Kinh doanh ế ẩm, chỉ nghĩ tới việc trả lương cũng đủ bạc đầu nhưng CEO Gỗ Đức Thành vẫn tung tiền gom nguyên vật liệu để chờ thời cơ khi khủng hoảng qua đi.
Đầu năm 2009, không hẹn mà gặp, hàng loạt khách hàng dừng ký hợp đồng với Công ty Gỗ Đức Thành, lý do là không tìm được nơi tiêu thụ. Lúc này, doanh nghiệp Việt như Gỗ Đức Thành thật sự ngấm đòn khủng hoảng, bởi đây là đơn vị sống chủ yếu nhờ xuất khẩu.
"Mở mắt ra đã phải chi tiêu cho bao nhiêu thứ, nhưng doanh thu sụt giảm trầm trọng. Nội việc trả lương cũng là áp lực đối với doanh nghiệp", Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành - Lê Hải Liễu kể lại.
Cũng vì thế, giá nguyên vật liệu như gỗ, keo, vecni, bao bì… đại hạ giá chưa từng có. Hàng đẹp, chất lượng, rẻ, cho trả chậm và thậm chí nhà cung cấp trải thảm đỏ mời gọi người mua nhưng chẳng ai dám mua nếu không có đơn hàng. Đầu ra không có, việc duy trì bộ máy sản xuất đã là bài toán không dễ, huống gì đến việc dám tung tiền ra đi mua nguyên liệu. Tất cả đều phòng thủ, ngoại trừ bà Lê Hải Liễu.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ Đức Thành - Lê Hải Liễu. |
Dẫu biết "sai một ly, đi một dặm" nhưng người điều hành Gỗ Đức Thành tự nhủ, quy luật kinh tế bao đời nay cho thấy sau khủng hoảng thường là giai đoạn tăng trưởng và phát triển. Vì vậy nếu nhà cung cấp nào sẵn sàng về mọi phương diện, thì người đó sẽ thắng. Song, phải chờ đợi bao lâu để chuyển sang quá trình tăng trưởng là điều không ai biết được. Và liệu doanh nghiệp có cầm cự nổi để chờ tới lúc hết khủng hoảng luôn là câu hỏi ám ảnh bà Liễu.
Nhưng có gan mới làm giàu, vốn sẵn có bản tính liều, bà quyết chớp lấy cơ hội, dốc vốn sẵn có đầu tư nguyên liệu với giá hời. Song song đó bà tìm mọi cách để duy trì công ty, chờ thị trường xuất khẩu ấm lên. Việc chuyển hướng sang thị trường nội địa chính là giải pháp tình thế lúc bấy giờ và bà cũng không ngờ đây lại là bước gợi mở hướng phát triển cho doanh nghiệp sau này.
Cuộc chuyển hướng này đã giúp doanh thu nội địa trước đó chiếm chưa tới 5% thì nay vọt lên 20% trên tổng doanh thu. Tuy không thể bù nổi phần hao hụt do xuất khẩu chậm lại, nhưng ít ra, nó cũng là cứu cánh hữu hiệu nhất thời điểm ấy.
Nguyên liệu mua về chất đầy cả xưởng, coi như dòng vốn chết không tính đến. Nhưng nếu để quá lâu, một số vật tư bị thoái hóa, mặt bằng bị choáng không làm gì được. "Lúc đó, tôi như ngồi trên lửa, cứ tự hỏi mãi một câu, mình quá mạo hiểm chăng. Lỡ thất bại coi như tiêu tan", bà nhớ lại. Tuy nhiên, không bao lâu sau, thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, sự liều lĩnh của bà mang lại chiến thắng lớn chưa từng có cho Gỗ Đức Thành.
Doanh nghiệp gom hết các đơn hàng lớn, nhỏ. Các đối thủ do chưa có sự chuẩn bị kịp nguyên liệu, nhân lực, mà đối tác lại hối thúc giao hàng gấp nên đành chịu thua. Và đương nhiên lúc bấy giờ thì giá cả nguyên vật liệu cũng không còn rẻ nữa.
