Hiện trường không dấu vết
Sáng ngày 8/3/1998, bà Dương Thị Thủy (SN 1935, ngụ phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được phát hiện đã chết từ lúc nào. Bên cạnh là đứa con gái tâm thần ngẩn ngơ. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân không có vết thương hở nào, chỉ duy nhất trên cổ có dấu bầm tím trầy xước. Giám định pháp y kết luận: Bà Thủy do bị ngạt thở mà chết, thời gian tử vong từ 2 – 3h sáng.
Nạn nhân trước khi chết có đeo đôi bông tai 0,5 chỉ vàng 18k. Hàng ngày bà sống cùng với con gái Trần Thị Mỹ Tiên (SN 1978) bị bệnh tâm thần nhẹ, chồng bà đã qua đời.
Cảnh sát nhận định đây là vụ án giết người, cướp của, hung thủ là người quen biết hoặc thân thích với nạn nhân. Vì khi nạn nhân chết, tại hiện trường thể hiện nhà vẫn được khóa cẩn thận, không hề có dấu vết bị cạy cửa; hơn nữa đồ đạc trong nhà không hề bị mất và xáo trộn, chỉ mất duy nhất đôi bông. Chỉ quen biết thì hung thủ mới có thể dễ dàng vào nhà và tẩu thoát sau khi gây án một cách dễ dàng như thế.
Khi vụ án xảy ra, trong nhà còn có chị Tiên nhưng người này không hề bị thương tích hoặc có hành động gì khác lạ. Do chị Tiên bị tâm thần nên các điều tra viên không thể lấy lời khai.
Nạn nhân không mâu thuẫn thù oán với ai, dù nghèo nhưng không nợ nần gì, mối quan hệ xã hội cũng chẳng có ngoài mấy người bạn già nhà kế bên.
Ban chuyên án quyết định chuyển hướng điều tra sang các đối tượng thành phần bất hảo tại xã, những đối tượng mới chấp hành án, có tiền án, tiền sự nhưng vẫn không có kết quả gì. Thật bất ngờ trong quá trình điều tra một trinh sát đã phát hiện ra tình tiết rất quan trọng và đây cũng là manh mối sau này phá được vụ án.
Đi tìm manh mối phá án
Trong buổi làm việc với tổ trưởng tổ 6, Khóm 1 là nơi nạn nhân sinh sống, người này cho biết chiều ngày 7/3 nạn nhân có đến nhà tìm mình để xin tạm trú qua đêm cho một thanh niên nhưng không gặp bà vì lúc đó bà tổ trưởng đi công việc.
Sáng hôm sau, hay tin bà Thủy gặp nạn nhưng không rõ chi tiết này có liên quan gì đến cái chết của nạn nhân không nên bà tổ trưởng không đi trình báo. Các điều tra viên khẳng định: Chắc chắn chi tiết này là một trong những đầu mối để gỡ “nút thắt” vụ án.
Tiếp tục lấy lời khai của những người ở gần nhà nạn nhân, một người hàng xóm kể lại rằng: Rạng sáng ngày 7/3, anh thấy có thấy một thanh niên cao khoảng 1,50m; đội nón kết màu xanh xám; mặc áo sơ-mi cũ màu trắng với quần jeans xám xanh đến nhà nạn nhân chơi.
Một người hàng xóm khác trình bày: Sau bữa cơm chiều ngày 7/3, cô gái ngẩn ngơ hí hửng chạy sang nhà bà nói đi nói lại nhiều lần là “có anh Phong xuống chơi” nhưng “anh Phong nào” thì bà không biết vì trong xóm này không có ai tên Phong; phần nữa bà cũng không tin những lời nói của người tâm thần.
Thêm một tình tiết khiến các điều tra viên chú ý là khi người hàng xóm kể, sau thời gian đi trị bệnh tâm thần về, Tiên rất hay hào hứng nhắc đến một người tên Phong.
Từ những tình tiết này các điều tra viên thống nhất cần phải lấy lời khai của Tiên xem có giúp ích được gì không, dù lời khai của người tâm thần không phải là chứng cứ, nhưng cũng có thể từ đó lần ra manh mối.
Qua những lời kể khi nhớ khi không của cô gái, dần dần cũng chỉ đến một điểm chung là cái tên Phong, người đã cùng điều trị bệnh chung ở Bệnh viện tâm thần Tiền Giang. “Phong và Tiên thường chơi chung với nhau, có kẹo bánh gì Phong cũng cho Tiên cả, hai người còn ôm nhau nữa”, bằng sự khéo léo của mình các điều tra viên đã dỗ dành khiến cô gái kể lại những “tự sự” trên.
Rồi cả ngày sau đó thiếu nữ lại tiếp tục: “À, có một lần Phong xuống nhà Tiên chơi ở lại đêm nữa. Phong nói chuyện với mẹ Thủy và Tiên, sau đó còn làm gì nữa mà mẹ Thủy nằm im ru luôn. Phong còn cởi đồ đè lên người làm Tiên đau”.
Linh tính nghề nghiệp mách bảo nhân vật Phong là có thật và đêm xảy ra vụ án y có mặt tại nhà nạn nhân.
Liệu Phong có Phải là hung thủ vụ án? Mời bạn đọc tiếp tục chờ đón kỳ hai của bài viết!
(Còn tiếp)