Người ta tuổi già hưởng rảnh rỗi, an nhàn, riêng ông lão Phùng Đình Lộc (82 tuổi, ngụ thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại không ngồi yên. Hết trồng cây trang trí quanh làng, ông lão lại cầm chổi làm lao công miễn phí quét dọn đường làng. Cứ cần mẫn "vác tù và hàng tổng" như thế mặc ai nói ngược nói xuôi, đến một ngày ông lão cũng khiến mọi người thấu hiểu giá trị cao đẹp của những việc mình làm.
Ông lão Phùng Đình Lộc |
Biến cỏ dại thành vườn hoa
Về xã Đông La hỏi thăm ông lão tên Phùng Đình Lộc, nhiều người lắc đầu không biết. Nhưng khi hỏi thăm về ông lão chuyên bỏ công sức và tiền túi đi trồng cây quanh làng thì mọi người “ồ” lên. Hóa ra người làng chỉ quen gọi cụ với cái tên thân mật “ông lão trồng cây”.
Ngoại bát tuần nhưng dáng hình cử chỉ của cụ Lộc vẫn còn rất nhanh nhẹn. Lại thêm làm nhiều việc có ích cho xóm làng nên người dân ai cũng yêu mến, quý trọng. Cứ đều đặn hàng ngày vào một giờ nhất định, cụ lại đi phát cỏ dại, trồng cây, trồng hoa làm cảnh đẹp cho đường làng, ngõ xóm.
Chia sẻ về việc trồng cây, cụ vui vẻ: “Tuổi về già, các con cháu không khiến tôi làm gì cả nhưng lao động quen rồi, ngồi không thấy buồn lắm. Dạo quanh làng thấy triền đê cỏ dại mọc um tùm vừa bẩn vừa xấu nên tôi ra phát cỏ trồng cây. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là vừa có việc để làm giúp bản thân thấy đỡ chán, vừa khiến cảnh quan sạch đẹp hơn”.
Hàng ngày, cứ vào mỗi buổi chiều, cụ lại lom khom trên bờ đê dùng cuốc, liềm gọt cỏ. Khi đã phát quang cỏ dại, cụ đi quanh vùng nhặt nhạnh những cây bàng, cây đa, cây trứng cá… về ươm. Ban đầu, cụ mang cây về ươm ở khoảnh sân nhỏ trước nhà.
Đến khi cây phát triển ổn định, cao tầm 0,5m, cụ mới bứng đem trồng ngoài triền đê. Không chỉ kiếm nguồn cây từ việc nhặt nhạnh, cụ còn vận dụng cả "quan hệ" người nhà, thân thuộc. Có cô con dâu làm nghề bó hoa, cứ có cây hoa nào bán ế là cụ nhận về trồng. Hoặc đến nhà bạn bè, bà con họ hàng thân thích, thấy loại cây nào dễ trồng, lớn nhanh là cụ lại ngỏ ý xin về. Biết ý thích của cụ nên mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ đồng ý.
Thế nên chẳng mấy chốc, đoạn triền đê trước con đường vào làng đã đẹp chẳng kém gì những đường hoa ngoài phố. Hoa huệ đang độ nảy nụ ra hoa. Những cụm hoa mười giờ cũng được ươm giống cắt xén thành từng luống gọn gàng. Cứ một luống hoa lại xen một luống cỏ. Đẹp đến nỗi nhiều người đi ngang qua, không biết chuyện lại cứ tưởng chính quyền xã quy hoạch để trồng cây, hoa trang trí đường làng.
Không chỉ trồng hoa ở triền đê, cụ Lộc còn trồng cây xung quanh nhà văn hóa, xung quanh sân bóng đá để mọi người có thêm bóng mát. Cụ còn cẩn thận dùng nhiều cành khô rào xung quanh khu vực trồng cây, rồi cứ đều đặn đôi ba ngày lại ra tưới nước, bắt sâu. Thấy cây nào khô héo, ông lại bỏ tiền túi của mình đi mua đạm, lân về bón cho cây. Số tiền trợ cấp cho người cao tuổi được khoảng 300 ngàn, cụ dành cả vào để mua phân bón cho cây.
Không hề nhắc đến việc đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức, cụ Lộc chỉ hào hứng khi nói về bí quyết ươm cây trồng hoa của mình: “Này nhé, đừng tưởng trồng cây dại là dễ. Khi thấy ven đường có những cây nào ưng ý thì mang về nhà ươm\. Cây cao khoảng gần 1m là đạt, nếu để cây lớn quá thì mình vừa phải vác nặng, thậm chí sau khi trồng, cây cũng dễ bị "chột" mà chết.
Khi bứng được cây nào thì lấy nước tưới ngay vào bộ rễ của nó, tránh việc để đứt rễ khi bứng. Sau đó đào hố cho cây vào trồng, trước khi lấp đất thì tưới thêm một lần nước nữa.
