PV: Thưa ông, dưới góc độ là một nhà quản lý giáo dục và nhiều năm nghiên cứu về Toán học, theo PGS việc tổ chức những cuộc thi như Violympic giải toán qua mạng có phù hợp với đặc thù của môn Toán hay không?
PGS Văn Như Cương: Về cuộc thi Violympic, nội dung những câu hỏi trong đó thì không có vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, tôi chỉ băn khoăn rằng bên cạnh những câu hỏi về toán học, học sinh chỉ học toán hay sa đà vào những thứ khác. Cá nhân tôi không muốn học sinh mới học Tiểu học đã tiếp xúc với máy tính nhiều, không để ý đến cuộc sống xung quanh, rất thụ động.
Toán không phải là môn học để rèn luyện tính nhanh. Nếu tính nhanh có thể có những quy tắc tính nhanh rất cơ bản, ví dụ như nhân với 11, 25, cộng đầu cuối… Cuộc thi này có nhiều câu hỏi chỉ cần bấm máy tính là ra ngay.
Trong đây có rất nhiều câu hỏi dạng trắc nghiệm mà Toán học cần kiểm tra rất nhiều thứ ở trong đó. Đó là sự tư duy, phản biện, quy nạp, sự logic trong môn toán. Môn toán đòi hỏi học sinh phải học tập và rèn luyện thường xuyên. Theo tôi không nên tổ chức bất cứ cuộc thi dạng trắc nghiệm nào trên mạng. Nhất là với Văn, Toán, tiếng Anh.
PV: Bộ Giáo dục đã bỏ thi học sinh giỏi ở bậc Tiểu học nhằm giảm tải khối lượng bài vở, giảm áp lực cho học sinh. Nhưng một số nơi vẫn tổ chức cho các em ôn luyện, tổ chức thi Violympic cấp trường, cấp huyện, tỉnh rồi cấp quốc gia, không khác một cuộc thi học sinh giỏi. PGS nghĩ thế nào về điều này?
PGS Văn Như Cương: Tôi thấy đây là điều khá mâu thuẫn. Bộ giáo dục đã có chủ trương giảm nhẹ áp lực học tập đối với học sinh. Những quy định đó là không cho thi học sinh giỏi, cấm dạy thêm, học thêm vậy mà lại cho phép tổ chức các cuộc thi còn căng thẳng hơn hơn cả thi học sinh giỏi.
Violympic hiện đang tổ chức có đến hàng triệu học sinh tham gia, trong khi học ở trường ở lớp còn chưa xong. Bởi vì học sinh thi có giải thì cơ hội được nhận vào các trường THCS sẽ rộng mở hơn.
PV: Xin hỏi PGS, hiện nay trường Lương Thế Vinh có xét tuyển đầu vào lớp 6 dựa theo tiêu chí: Ưu tiên các em có thành tích tại các cuộc thi đã tham gia khi học Tiểu học hay không?
PGS Văn Như Cương: Bộ giáo dục đã đặt cho chúng tôi một thế bí. Trong năm vừa rồi, một số trường như Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Hà Nội – Amsterdam… có ý định tổ chức thi tuyển vào lớp 6 vì số lượng xin vào trường quá đông. Nhưng khi xin phép thi thì Bộ đã ra quyết định cấm thi. Chúng tôi quay sang xin cho khảo sát, thi năng lực cũng cấm. Cuối cùng xin phỏng vấn các em để lựa chọn cũng không được. Mà con số các trường như Lương Thế Vinh không nhiều tại Hà Nội.
Năm ngoái có hơn 4000 đơn xin vào trường Lương Thế Vinh. Chúng tôi lọc được 1000 đơn thuộc loại xuất sắc đạt điểm tối đa. Nhưng trường chúng tôi chỉ nhận 600 em. Trong khi đó, Bộ không cho phép xét theo hình thức nào khác ngoài xét học bạ. Chúng tôi đành phải có một tiêu chí nào đó để công khai rõ ràng minh bạch với phụ huynh. Từ đó, buộc chúng tôi phải cộng thêm điểm cho các em từ các cuộc thi như vậy.
PV: Một số phụ huynh nắm được hình thức xét tuyển như vậy, họ đã đưa con đi thi nhiều cuộc thi trong nước lẫn quốc tế. Quan điểm của PGS về điều này là như thế nào?
PGS Văn Như Cương: Bộ ra chủ trương rất đúng là bỏ thi học sinh giỏi, cấm học thêm, dạy thêm thì phải kiểm soát. Tuy nhiên, những cuộc thi khác trong hệ thống giáo dục cũng phải đánh giá và xem xét cho cụ thể. Ví dụ như cuộc thi “Chinh phục vũ môn” vừa được cho dừng, bên cạnh đó còn rất nhiều cuộc thi khác nữa.
PV: Vậy tác động của những cuộc thi dạng này là gì thưa PGS?
PGS Văn Như Cương: Theo tôi, các cuộc thi có thành phần giải thưởng, sau đó kết quả giải sẽ được làm tiêu chí được cộng điểm trong quá trình xét tuyển vào các trường THCS top đầu. Đương nhiên các phụ huynh phải bắt con em mình ôn luyện để thi giật giải.
Tiêu chí này không chỉ ở Violympic mà còn các cuộc thi của những môn học khác nữa. Điều này sẽ làm tăng áp lực cho học sinh, áp lực trên số đông, hàng triệu học sinh chứ không ít.
PV: Trên mạng internet xuất hiện hàng loạt những trung tâm gia sư luyện thi Violympic. Đây có phải là hệ hụy từ cuộc thi không, thưa PGS?
PGS Văn Như Cương: Đó là một hình thức ăn theo nảy sinh từ cuộc thi. Đây không còn đơn thuần là ôn luyện kiến thức mà còn ôn luyện cả kỹ năng làm bài thi sao cho nhanh. Như đã nói ở trên, Bộ đã cấm học thêm nhưng lại dạy thêm, học thêm như vậy thì không được.
PV: Theo PGS chúng ta có nên tổ chức những cuộc thi, sân chơi như Violympic nhằm khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh hay không?
PGS Văn Như Cương: Việc cho phép tổ chức các cuộc thi trên mạng khiến các em học sinh gặp nhiều áp lực thi cử nặng nề không kém thi học sinh giỏi. Đã bỏ thi học sinh giỏi cấp Tiểu học thì nên bỏ thi tất cả những cuộc thi mang tính ganh đua như vậy.
Theo quan điểm của tôi, tôi không tán thành tổ chức bất kỳ cuộc thi Toán nào như thế này trên mạng. Ở Lương Thế Vinh, ngay cả những cuộc thi học sinh giỏi ở các cấp chúng tôi cũng không tổ chức lập đội tuyển hay khuyến khích học sinh thi.
PV: Cảm ơn PGS về những chia sẻ trên!