Tại một hội thảo quốc tế gần đây của ngành tài chính ngân hàng với chủ đề “Số hóa ngân hàng - Cơ hội đột phá”, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hiện có đến 94% ngân hàng Việt Nam đang trong bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Cuộc so kè ngân hàng số
Với tỷ lệ người sử dụng Internet thuộc top đầu thế giới tính theo quy mô dân số và 84% người sử dụng điện thoại thông minh - số liệu thống kê của Nielsen, các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của một cuộc cách mạng số.
Trước sự tấn công của các công ty fintech và sự thay đổi trong nhu cầu trải nghiệm của khách hành, các ngân hàng tại Việt Nam đã bắt đầu thay đổi và so kè nhau trong hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính ngân hàng.
Các ngân hàng bán lẻ đang chuyển mình vào cuộc đua số hóa. Ảnh minh họa:H.N. |
Vụ Thanh toán (thuộc NHNN) cho biết hiện đã có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 nhà băng cho phép người dùng thanh toán trên điện thoại di động. Đơn vị này cho hay hình thức thanh toán di động qua việc quét mã vạch QR, số hóa thông tin thẻ đang dần trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng và ngân hàng.
Hiện cuộc đua số hóa này diễn ra đồng loạt tại các ngân hàng, tập trung nhiều nhất ở việc triển khai các dịch vụ như Internet Banking, Mobile Banking, liên kết hoặc đầu tư vào ví điện tử và phát hành ứng dụng.
Gần đây, cuộc so kè này đã diễn ra ở hàng loạt ngân hàng bán lẻ như LienVietPosBank, BIDV, Vietcombank, VietA Bank, TPBank, VPBank hay CIMB. Các ngân hàng này liên tục công bố các dịch vụ số hóa mới để tăng tính trải nghiệm và tiện ích cho khách hàng.
Trong khi TPBank đầu tư vào mô hình ngân hàng tự động LiveBank giúp thu hút hơn 60% giao dịch ngoài giờ hành chính và khoảng 80% khách hàng là những người dưới 35 tuổi thì Techcombank cũng đổ hàng trăm triệu USD vào hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh giao dịch cá nhân qua kênh điện tử.
Dịch vụ số hóa của Techcombank còn cho phép rút tiền mặt không cần thẻ ATM qua việc sử dụng mã OTP gửi vào số điện thoại đăng ký dịch vụ Internet Banking.
Thói quen liên quan dịch vụ tài chính ngân hàng của người dùng thay đổi trong nền kinh tế số buộc các nhà băng cũng phải thích ứng. |
Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông - ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết sự thay đổi trong hành vi khách hàng khi đòi hỏi sự đa dạng, nhiều tiện ích và cả tốc độ là thách thức khiến OCB áp dụng nền tảng Omni Chanel vào các hoạt động. Ông cho rằng đây là bước đi đầu tiên trong chiến lược chuyển đổi thành ngân hàng số của nhà băng này.
Ba tháng trước, VPBank cũng ra mắt dịch vụ ngân hàng số Yolo và mới đây nhất, CIMB - ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, cũng chính thức nhảy vào cuộc đua này bằng dịch vụ ngân hàng số Octo. Là tân binh nhưng nhà băng này đặt tham vọng sẽ áp dụng cho vay trực tuyến trên nền tảng ứng dụng từ năm sau.
Ngân hàng số có ưu thế gì so với công ty fintech?
Theo tính toán của đại diện các nhà băng, ngân hàng kỹ thuật số sẽ giúp họ giảm được tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) từ 50% xuống chỉ còn từ 20%. Vì vậy, các ngân hàng bán lẻ đã không thể đứng ngoài cuộc chơi vừa giúp tăng trải nghiệm dịch vụ, giữ chân người dùng vừa giúp tăng doanh số và lợi nhuận.
Một khảo sát của PwC trong năm nay cho biết khoảng 30% khách hàng có kế hoạch tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính đến từ các công ty fintech.
Một thách thức không nhỏ của các ngân hàng khi nhảy vào cuộc đua số hóa này là cạnh tranh với các công ty fintech chuyên về ví điện tử và cho hay ngang hàng đang hoạt động tại Việt Nam. Với lợi thế công nghệ, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn ngân hàng, các dịch vụ này đã tiếp cận nhiều người dùng thời gian qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng ngân hàng bán lẻ không “lép vế” trước các công ty fintech bởi sở hữu dữ liệu khách hàng khổng lồ. Dựa vào kho dữ liệu này, các nhà băng có thể phân tích hành vi khách hàng, chấm điểm tín dụng và cho vay trực tuyến trong nền tảng ngân hàng số của mình.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng có lợi thế hơn công ty fintech về việc sở hữu khối dữ liệu khách hàng khổng lồ. |
Nhắc về ngân hàng số, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng từng nói đến mô hình 3-1-0, tức trong 3 giây là khách hàng có thể tiếp cận và đăng ký vay; 1 giây để hệ thống tự động trả lời có đồng ý giải ngân cho gói vay đó hay không; và 0 là không có người can thiệp vào quá trình xử lý.
Trong ba yếu tố này, có thể nói, người sử dụng dịch vụ ngân hàng quan tâm nhất chính là sự an toàn và chế độ bảo mật thông tin tài khoản của mình. Thời gian qua, nhiều vụ mất tiền trong tài khoản có liên quan làm giả thẻ, gian lận thẻ hoặc rủi ro mất cắp thông tin người dùng trong các giao dịch không dùng tiền mặt.
“Một trong những thách thức và mối quan tâm khiến chúng tôi lo lắng là bảo mật dữ liệu, bởi đây là điều khách hàng đặt niềm tin vào ngân hàng nhiều nhất. Chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho việc bảo mật để đảm bảo sự an toàn cho họ”, Giám đốc điều hành CIMB Việt Nam - ông Thomson Fam Siew Kat, cho biết.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số và sức cạnh tranh của công ty fintech, dù nhìn nhận có thể tồn tại rủi ro, nhất là về bảo mật dữ liệu khách hàng nhưng các ngân hàng bán lẻ đã không thể làm ngơ và đứng ngoài cuộc chơi số hóa này.