"Hình như doanh nghiệp tôi thường phất lên nhờ khủng hoảng", nữ tướng gỗ một lần nữa lại thắng đậm trong năm khó khăn 2011. Hồi đầu năm, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu dè dặt, tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận chỉ kỳ vọng chưa tới 10%. Thế nhưng, từ quý 3, các con số này hoàn toàn thay đổi. Mục tiêu tăng trưởng nới lên 25% do tình hình xuất khẩu lạc quan. Cái khác biệt so với các doanh nghiệp khác, theo bà Liễu đó chính là không phân biệt "tôm hay tép".
Bà không chú trọng vào các khách hàng lớn hay vào một thị trường duy nhất mà tìm kiếm đơn hàng lẫn bạn hàng ở khắp năm châu, để nếu khách hàng nào hoặc nơi nào đột ngột có biến, cũng còn nhiều nơi khác chữa cháy.
Với bà, thành công trong những lúc khó khăn nhất mới thực sự sung sướng và trọn vẹn. |
Chính vì vậy, xuất khẩu năm 2011 này ở một số nước chững lại, nhưng cũng có nơi tiêu thụ mạnh. Bù qua sớt lại, doanh nghiệp vẫn hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Mặc khác, lũ lụt ở Thái Lan vô hình chung mang lại cơ hội cho doanh nghiệp. Đây là đối thủ khá nặng ký với Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu đồ gỗ tiêu dùng. Biến cố thiên tai của đất nước chùa vàng khiến nhiều đơn hàng chảy vào doanh nghiệp Việt.
Tiếp quản công ty từ cha khi mới ngoài 30 tuổi, lúc đó bà Lê Hải Liễu không tiếng tăm, không kinh nghiệm, khó khăn trong cả đối nội lẫn đối ngoại. Nhiều nhân viên không tin tưởng khi nhìn thấy cô tiểu thư không biết gì về gỗ hay xuất khẩu, nay đứng ra lèo lái cả doanh nghiệp.
Có người còn so sánh, một công nhân bình thường có khi còn am hiểu hơn hẳn người kế nhiệm này. "Nhưng, được cha giao phó, tôi không còn chọn lựa nào khác, phải học hỏi từ những cái nhỏ nhất và học ngay từ chính những người công nhân", bà Liễu chia sẻ.
Tới nay, sau hơn 20 năm lăn lộn với nghề, từng đối mặt với những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, người đứng đầu Công ty Gỗ Đức Thành đúc kết nhiều những kinh nghiệm để chống chọi với khó khăn hay những biến cố bất ngờ.
Có lần, sau khi ký đơn hàng gần 1 triệu USD, xuất khẩu sang Đức - một thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, làm ăn bao lâu nay không có chuyện gì, bỗng ở thương vụ lớn này lại xảy ra chuyện ngoài tầm kiểm soát.
Còn nửa tháng nữa xuất hàng, vài chục container gỗ ngập tràn cả xưởng, thậm chí phải thuê chỗ chứa với chi phí lớn thì đối tác đòi hủy hợp đồng, do phát hiện trong thớt gỗ chứa hàm lượng hóa chất độc hại. Họ còn đòi bồi thường gấp đôi, vì bản thân họ cũng không có hàng giao cho khách.
"Tôi nhận tin như sét đánh, chân đứng không vững và tưởng chừng phải vào viện sinh con sớm", nhớ lại lúc đang mang thai đến tháng thứ 7, bà cho biết. Ngay lập tức, một cuộc rà soát ráo riết được thực hiện, nhưng tất cả đều ở mức độ cho phép. Nữ tướng ngành gỗ cười, chia sẻ: "Tuy nhiều lúc đau tim, căng thẳng tột bậc, nhưng thành công trong những khoảnh khắc này mới thực sự sung sướng và trọn vẹn".
Từ một giảng viên trường Đại học Kinh tế chuyển sang điều hành doanh nghiệp, với xuất phát điểm là những con số 0, động lực chính thôi thúc bà vượt qua các chướng ngại vật chính là người thầy, cũng là cha mình - ông Lê Ba. "Tôi học được ở cha sự nhanh nhẹn, quyết đoán, dám đương đầu với thách thức, chấp nhận rủi ro và quyết dành được chiến thắng từ sự nỗ lực của chính mình", bà trải lòng.
Theo VNE