Từ né, cản đến hành hung nhà báo
Việc ban hành, duy trì và thực hiện tốt Quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí đã giúp cho việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các Bộ, ngành, địa phương cơ bản đi vào nền nếp, có định hướng... Đồng thời tạo cơ hội cho báo chí, công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn thông tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác, nhất là đối với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Luôn nhấn mạnh đến vai trò tuyên truyền của báo chí trong sự phát triển và ổn định tình hình kính tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thường nhắc nhở các cơ quan, cá nhân thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin chính thống, nhanh chóng, chính xác cho báo chí. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng nhiều lần khẳng định “cung cấp thông tin cho báo chí là nghĩa vụ và trách nhiệm của Hà Nội” vì báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của chính quyền thành phố.
Nhưng tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thừa nhận tình trạng vẫn “có một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của phóng viên, nhà báo, thậm chí có người quá khích còn hành hung nhà báo”.
Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì việc trả lời trên báo chí của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện nghiêm túc. Năm 2013, chỉ khoảng gần 30% tổng số đơn thư do các cơ quan báo chí chuyển đi được các cơ quan chức năng xử lý.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, nguyên nhân một phần do cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền chưa nắm rõ được trách nhiệm của việc xử lý kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo quy định trong Luật Báo chí. Nhưng quan trọng là do quy định về trách nhiệm trả lời báo chí trong các văn bản luật còn chung chung, chưa quy định chế tài xử lý khi các cơ quan không thực hiện theo quy định, nên dù hành vi cản trở tác nghiệp báo chí đã bị xử lý nghiêm nhưng cũng có nhiều trường hợp việc xử lý chưa thỏa đáng, gây bất bình trong dư luận, nhất là trong giới báo chí.
Ngoài ra, thực tế vẫn có những cơ quan, đơn vị, người dân phản hồi thông tin trên báo chí không đúng vì khi kiểm tra thông tin báo chí đăng, phát thì nội dung phản hồi không chính xác. Trung bình mỗi năm gần đây, Bộ TT&TT tiếp nhận và xử lý khoảng gần 300 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực báo chí, chủ yếu là khiếu nại nội dung thông tin trên báo chí.
Nguyên nhân đều do cơ quan báo chí không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, trong đó vi phạm thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ khá lớn, thể hiện ở nhiều mảng bài viết: vụ án, các vấn đề tiêu cực trong xã hội, đời tư cá nhân, lịch sử dân tộc, chính sách của Nhà nước...
Nhưng có lẽ cũng một phần là do việc cung cấp thông tin từ phía các chủ thể nắm giữ thông tin chính thống còn rụt rè nên trước sức ép về nhiệm vụ tuyên truyền, nhiều nhà báo đã phải xử lý thông tin từ các nguồn không chính thống và không loại trừ việc suy diễn chủ quan, dựa vào nhận thức về vấn đề mà chưa có sự kiểm chứng thông tin...
Cần làm “gắt” về trách nhiệm cung cấp thông tin
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay và triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Luật Báo chí mới thay thế Luật Báo chí ban hành năm 1990 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đang trong quá trình xây dựng, trong đó Điều 38 của Dự thảo qui định về cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, qui định này mới chỉ giới hạn các cơ quan có quyền không cung cấp thông tin về các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố… là chưa đủ mà cần bổ sung việc cung cấp thông tin thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Còn theo đánh giá của chính những người sẽ được hưởng lợi từ qui định này thì “nội dung về cung cấp thông tin cho báo chí trong Dự thảo này còn nhạt”.
Ông Vũ Thế Lân – nguyên Trưởng ban Chính trị xã hội báo Nhân dân thấy rằng, cần qui định chế tài về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu “né tránh cung cấp thông tin cho báo chí”. Nhận xét, qui định cung cấp thông tin cho báo chí theo Dự thảo Luật “quá lạc hậu”, ông Trần Hoàng Hưng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng, qui định này cần được mở rộng để tương thích với yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay.
Quyết liệt hơn, ông Nguyễn Minh Quang – Tổng Biên tập Báo Báo Khoa học và Đời sống kiến nghị Dự thảo Luật cần qui định cho cơ quan báo chí được “kiện ra tòa” nếu cơ quan có thẩm quyền không trả lời ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến mới đảm bảo trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân để giải quyết tình trạng “chậm trễ” trả lời báo chí.