Chiều mưa như trút nước. Những giọt mưa to như những sợi dây thừng từ bầu trời thả xuống, từng sợi từng sợi dài lê thê. Mưa ầm ầm không kịp vuốt mặt. Khoảng sân nhỏ bên hông tòa án chỉ trong chốc lát đã lấp xấp nước. Ông lão 70 tuổi, dáng người ốm tong teo. Chiếc áo mưa tròng lên tấm thân nhỏ thó, càng trở nên rộng thùng thình.
Ông cụ chậm rì rì đạp xe vào tòa. Mưa xối trên mặt, càng khiến đôi mắt đục màu thêm mờ mịt. Lọ mọ dựng chiếc xe đạp cũ vào một góc nhà xe, ông lão chậm chạp bước xuyên qua màn mưa trắng xóa vào tòa. Mưa, gió, khiến bước chân ông cụ thêm liêu xiêu.Hôm nay ông được tòa triệu tập, với tư cách là người bị hại trong vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, mà con trai ông chính là bị cáo, kẻ đã gây ra trận hỏa hoạn trong phòng bếp nhà mình.
Nghịch tử “nổi đóa”
Bị cáo năm nay 27 tuổi, chưa có vợ con, chưa có tiền án, ngụ tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Khoảng 3 giờ chiều ngày 15/4/2018, bị cáo và bố mẹ có chút “xích mích”. Cha con có lời qua tiếng lại, bị cáo liền đánh đuổi bố mẹ ra khỏi nhà. Trong khi bố mẹ đang “lánh nạn” ở nhà người quen, thì bị cáo ở nhà một mình, dùng bật lửa đốt cháy nhà bếp, thiêu rụi trần la phông, giường chiếu mùng màn, nồi niêu xoong chảo.
May mắn hàng xóm nhanh chân chạy sang dập lửa, khống chế được trận hỏa hoạn. Nếu không, căn nhà bé bằng hộp diêm của gia đình đã bị bị cáo “hóa vàng” trong phút chốc. Vụ việc cũng được những người hàng xóm báo lên chính quyền địa phương, khiến bị cáo phải đến công an phường “ngồi xơi nước”.
Nửa tháng sau ngày châm lửa đốt nhà, một tối, bị cáo uống rượu xong liền cầm cây dao dùng để chẻ củi đi đến cạnh một ngôi nhà trong xóm bị cáo, đe dọa chém người khác. Việc bị cáo uống say, rồi gây rối trật tự công cộng, khiến nhiều người bức xúc, nên đã gọi điện cho cảnh sát khu vực và bảo vệ dân phố đến để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo.
Trong lúc cảnh sát khu vực đang giới thiệu và thông báo về chức trách, nhiệm vụ của mình với bị cáo, bị cáo liền đưa tay túm cổ áo và cầm dao chém vào đầu anh này. May mắn cho cả hai người là anh cảnh sát khu vực đang đội nón bảo hiểm, nên cây dao chẻ củi “chẻ” vào đầu anh cảnh sát chỉ khiến nón bảo hiểm bị trầy xước mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Người bảo vệ dân phố vào can ngăn thì bị cáo tiếp tục túm cổ áo anh này, sau đó thả ra rồi quay sang tiếp tục “xử lý” người cảnh sát khu vực. Bị cáo tiếp tục dùng dao chém anh cảnh sát khu vực, anh này liền đưa tay lên đỡ nên bị chém trúng tay làm rách da, chảy máu.
Phải mất một lúc, khi lực lượng công an và bảo vệ dân phố tăng cường đến mới khống chế và bắt giữ được bị cáo. Bị cáo sau đó bị truy tố về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và tội “Chống người thi hành công vụ”.
Đứng trước HĐXX, bị cáo có vẻ hiền khô, khác hẳn với dáng dấp “phá gia chi tử” trong cáo trạng. Nhìn thấy người cha già nua, mặt mày nhăn nheo, gương mặt tai tái ướt nhẹp vì ngâm nước mưa lâu, dù không khóc nhưng hai cánh mũi của bị cáo cứ đỏ gay, giọng nói cũng nghẹn nghẹn. Tòa hỏi bị cáo trước khi châm lửa đốt nhà, bị cáo có sử dụng chất kích thích không?
Bị cáo nói có. Trước đó, bị cáo có uống rượu một mình, nhưng chỉ uống vài ba ly, thật sự là không có say. “Uống xong, bị cáo gây với bố mẹ?”. “Dạ”. “Lý do gây gổ?”. Bị cáo ấm ức nói, “Tại bố bị cáo nói bị cáo là người tâm thần. Bị cáo cãi lại, nói mình là người bình thường. Sau đó thì xảy ra mâu thuẫn. Sau đó nữa thì bị cáo…châm lửa đốt nhà”.
Vị hội thẩm nói với bị cáo, bố mẹ dành dụm bao nhiêu năm, mới có được nhiêu đó tài sản, vậy mà bị cáo lại bất chấp tất cả, phá hoại hết. Bị cáo cúi đầu, mặt nhăn lại vì hối lỗi. Mà bố bị cáo ngồi bên dưới, gương mặt vốn nhăn nheo vì tuổi già, như càng co dúm lại. Ông bảo, mấy năm trước, con trai ông bắt đầu sử dụng ma túy.
Tổng hợp 2 mức án, bị cáo lĩnh 2 năm 6 tháng tù |
Ông khuyên can hết lời, nhưng con chẳng nghe. Bia rượu, ma túy, chính là thứ phá hủy con người ghê gớm nhất. Nhìn con ngày ngày đi vào con đường tăm tối, ông chẳng có cách gì ngăn chặn ngoài những lời nói suông để khuyên can. Hôm ấy, thấy con trai uống rượu, ông lại khuyên. Nói uống nhiều rượu sẽ dễ hư đầu óc, coi chừng lâu ngày bị tâm thần. Không ngờ con trai lại “nổi đóa” lên.
