rõ vụ việc này, đảm bảo và giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của thành phố.
Đó là những phản ứng nhanh, kịp thời của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sau mỗi sự cố, là tín hiệu đáng mừng và rất nên khuyến khích. Không nên cho rằng đó chỉ là hiện tượng nhất thời, đơn lẻ thuộc về hành vi của mỗi cá nhân mà bỏ qua, không xử lý tổng thể. Dần dần các “hiện tượng đơn lẻ, cá nhân” này thành phổ biến và gây ra “lỗi hệ thống” thì đã là quá muộn và khó khăn để khắc phục nó.