"Đất dịch vụ" phía Tây Hà Nội thành... "đất tù mù"

“Đất dịch vụ” đang trở thành phân khúc thị trường sôi động bậc nhất tại vùng ven các dự án phía Tây Hà Nội nhưng cũng là hạng được giới “cò” định danh là “đất tù mù”. Đất nằm  ở vị trí nào, bao giờ được giao thì người dân không trả lời được.


“Đất dịch vụ” đang trở thành phân khúc thị trường sôi động bậc nhất tại vùng ven các dự án phía Tây Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng chính là hạng bất động sản được giới “cò” định danh là “đất tù mù”. Ngoài “căn cứ pháp lý” là một danh sách được chính quyền địa phương liệt kê trên giấy, còn đất nằm  ở vị trí nào, bao giờ được giao thì không bất kỳ người dân nào trả lời được.

Đất tù mù – đất hứa

Kể từ ngày khánh thành trục phát triển phía Bắc quận Hà Đông, người dân Dương Nội nói, cả làng “vui lây” khi công trình được hoàn công. Và quan trọng hơn, giá trị đất cát ở đây đã tăng lên một cách chóng mặt. Từ nông dân, sau một đêm bán đất người dân có thể trở thành tỷ phú.

"Đất dịch vụ" phía Tây Hà Nội thành... "đất tù mù" ảnh 1
Ở Dương Nội, người ta thông báo mua đất dịch vụ với giá cao...

Trong quy hoạch phát triển đô thị, Dương Nội là một trong những địa phương bị thu hồi đất rất lớn. “Số đất đó người ta làm dự án, xây chung cư, biệt thự. Đất ruộng bị lấy thì được đền bù”, bà Thảo, người bản địa nói với phóng viên.

Theo quy định của tỉnh Hà Tây cũ, những hộ gia đình bị thu hồi đất được địa phương trả lại cho 10% diện tích gọi là “đất dịch vụ”. “Chỉ là hứa trên giấy tờ, chứ đất nằm ở đâu thì không biết”, bà Tý, một người dân cao niên trong làng Dương Nội cho hay.

Cũng theo bà Tý, ở Dương Nội hầu như nhà nào cũng có suất đất dịch vụ. Nhiều thì gần trăm mét đất, ít thì đôi chục mét. Những hộ dân có đất dưới chục mét, thường ghép chung với nhau thành một thửa để sau này giao dịch cho dễ.

Ví như, theo một danh sách được lập ra, hộ dân Nguyễn Thị Thăng bị thu hồi 1.432m2. Sau khi thu hồi đất, số đất dịch vụ được hưởng theo tiêu chuẩn cho bà Thăng là 88.8m2. 

Tuy nhiên, cho đến nay, số đất dịch vụ của hộ dân nói trên nằm tại vị trí nào, trên thực tế, chủ hộ vẫn … dài cổ chờ.

Thế nhưng, chưa bao giờ hoạt động mua bán đất dịch vụ tại Dương Nội lại sôi động như thời gian gần đây. Ngay từ đầu ngõ làng, dán nhiều tờ giấy A4 được đánh máy rõ ràng, ghi thông tin “mua đất dịch vụ giá cao”, kèm theo đó là số điện thoại liên lạc. Người dân địa phương cho hay, đó là “thông cáo” của giới buôn đất nơi khác đến. Còn tại địa phương, nhiều chủ sạp hàng tạp hóa, quán cóc cũng kiêm luôn “nhà môi giới đất dịch vụ”, nếu khách có yêu cầu.

Mua đất: Nên chọn người ít tuổi!

Nằm giữa làng, một văn phòng tư vấn nhà đất quảng cáo trên bảng hiệu là “chuyên đất dịch vụ”. Trong vai khách hàng, chúng tôi được chủ văn phòng - một phụ nữ trung tuổi, vừa bế con vừa nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn.

"Đất dịch vụ" phía Tây Hà Nội thành... "đất tù mù" ảnh 2
Hợp đồng ủy quyền của một chủ đất ở Dương Nội, phần ký tên được chủ hộ điểm chỉ vào.

Nhà môi giới này cho biết, thời điểm hiện nay các lô đất lớn không còn, chỉ còn lại đất ghép (các hộ dân được trả dưới 30m2 đất dịch vụ ghép lại với nhau để bán). “Đất ghép thì giá rẻ hơn so với đất liền của một hộ”, bà chủ văn phòng nhà đất cho hay. Để minh chứng điều mình nói là có căn cứ, bà chủ văn phòng nhà đất ở Dương Nội lôi ra một danh sách hàng với thứ tự hàng trăm hộ dân được hưởng đất dịch vụ. Hộ được hưởng nhiều nhất lên đến cả trăm mét, nhưng cũng có nhiều hộ dân đất dịch vụ được hưởng chỉ vẻn vẹn … 5m2.

Trên thực tế, đất dịch vụ ở Dương Nội đã được nhiều khách hàng giao dịch thành công. “Công thức” mua bán cũng rất đơn giản, chủ hộ có đất được chính quyền địa phương xác nhận, ra phòng công chứng làm giấy ủy quyền toàn bộ cho khách hàng. Sau này có đất, người được ủy quyền (thực chất là khách mua đất) tự đứng ra xoay trở, theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”.

Và cũng thật đặc biệt, trong các hợp đồng ủy quyền mà Pháp Luật Việt Nam có được, một số trường hợp chủ đất dịch vụ ra phòng công chứng ủy quyền (thực chất là bán) cho bên nhận ủy quyền, xác nhận tính pháp lý của tờ giấy ủy quyền này - thay cho chữ ký - bên chủ đất đã lăn tay mực, điểm  chỉ như thời mù chữ.

Tư vấn cho khách hàng thật lòng, chủ quán bán tạp hóa kiêm môi giới nhà đất tên Minh cho biết, nếu mua đất thì nên chọn chủ đất còn ít tuổi. “Hôm trước mới bán thành công cho khách hàng với chủ đất mới 48 tuổi. Mua của người bảy tám mươi tuổi, lỡ họ mất đi thì sau này có đất ai làm thủ tục”, Minh mách nước.

Tuy chưa thấy “mặt mũi” đất ở đâu, nhưng giá đất dịch vụ cũng tăng chóng mặt. “Đầu năm 2010 một lô đất dịch vụ không ghép khoảng 50m2 là 1,4 tỷ đồng. Tháng 11 này, cũng lô đó lại được bán giá 1,7 tỷ” – Minh nói.

Giá cao, nhưng nhu cầu mua bán không hề giảm. Theo lời Minh, có một “đại gia” ở thành phố Hà Đông sẵn sàng “ôm hết” đất dịch vụ, nếu có người bán. Còn khách hàng vãng lai, mua bán nhỏ lẻ thì ngày nào cũng tìm vào làng…

Việt Hưng

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.