Tòa hỏi bị cáo về hành vi cầm dao chém người khác, bị cáo nói những người đó trước đây chưa từng mâu thuẫn gì với bị cáo. Nhưng hôm đó bị cáo buồn bực trong lòng nên mới vát dao đi … chém người. “Vì sao buồn bực?”, tòa hỏi. Bị cáo: “Dạ tại không có việc làm nên buồn bực”. Tòa: “Bị cáo làm nghề gì?”.
Bị cáo khai, bị cáo làm nghề lao động tự do. Ai thuê chi, chi cáo làm nấy. Trước đây, bị cáo làm công nhân may ở Sài Gòn, lương 6 triệu/1 tháng. Giờ về Huế làm thuê, thu nhập thường bấp bênh. “Bị cáo làm thuê có đủ tiêu xài không? Hay là về nhà xin thêm?”. Bị cáo cúi đầu im lặng.
Còng lưng “tiếp tế” cho con
Gia đình bị cáo có ba chị em. Bị cáo là con út trong nhà. Hai người chị đã lập gia đình, đều ở xa. Bị cáo chưa lấy vợ, nên ở chung với bố mẹ già. Bố bị cáo năm nay đã 70 tuổi, tối tối vẫn phải cọc cạch đạp xe đi làm bảo vệ, mỗi tháng lương còn chưa đến 2 triệu đồng. Mẹ bị cáo năm nay đã 65 tuổi. Tuổi già, mắt cũng yếu đi nhiều cùng với thời gian, nhưng ngày ngày bà vẫn phải chằm nón kiếm ngày hai bữa cơm.
Hai đứa con gái lấy chồng, còn phải bận bịu làm lụng nuôi con nhỏ, đâu có dư giả để giúp đỡ cha mẹ già. Hai ông bà tuổi gần đất xa trời, ngày ngày vẫn phải lụi cụi miệt mài lao động để mưu sinh. Vậy mà đứa con trai lưng dài vai rộng, đôi lúc còn chạy về nhà xin thêm tiền. Vợ chồng già, có khuyên cũng không khuyên nỗi.
Lần này con trai bị bắt giam, con gái ở xa lại ốm thập tử nhất sinh, vợ ông phải khăn gói vào Sài Gòn để chăm sóc. Căn nhà nhỏ xíu xiu giờ thành ra trống trải lạ thường,ngày đêm chỉ mình ông ra vào quạnh quẽ. Việc chợ búa xưa nay đều do vợ ông một tay quán xuyến. Bà không có nhà, bếp núc cũng trở nên vụng về, xộc xệch.
Thương con trai ở trong trại giam thiếu thốn, nên ông thường xuyên bới xách. Ông nhờ mấy đứa cháu cạnh nhà đi chợ mua thức ăn giúp, rồi một mình lụi cụi trong căn bếp nhỏ, kho kho nấu nấu, xong lại lụi cụi còng lưng đạp xe lên trại “tiếp tế” cho con, bất kể trời nắng to, hay mưa lớn.
Vị hội thẩm nói với bị cáo, bố mẹ già rồi, không thể ở nuôi bị cáo mãi được. Bị cáo phải thức tĩnh, không thể cứ sống buông thả vậy mãi. Cha mẹ sinh bị cáo ra, dốc sức nuôi bị cáo khôn lớn. Cha mẹ cũng chẳng mong bị cáo báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Có lẽ, cha mẹ bị cáo chỉ mong bị cáo nuôi nổi bản thân, sống đàng hoàng cho ra một con người, vậy là đã mãn nguyện rồi.
Lần này sai, bị cáo phải biết sửa. Sau khi chấp hành án trở về, bị cáo không được gây gỗ với cha mẹ như trước nữa, phải lo làm ăn. Bị cáo dạ. Nước mắt cũng theo tiếng dạ nho nhỏ ấy mà ứa ra. Bị cáo phân bua, lúc ở trong trại giam, bị cáo rất sợ, lại rất hối hận. Bị cáo thấy mình có lỗi với bố mẹ rất nhiều. Đêm nào bị cáo cũng khóc.
Giờ nghị án, bị cáo ngồi bên cạnh cha, khóc nức nở. “Mạ răng không tới thăm con?”, trong tiếng khóc, bị cáo ngất ngứ cất tiếng hỏi. “Chị con ốm, nên mạ vô Sài Gòn chăm rồi”. “Mạ gọi điện về, có hỏi thăm con không?”. “Lúc nào cũng hỏi hết, còn nói con phải cố gắng cải tạo cho tốt, để nhanh được về. Ba vô trại gửi đồ, nhưng không được gặp mặt, nên không nhắn với con được”. Thấy con trai cứ khóc nức nở như đứa trẻ, ông lão cầm tay con vỗ về, hai mắt cũng cay xè muốn khóc.
Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt bị cáo 1 năm tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”; 1 năm 6 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Tổng hợp cả hai mức án, bị cáo phải thi hành 2 năm 6 tháng tù. Bị cáo ra xe trở về trại giam, vừa đi vừa đưa tay quyệt nước mắt, bộ dáng thật thảm não.
Bước chân người cha già chậm chạp, nên chẳng theo kịp bước chân con trai. Khi ông ra đến sân, chiếc xe đã lao đi giữa màn mưa trắng xóa. Ông đứng ngẩn người nhìn theo, gương mặt ướt nước, không rõ nước mắt hay nước mưa.