AFP dẫn các nguồn tin báo chí Mỹ đưa tin, ông Trump sẽ đề cử cựu Thượng nghị sĩ Coats - một đảng viên Cộng hòa bảo thủ - làm Giám đốc Tình báo Quốc gia. Nếu được chính thức bổ nhiệm vào vị trí này, ông Coats sẽ trở thành người điều phối hoạt động của CIA, FBI, Bộ An ninh nội địa, Cơ quan An ninh Quốc gia và 12 cơ quan liên bang khác có nhiệm vụ thu thập tin tức để hỗ trợ cho các quan hệ ngoại giao của Mỹ và an ninh quốc gia.
Ông Coats, 73 tuổi, là đại diện cho bang Indiana trong Thượng viện Mỹ từ năm 1989 đến năm 1999. Đến năm 2011, ông một lần nữa trở thành Thượng nghị sỹ bang Indiana cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ hôm 3/1. Ông Coats cũng là cựu Đại sứ Mỹ tại Đức và là một thành viên của Uỷ ban Tình báo Thượng viện trước đây. Ông phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1966 đến 1968 và trước khi tham gia hoạt động chính trị đã hoạt động trong ngành thương mại.
Nếu được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ông Coats sẽ kế nhiệm ông James Clapper - tướng 3 sao đã nghỉ hưu được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào vị trí này từ năm 2010. Vài tháng trước, ông Clapper tuyên bố sẽ nghỉ hưu sau khi nhiệm kỳ ông Obama kết thúc.
Đặc biệt, ông này cũng là 1 trong 6 nhà làm luật của Mỹ và 3 cố vấn của Nhà Trắng đã bị Moscow đưa vào danh sách đen hồi năm 2014 để trả đũa các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Nga vì vụ nước này sáp nhập khu vực Crimea. Ông Coats cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc trừng phạt Nga. Nếu được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc tình báo quốc gia của Mỹ, ông này có thể sẽ trở thành người phản bác những quan điểm được cho là mềm mỏng của ông Trump với Nga.
Trong một diễn biến có liên quan, Reuters đưa tin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper trong báo cáo trước Quốc hội ngày 5/1 cho biết ông tin tưởng cao độ rằng Nga đã tấn công email các định chế và các nhân vật thuộc đảng Dân chủ cũng như phổ biến tuyên truyền và tin giả nhắm vào cuộc bầu cử ngày 8/11/2016.
“Đánh giá của chúng tôi hiện nay còn quả quyết hơn hôm 7/10 khi Chính phủ lần đầu tiên tố cáo Nga nhúng tay vào việc này” – VOA dẫn lời ông Clapper nhấn mạnh tại buổi điều trần ở Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.
Ông Clapper cũng nói rằng ông nghĩ Mỹ chưa từng gặp một chiến dịch can thiệp vào tiến trình bầu cử nào trực tiếp và táo bạo như trường hợp này. Ông Clapper và 2 quan chức tình báo khác ra điều trần là Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Mike Rogers và Thứ trưởng quốc phòng phụ trách tình báo Marcel Lettre không nêu rõ điều gì khiến họ tin rằng Nga đứng sau các cuộc tấn công tin tặc vừa qua, nhưng khẳng định kết luận này được các cơ quan tình báo như CIA và một số công ty an ninh mạng tư nhân tán đồng.
Mặc dù tự nhận mình là “người hâm mộ” của các cơ quan tình báo nhưng ông Trump được cho là sẽ có xung đột với giới tình báo Mỹ vì đã tỏ ra hoài nghi về những tuyên bố cho rằng Nga nhắm mục tiêu cuộc bầu cử và đối thủ của ông tại cuộc bầu cử này là bà Hillary Clinton. Trong ngày 6/1, ông cũng được giới lãnh đạo tình báo báo cáo thông tin về vụ việc.
Những thông tin trên được đưa ra giữa lúc một số nguồn tin cũng nói rằng ông Trump đang có kế hoạch cải tổ lại bộ máy tình báo của Mỹ. Tuy nhiên, trả lời tờ Wall Street Journal ngày 5/1, người phát ngôn của ông Trump Sean Spicer bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống đắc cử muốn thu hẹp cơ cấu của Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia cũng như cải tổ lại CIA.