Sự kiện này đã gây rúng động dư luận và lại “hâm nóng” cuộc tranh luận giữa các nhà lập pháp Mỹ về luật kiểm soát súng đạn.
Lại xả súng kinh hoàng
Vào lúc 10 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) ngày 1/10/2015, một vụ xả súng kinh hoàng đã xảy ra tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua, thành phố Roseburg, bang Oregon của Mỹ. Cảnh sát trưởng hạt Douglas John Hanlin cho biết, sau khi nhận được tin báo có kẻ đang nổ súng tại một lớp học, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường.
“Khi đến nơi, cảnh sát xác định được kẻ xả súng ở một trong các tòa nhà. Họ tiếp cận nghi phạm và một cuộc đấu súng đã xảy ra”. Hung thủ đã nổ súng tự sát chỉ hai phút sau khi bắt đầu cuộc đấu súng với hai cảnh sát tại hiện trường. Vụ xả súng đẫm máu trên đã làm 10 người thiệt mạng, bao gồm 5 nữ và 5 nam (trong đó có cả hung thủ). Một giáo viên tiếng Anh, 67 tuổi, đang giảng dạy cũng đã thiệt mạng.
Theo cảnh sát bang Oregon, kẻ xả súng là Chris Harper Mercer, 26 tuổi. Theo điều tra, tên này sở hữu 13 khẩu súng, trong đó 6 khẩu súng được tìm thấy ở trường học cùng áo chống đạn và 5 băng đạn. Kẻ xả súng đã đăng ký vào chính lớp học tiếng Anh mà đối tượng này tấn công.
Năm 2008, đối tượng này từng tham gia một khóa huấn luyện cơ bản của quân đội Mỹ trong vòng một tháng, sau đó bị đuổi. Mercer cũng từng có tiền sử mắc bệnh tâm thần, luôn cảm thấy cô đơn, thất bại, bị đối xử bất công, bị ám ảnh bởi súng đạn và tôn giáo, có tư tưởng phân biệt chủng tộc và có khuynh hướng thích thú với những vụ thảm sát trước đó.
Chỉ vài giờ sau vụ xả súng kinh hoàng tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua, nước Mỹ lại có thêm một vụ xả súng ở bên ngoài Tòa thị chính thành phố Inglis thuộc bang Florida làm 3 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng.
Lần thứ 15, ông Obama kêu gọi kiểm soát súng đạn kể từ khi lên nắm quyền |
Kể từ đầu năm đến nay, nước Mỹ đã phải chứng kiến tổng cộng 295 vụ bạo lực liên quan đến súng đạn. Vụ xả súng vừa qua ở bang Oregon là vụ xả súng thứ 142 tại các trường học ở Mỹ trong vòng 3 năm qua.
Hai vụ thảm sát nói trên diễn ra cách nhau chỉ vài giờ đã khiến dư luận nước Mỹ trải qua nhiều cảm giác lẫn lộn, từ bàng hoàng, lo sợ đến giận dữ. Hơn thế nữa, người ta cũng không thể không nghĩ về một vấn đề đã khiến báo chí trong và ngoài nước Mỹ tốn rất nhiều giấy mực, đó là luật kiểm soát súng đạn.
Phát biểu sau vụ xả súng ở bang Oregon, ngày 2/10 Tổng thống Barack Obama một lần nữa đã bày tỏ sự giận dữ trước việc Quốc hội Mỹ không ủng hộ các điều luật mới liên quan đến việc kiểm soát súng đạn, đồng thời coi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thảm kịch liên tiếp tại xứ cờ hoa.
Ông Obama nhấn mạnh: “Chẳng hiểu sao điều này lại trở thành chuyện thường ngày. Chúng ta có thể thực sự làm gì đó để giải quyết thực trạng này, nhưng sẽ phải thay đổi luật pháp của chúng ta. Không thể để những kẻ muốn làm hại người khác dễ dàng có được súng trong tay như vậy… Để xảy ra điều này cứ vài tháng một lần ở Mỹ, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm giải thích với các gia đình đã mất đi người thân về việc tại sao không có biện pháp hành động. Những lời chia buồn, tiếc thương là chưa đủ”.
Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ thúc đẩy việc sửa đổi luật kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, ông Obama thừa nhận ông có rất ít quyền lực trong việc siết chặt luật kiểm soát súng đạn, song ông cam kết sẽ tiếp tục đưa vấn đề này ra thảo luận, biến nó thành một vấn đề chính trị quan trọng.
Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, các vụ thảm sát bằng súng đạn thường xuyên xảy ra một phần là do hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể tìm được tiếng nói chung để thông qua luật kiểm soát súng đạn. Bởi vậy theo ông Obama, giới lập pháp của Mỹ cần phải bỏ qua những bất đồng, từ đó mới có thể tìm cách ngăn chặn những bi kịch liên quan đến súng đạn. “Đây là việc mà một mình tôi không thể tự làm được. Cần phải có Quốc hội, các nhà lập pháp và những người điều hành đất nước sẵn sàng hợp tác với tôi trong vấn đề này”.
