- Theo ông kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng như thế nào nếu căng thẳng ở biển Đông giữa hai nước Việt Trung tiếp tục leo thang?
- Trước hết, tôi cho rằng ta phải nhìn nhận sự việc một cách hết sức đầy đủ. Đúng là vừa qua Trung Quốc đã rút công nhân, chuyên gia ở một số công trình về. Như vậy rõ ràng là ảnh hưởng rồi, nhưng mức độ ảnh hưởng thế nào thì chúng ta chưa tính hết được. Khi hai bên có căng thẳng về việc tranh chấp lãnh thổ tất yếu sẽ dẫn đến vấn đề kinh tế. Đó chính là quy luật của các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia. Bởi vậy nền kinh tế ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.
- Việt Nam nên dự phòng các kịch bản thế nào để bảo vệ kinh tế trước tình huống xấu nhất, thưa ông?
- Chính phủ chắc chắn sẽ có giải pháp cụ thể. Nhưng quan trọng nhất là về lâu dài chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ. Trong bối cảnh hội nhập và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tất nhiên mình không thể làm tất cả, mà chỉ có thể tham gia một phần nào đó thôi. Bất cứ một điểm nào trong chuỗi giá trị đó trục trặc đều gây ra ảnh hưởng chung. Việt Nam bị ảnh hưởng thì không có nghĩa là không ảnh hưởng đến Trung Quốc và các nước xung quanh. Tuỳ theo mức độ, kinh tế của tất cả các nước sẽ bị ảnh hưởng chứ không phải riêng của Việt Nam đâu.
Nhà nước chắc chắn sẽ có những biện pháp nhưng trước mắt, bản thân mỗi doanh nghiệp cần có giải pháp cụ thể cho từng đơn vị. Sau vụ gây rối chúng ta cũng đã xử lý những đối tượng quá khích, đốt phá. Chúng ta đã có động thái cũng như giải pháp nhưng tất cả mới chỉ mang tình thế nhằm ổn định sản xuất thôi. Còn về lâu dài, chúng ta cũng phải có những giải pháp. Nói là kịch bản e hơi quá nhưng tuỳ tình huống cụ thể chúng ta sẽ có những giải pháp ứng phó.
Ông Phùng Quốc Hiển: "Chưa có nhà đầu tư nào tuyên bố rút khỏi Việt Nam" |
- Với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên làm như thế nào để tránh nguy cơ họ quá lo lắng mà bỏ đi tìm những địa điểm thay thế?
- Thực ra chưa có nhà đầu tư nào tuyên bố sẽ rút khỏi Việt Nam, còn lo ngại thì đúng là có. Trước mắt, chúng ta cũng phải tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Niềm tin đó là gì? Đó là Việt Nam luôn giữ một nền hoà bình trong khu vực, không sử dụng vũ lực. Thứ hai là đảm bảo an ninh cho người đầu tư, cũng như công dân nước ngoài đến Việt Nam. Đó là môi trường người ta mong muốn nhất và cần thiết nhất.
- Trong mối quan hệ kinh tế đầu tư và thương mại Việt Trung hiện nay, điều gì khiến ông lo ngại nhất?
- Thực ra điều đáng ngại nhất là sự hợp tác cũng như quan hệ hai bên không tốt, tức là không được như bình thường. Điều quan trọng lúc này là các mối quan hệ phải trở về bình thường. Trong nền kinh kế thị trường tự do kinh doanh này, bất cứ hoạt đông buôn bán nào trục trặc đều khó khăn cho các bên, nhất là Trung Quốc và Việt Nam.
- Trung Quốc nói và làm không giống nhau, bởi vậy Việt Nam cần hết sức thận trọng, nhất là trong quan hệ kinh tế. Ông bình luận thế nào về điều này?
- Phải nói rõ ràng rằng trong mọi bước đi của chúng ta đều phải thận trọng. Trước kia chúng ta vẫn thận trọng trong tất cả các vấn đề và trong hợp tác kinh tế cũng vậy, không chỉ riêng với Trung Quốc. Trong kinh doanh, thị trường cũng là chiến trường. Đã là chiến trường thì ta phải tính tất cả các giải pháp.
- Quốc hội đã tính tới việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, chi tiêu ngân sách năm nay do căng thẳng trên Biển Đông cũng như sau vụ gây rối ở Bình Dương vừa qua?
- Chúng ta phải tiếp tục theo dõi. Ngay lúc này chưa thể đưa ra một nhận định gì cả. Tất nhiên sẽ có những khó khăn nhưng có lẽ chưa đến mức độ chúng ta phải có thay đổi gì về mục tiêu cũng như định hướng. Qua theo dõi, và căn cứ vào tình hình cụ thể Quốc hội sẽ ra quyết định. Quốc hội có cơ chế để điều chỉnh và trước đây chúng ta cũng có những giai đoạn điều chỉnh rồi. Ví dụ như trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, Quốc hội cũng có điều chỉnh về thu chi ngân sách, mục tiêu. Trong điều hành kinh tế thì đó là chuyện bình thường.