Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, từ 1/1/2020 , ngày thông tư có hiệu lực, các ngân hàng phải áo dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Từ tháng 12/2017, OCB đã hoàn thành triển khai Basel II và sau một năm áp dụng, OCB đã được NHNN thẩm định, đánh giá và công nhận.
Để hoàn thành các hạng mục Quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II, OCB đã triển khai 10 công cụ lớn nhỏ hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro; nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình/quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro. Đồng thời, Ngân hàng cũng đã tổ chức hàng loạt chương trình truyền thông, đào tạo đồng bộ và hiệu quả trên toàn hệ thống.
Việc chủ động triển khai thành công Basel của OCB thời gian qua và nay là sự công nhận của NHNN đã minh chứng cho việc đi đầu và tuân thủ các quy định, định hướng từ NHNN của OCB, nhằm góp phần xây dựng một ngành ngân hàng Việt Nam lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị.
Tại OCB, Basel II đã đem đến những giá trị thiết thực không chỉ cho chính Ngân hàng, mà các khách hàng và cổ đông cũng nhận được nhiều lợi ích. Việc áp dụng Basel II đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.
Thêm vào đó, khách hàng cũng sẽ yên tâm hơn khi giao dịch ở OCB, bởi tài sản của khách hàng đã được bảo vệ trước các rủi ro có thể phát sinh. Thực tế, Basel II không chỉ giúp Ngân hàng giảm rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập với thế giới và cũng là cách để bảo vệ ngân hàng, khách hàng tốt nhất.