Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2019 đến tháng 10/2019, bị can Nguyễn Văn C (nghề nghiệp làm thuê) và Phạm Đình E (làm ruộng cùng cư trú tại xã Y, huyện B) thực hiện liên tục 07 vụ trộm cắp xe máy trị giá 31 triệu đồng tại địa bàn huyện M, tỉnh Kiên Giang. Với giá trị tài sản trộm cắp như trên, việc áp dụng hay không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “có tính chất chuyên nghiệp” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình phạt của bị cáo theo khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 173 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Áp dụng trường hợp này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 (thời điểm BLHS năm 1999 đang có hiệu lực thi hành) hướng dẫn, tình tiết định khung “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” để áp dụng tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 và tình tiết định khung hình phạt ở một số điều luật trong Phần các tội phạm chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện: (i) Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích; (ii) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 lấy ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện 05 vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Hành vi phạm tội của 02 bị can trên đã rõ, chứng minh điều kiện áp dụng tình tiết định khung cũng không có gì khó khăn, nhưng vấn đề ở đây là việc áp dụng văn bản. Có quan điểm cho rằng, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã hết hiệu lực thi hành và bị thay thế bởi BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nên Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành BLHS này theo đó cũng hết hiệu lực. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù cho đến nay chưa có nghị quyết mới hướng dẫn thi hành một số điều của BLHS năm 2015, trong đó có tình tiết định khung “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 và một số điều luật trong Phần các tội phạm nên vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết này để giải quyết vụ án.
Nhiều người đồng tình với quan điểm áp dụng Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP trong thời điểm hiện nay để giải quyết các vụ án hình sự theo BLHS năm 2015. Bởi Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định: văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp: (1) Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; (2) Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; (3) Bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (4) Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực (Điều 154).
Áp dụng 04 trường hợp hết hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP cho thấy: (1) Không quy định thời hạn chấm dứt hiệu lực; (2) Chưa có văn bản nào của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới; (3) Chưa bị bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (4) Nghị quyết này không quy định chi tiết mà chỉ hướng dẫn thi hành BLHS năm 1999. Do vậy, khi BLHS năm 1999 hết hiệu lực thì Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP vẫn còn hiệu lực thi hành.
Về vụ án nêu trên các bị can đã phạm tội trộm cắp tài sản 07 lần. Nếu chứng minh được các bị can đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính thì truy tố theo khoản 2 Điều 173 BLHS; ngược lại, nếu không chứng minh được thì các bị can chỉ bị truy tố theo khoản 1 Điều 173 BLHS với mức phạt nhẹ hơn.