Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2011 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đã chỉ rõ: Lạm phát giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực; sản xuất kinh doanh được duy trì và tiếp tục phát triển. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu được Chính phủ ưu tiên hàng đầu đó là “tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường”.
Muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phải giải được “cơn khát” vốn. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2011 của Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội trong 9 tháng đầu năm 2011, có khoảng 57,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký ước đạt trên 363,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,8% về số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010. Ước thực hiện năm 2011, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và lũy kế ước đến 31/12/2011 có 624 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 550 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Ước đến hết năm 2011, có gần 19.000 hợp tác xã và 350.000 tổ hợp tác.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cho biết đã tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước. Nhìn chung các tập đoàn, các tổng công ty lớn của Nhà nước trong thời gian qua đã có đóng góp tích cực vào việc bảo đảm nguồn hàng điều hòa cung cầu, cắt giảm vốn đầu tư nhiều dự án, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay
Tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành, nhất là vào các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận về tính minh bạch và hiệu quả kinh tế của các đơn vị này. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Do lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, trong khi giá cả vật tư, nguyên liệu tăng cao, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, sức mua trong nước giảm… nên hiện trên cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đình đốn sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ khẩn trương đề ra các giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ổn định và phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. (Trích báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri của UBTWMTTQVN tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII) |
Thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2011 cuối tuần qua, nhiều đại biểu đã làm rõ hơn “bức tranh” chung của tình hình kinh tế, đặc biệt là những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Tp.HCM) sau khi “phê” các giải pháp của Chính phủ chưa cụ thể đã đưa ra đề nghị, trước mắt phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, có giải pháp hút lượng tiền nhàn rỗi trong dân, như vậy sẽ giảm áp lực vay lên ngân hàng, để ngân hàng có dư để cho các đối tượng khác vay vốn. Theo cách này sẽ giải được bài toán khát vốn của doanh nghiệp, đồng thời giảm dần lãi suất cho vay.
Đồng ý việc tái cấu trúc tập đoàn, tổng công ty nhà nước, theo hiến kế của đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) phải bắt đầu từ việc công khai minh bạch về thông tin giống như các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty này, theo ông Lịch, cần phải có lộ trình cụ thể, phương án rõ ràng đối với từng doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nhân, vấn đề mà đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) quan tâm trong năm 2012 là tỷ giá và lãi suất. “Luồng tiền ra cho các doanh nghiệp vay đang bị xiết chặt rõ ràng doanh nghiệp sẽ bị hụt hơi, vì thế chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt hơn, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Hường nói.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm ngoái, tình trạng khó khăn của doanh nghiệp cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh. Cụ thể đó là các vấn đề về nguồn vốn, tiếp cận vốn vay, lãi suất ngân hàng, đầu ra cho sản phẩm… Năm nay, các nội dung này vẫn được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập dù thừa nhận năm 2011 Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Về nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu năm 2012, báo cáo trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh giải pháp ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Theo đó, Chính phủ ưu tiên cho các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và tăng cường huy động các nguồn vốn khác cho phát triển.
Riêng với giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường, Chính phủ chỉ rõ: Trong khi thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, phải tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ và thu hút đầu tư. Đồng thời nhấn mạnh: phải đặc biệt quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bảo đảm đủ vốn, đủ ngoại tệ cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm mà thị trường trong nước và xuất khẩu đang có nhu cầu lớn. Thu hút mạnh và giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư, nhất là các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và có giá trị xuất khẩu lớn.
Trước thực trạng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, Chính phủ yêu cầu: phải cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Ưu tiên tín dụng cho các sản phẩm trọng điểm. Sử dụng công cụ thuế một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Tiếp tục rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, để gỡ khó cho doanh nghiệp, năm 2012 Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có cả các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, việc thực hiện không chỉ trông đợi ở các cơ quan quản lý mà còn từ phía doanh nghiệp và người dân.
* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:
“Phải có phương án sắp xếp kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ”
“Cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Phải rà soát đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối và thoái vốn đã đầu tư vào các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính. Có phương án sắp xếp kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ. Đổi mới mô hình tổ chức và quản trị tại các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn; đồng thời, hoàn thiện các quy định khác về quyền đại diện chủ sở hữu và người quản lý trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, về cơ chế quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cơ chế giám sát, kiểm tra và chế tài xử lý. Thực hiện công khai kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Đồng thời, có cơ chế, chính sách để thúc đẩy tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp dân doanh”.
* Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu: “Tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa”
“Tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để lực lượng này trở thành công cụ dẫn dắt thị trường theo mục tiêu phát triển của Nhà nước... Các doanh nghiệp phải tăng cường tính minh bạch tài chính và kết quả hoạt động góp phần tăng tính an toàn của nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống nhân dân, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động”.
* Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển:
“Sớm sửa đổi một số luật thuế”
“Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cấu trúc nền kinh tế, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách Nhà nước (có hiệu lực năm 2004); bảo đảm thời gian để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2012, có hiệu lực từ năm 2014; Sớm nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số luật thuế cho phù hợp với tình hình thực tế; trong đó có sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm thuế suất, điều chỉnh các chính sách ưu tiên, khuyến khích đầu tư, miễn giảm thuế để sớm góp phần thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế”. |
Huy Hoàng