Trồng cây xong nhớ phải rào lại cẩn thận để trẻ con không nghịch phá, trâu bò không ăn cây. Trong việc chọn cây trồng, với những cây cho bóng mát thì nên chọn những giống cây bàng, cây đa, cây hoa sữa, cây trứng cá… Còn với cây hoa thì nên chọn những loại cây cho hoa quanh năm như hoa mười giờ, hoa hồng, địa lan, hoa hòe… Những loại cây, hoa này dễ trồng lại dễ sống”.
Tính từ ngày trồng cái cây đầu tiên đến nay mới gần 3 năm nhưng số cây đã lên tới cả trăm. Thấy những cây, hoa mình trồng ngày một cao lớn, xanh tươi, cụ cho biết cảm giác rất vui và hạnh phúc. Mùa xuân này, cụ đang định sẽ ươm thêm một loạt cây giống nữa đề trồng thêm trên lối đi vào hội trường và nhà văn hóa. "Vì mùa xuân có nhiều mưa, cây lớn nhanh và không cần phải tưới nước", mắt ông lão lấp lánh khi chia sẻ về dự định của mình.
Người “lao công” đặc biệt
Không chỉ trồng cây, cụ Lộc còn kiêm luôn cả công việc của một lao công quét rác. Lần đó, sau một lần đi thể dục về, cụ chợt thấy đường làng đi vào nhà mình đầy những rác rưởi, cát đá, rất bừa bộn và ô nhiễm. Rạng sáng hôm sau, lúc con cháu còn đang say ngủ, cụ đã vùng dậy cầm chổi ra quét đường. Những ngày tiếp theo, cụ vẫn tiếp tục thầm lặng làm công việc khác người này.
Ban đầu thấy đường làng bỗng sạch sẽ, người dân rất ngạc nhiên. Họ kháo nhau sao công nhân vệ sinh môi trường lại nhiệt tình thế, mới tảng sáng đã vung chổi xoèn xoẹt trên đường làng. Người dân còn đoán già đoán non rằng chắc có gia đình nào đấy thuê người quét ngõ nhà mình. Mãi đến khi có một người dậy sớm, vô tình thấy ông lão đang hí hoáy buông từng nhát chổi, mới giật mình biết người lao công “bí ẩn” chính là cụ Lộc.
Ông lão nhớ lại những ngày đầu tiên người làng cứ chỉ trỏ mình mà bàn tán, thậm chí có ý kiến còn tưởng cụ già hóa lẩn thẩn. Nhiều người thẳng thắn còn khuyên: "Cụ nên tận dụng thời gian rảnh mà hưởng thụ, ngồi chơi cho sướng, chứ “vác tù và hàng tổng” làm gì cho mệt xác". Tiếp đó, con cháu trong nhà cũng ngăn cản, sợ cụ thức khuya dậy sớm quét tước, nhỡ lăn ra ốm thì rước khổ vào thân. Những lúc như thế, cụ chỉ cười mà nói vui rằng “Thật ra tôi đang… tập thể dục đấy chứ”.
Những hôm trời nắng nực, xe cộ qua lại bụi bay mù mịt, cụ Lộc lại khệ nệ xách nước ra vảy cho đỡ bụi. Mùa hè còn đỡ, chứ vào những ngày đông mưa phùn, trời lạnh căm căm, người khỏe còn chẳng muốn ra khỏi chăn nữa là người già yếu. Nhưng nghĩ đến con đường toàn rác rưởi nhếch nhác, cụ lại lồm cồm ngồi dậy. "Mưa dầm lâu thấm đất", chứng kiến việc cụ Lộc kiên cường bám đường quét rác, người làng cũng dần hiểu ý nghĩa cao đẹp khi một cá nhân xả thân vì cái chung của xóm làng.
Từ hiểu rồi đến cảm phục, mọi người bắt đầu vận động con cháu noi theo gương cụ Lộc. Mỗi gia đình cũng tự có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi. Thậm chí vào những dịp đặc biệt, người làng còn họp lại, cắt cử mỗi nhà một thành viên để cùng nhau quét đường.
Một thanh niên trong làng chia sẻ: "Từ ngày nói theo gương cụ Lộc, không những ý thức chung được nâng lên mà làng xóm dường như cũng xích lại gần nhau hơn. Việc làm của cụ Lộc khiến chúng tôi rất khâm phục. Tuổi già như cụ còn làm được việc có ích như thế, ngẫm lại tuổi trẻ như mình càng cần phải phấn đấu học hỏi nhiều hơn”.
Năm 2011, cụ Lộc vinh dự được huyện Hoài Đức biểu dương và được nhận bằng khen về tấm gương Người tốt, việc tốt của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Nhớ lại buổi lễ trang trọng đó, ông lão cười hào hứng: "Còn sức khỏe là tôi còn trồng cây, quét đường, làm sạch đẹp cho làng xóm".
Nguyễn Hiền