Đây là lần thứ 15 ông Obama kêu gọi kiểm soát súng đạn kể từ khi lên nắm quyền ở Nhà Trắng vào năm 2009. Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng đã từng nhiều lần chứng tỏ nỗ lực thúc đẩy cải cách đạo luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ nhưng đều bất thành.
Sau vụ thảm sát tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newtown thuộc bang Connecticut vào tháng 12/2012 làm 26 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em từ 6 đến 8 tuổi, Tổng thống Barack Obama đã ban hành 23 biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tái diễn. Ngoài ra, chính quyền của ông Obama còn đưa ra một dự luật liên quan đến việc kiểm soát súng đạn, trong đó đáng chú ý có điều khoản về siết chặt kiểm tra lý lịch của những người mua súng.
Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, bà H. Clinton kêu gọi: “Chúng ta cần phải có ý chí chính trị để làm mọi điều có thể giúp người dân được an toàn. Các bạn và tôi đều biết là cần phải có các biện pháp cụ thể kiểm soát súng để có thể ngăn chặn bạo lực, ngăn chặn súng đạn rơi vào những bàn tay lầm lỗi và để cứu sống nhiều mạng người. Tôi cam kết làm mọi điều có thể để đạt được điều đó”.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon cũng lên tiếng hối thúc Mỹ hành động nhằm hạn chế các vụ bạo lực súng đạn, nguyên nhân gây ra số thương vong lớn kinh hoàng ở nước này. Theo thống kê, doanh số bán súng đạn ở Mỹ mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành, nước Mỹ đã và đang biến thành một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, như nhiều quốc gia, súng từng là một phần của lịch sử và “văn hóa” Mỹ, đất nước của những người nhập cư, khai hoang những vùng đất mới. Nhưng, một nước Mỹ đã thay đổi rất nhiều trong hơn 200 năm qua và quyền sở hữu súng đạn đã và đang đi cùng tội ác, những vụ thảm sát, gieo rắc chết chóc, nỗi sợ hãi, hoang mang và nhiều di chứng khác trên nước Mỹ.
Sự dễ dàng trong sở hữu vũ khí cá nhân tại Mỹ khiến súng đạn trở thành phương tiện gây tội ác của những phần tử cực đoan; thậm chí trở thành “phương tiện” được những kẻ hoang tưởng lựa chọn mà vụ thảm sát ở bang Oregon là hệ quả mới nhất.
Thế nhưng, quyền được sở hữu và sử dụng súng đạn được quy định trong Hiến pháp Mỹ đã trao quyền “tự do” sử dụng súng cho những kẻ sát nhân tiềm ẩn và các vụ thảm sát. Vì thế, những vụ Oregon mới được dự báo sẽ vẫn tiếp diễn. Và, sau mỗi vụ thảm sát, dư luận và giới truyền thông Mỹ lại bừng bừng phẫn nộ, đòi hạn chế súng đạn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những lời kêu gọi này rơi vào quên lãng, ngay cả sau vụ thảm sát thương tâm nhất nước Mỹ ở New Town (bang Connecticut) hồi tháng 12/2012.
Trong khi đó, các thống kê của báo USA Today cho thấy, cứ sau vụ xả súng và những lời kêu gọi kiểm soát súng đạn là doanh số bán súng ở Mỹ tăng vọt vì người dân sợ chính quyền cấm bán súng. Rất nhiều người Mỹ yêu thích súng đạn và tự hào với việc mình sở hữu súng đạn. Với số súng đạn tràn ngập, e rằng sẽ còn nhiều vụ thảm sát xảy ra ở Mỹ. Và càng chậm trễ trong việc cải cách luật sở hữu súng đạn, nước Mỹ sẽ chỉ tiếp tục chứng kiến thêm các vụ nổ súng đẫm máu và nước mắt với mức độ ngày càng nghiêm trọng và liều lĩnh hơn.
Bắt giữ nhiều sinh viên âm mưu xả súng
Nhà chức trách Mỹ cho biết, 4 sinh viên ở bang miền Nam California đã bị bắt giữ vì âm mưu xả súng hàng loạt vào một trường trung học.
Theo thông báo ngày 5/10 của Văn phòng Cảnh sát trưởng quận Tuolumne, bang California cho biết, 4 sinh viên (không nêu danh tính) bị phát hiện âm mưu thực hiện vụ xả súng sát hại những sinh viên và cán bộ Trường Trung học Summerville. Âm mưu của những đối tượng tình nghi rất cụ thể, bao gồm tên của những người sẽ là nạn nhân, những địa điểm và các phương pháp thực hiện.
Thông báo về vụ bắt giữ này được đưa ra sau khi nước Mỹ rúng động trước vụ xả súng đẫm máu tại Trường Đại học Cộng đồng Umpqua ngày 1/10 vừa qua khiến 10 người thiệt mạng (cả hung thủ) và 7 người khác bị thương. Trước đó, chỉ trong hai ngày cuối tuần trung tuần tháng 9, tại thành phố New York đã xảy ra tổng cộng 5 vụ xả súng làm 7 người thiệt mạng, khiến người dân hết sức lo ngại.