Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, những ngày qua, tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, là vấn đề thu hút quan tâm đặc biệt của cử tri và toàn xã hội. Hành động của Trung Quốc vi phạm pháp luật, thỏa thuận quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Vì vậy, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, Quốc hội sẽ trao đổi các vấn đề liên quan và quyết định các giải pháp phù hợp trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội là cơ quan là đại diện của cử tri cả nước, nhất quán quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế (cụ thể là Luật Biển và Hiến chương Liên hợp quốc). Việt Nam rất hoan nghênh việc các quốc gia, tổ chức đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, ủng hộ hành động hợp pháp của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Nhấn mạnh, những thiệt hại đáng tiếc do việc một số đối tượng lợi dụng tinh thần yêu nước của Nhân dân kích động các hành vi phá hoại, gây thiệt hại về tài sản cho một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, “đến nay, các địa phương đã tập trung khắc phục và các doanh nghiệp đó đã quay trở lại hoạt động bình thường”.
Ông Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho biết thêm, các doanh nhân Trung Quốc, cả Đài Loan và đại lục, đều bày tỏ ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả của hành vi phá hoại tài sản doanh nghiệp do bị kích động vừa qua và nhiều doanh nghiệp khẳng định vẫn tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên theo đề nghị của Trung Quốc, Việt Nam cũng đã tạo điều kiện cho Trung Quốc đưa công dân về nước bằng đường hàng không và sẽ tiếp tục đưa về bằng đường biển.
Trước sự quan tâm về ảnh hưởng của tình hình Biển Đông đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tới đây sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, Quốc hội sẽ thảo luận về các chủ trương, giải pháp liên quan, trong đó có những giải pháp về kinh tế. Tuy nhiên, “chưa có gì để điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội vì tình hình 4 tháng qua vẫn tốt” – ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Như PLVN đã đưa, chiều nay (20/5), Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng các chủ trương và giải pháp của Việt Nam./.
Đối với nội dung tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, “đây là việc đúng đắn và cần thiết. Qua đó giúp cán bộ sự “soi” mình, nhận ra ưu khuyết điểm để làm tốt hơn, phấn đấu, tu dưỡng và cũng là kênh để các cơ quan quản lý cán bộ tham khảo”. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, có một số vấn đề về thời điểm, đối tượng, hình thức lấy phiếu tín nhiệm cần phải rút kinh nghiệm nên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/QH tại kỳ họp thứ 7. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi nghị quyết 35/QH giữ nguyên đối tượng và 3 mức tín nhiệm. Riêng thời gian lấy phiếu tín nhiệm dự kiến được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm để có thời gian khắc phục, sửa chữa khuyết điểm vì tiến hành hàng năm thì quá ngắn.