Vì sao liệt chân?
Chiều ngày thứ Sáu 24/4, trường tổ chức tiêm phòng vắc xin uốn ván dành cho học sinh nữ khối 9, em Trần Thị Kim Hoàn (học sinh lớp 9/4 trường THCS thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhớ lại:
“Trường em tổng cộng có 5 lớp 9 với khoảng 100 bạn nữ tham gia tiêm phòng. Hôm đó em học thể dục xong là cùng các bạn tới phòng y tế. Em là người cuối cùng của đợt tiêm. Có một điều lạ, tất cả các bạn em đều do cô Tuyết (Trưởng trạm y tế thị trấn Phú Lộc - PV) tiêm, còn một cô y tá khác thì chỉ phụ lấy thuốc. Nhưng đến lượt em, cô Tuyết đi nơi khác, cô y tá kia vừa lấy thuốc, vừa tiêm cho em luôn”.
Khi tiêm xong, Hoàn về nhà vẫn ngủ ngon như bình thường, sáng hôm sau tỉnh dậy thấy hai chân tê tê. Đến ngày 26/4 em bắt đầu đau lưng, tê từng ngón chân. Quá đau, em khóc lóc, được gia đình đưa lên trung tâm y tế huyện Phú Lộc điều trị.
Đến ngày 28/4 em không thể đi lại, được chuyển lên điều trị tại bệnh viện Đại học Y dược Huế. Ngay trong ngày hôm đó em lại được chuyển qua cấp cứu tại Bệnh viện TW Huế tiếp tục điều trị. Đến ngày 13/5, em được chuyển lên Trung tâm Nhi khoa.
|
Hoàn đang được điều trị trong bệnh viện |
Anh Trần Hòa (50 tuổi, cha em Hoàn) cho biết: “Từ trước đến nay con tôi sức khỏe hoàn toàn bình thường, không mắc bệnh gì. Gia đình chúng tôi suy đoán bệnh của con có liên quan đến tiêm phòng vì con tôi đang chơi, đang học bình thường, đùng một cái thành bán thân bất toại.
Có thể họ tiêm nhầm thuốc hoặc vắc xin có vấn đề. Sau sự việc này, tôi cũng đã làm đơn cầu cứu lên các cơ quan chức năng, Bộ Y tế, mong tìm ra nguyên nhân”.
PL&TĐ đã về nơi tiêm vắc xin cho em Hoàn để tìm hiểu sự việc. Chị Huỳnh Thị Ánh Tuyết (Trưởng trạm Y tế thị trấn Phú Lộc) kể lại: “Chiều 24/4, tôi cùng y sĩ Nguyễn Thị Lệ Hằng trực tiếp tiêm vắc xin uốn ván cho các em, số thuốc này được lấy từ Trung tâm Y tế huyện, lấy hai lần, mỗi lần 3 lọ, lần đầu lấy ngày 23/4 , lần hai lấy ngày 24/4.
Mỗi lọ có dung tích 10ml, tiêm cho 20 học sinh, đều có thời hạn sử dụng đến tháng 10/2016. Mọi học sinh nữ khối 9 ở trường đều tiêm loại vắc xin này, chỉ mình em Hoàn bị đau. Như vậy em Hoàn bị bệnh không thể do vắc xin uốn ván gây ra”.
Bác sĩ Phạm Kiều Lộc (Trung tâm Nhi khoa, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Hoàn), cho biết: “Hiện chúng tôi xác định cháu bị chứng bệnh Guillan Barré, sau một đêm ngủ dậy là phát bệnh. Đây là một bệnh đa dây thần kinh cấp, rối loạn ảnh hưởng đến hệ thần kinh ngoại biên.
Triệu chứng điển hình nhất là bàn chân bắt đầu yếu và liệt dần, sau đó lan dần vào trong thân. Một số dạng triệu chứng khác có thể làm thay đổi cảm giác, hoặc gây đau, cũng như làm rối loạn hệ thần kinh tự chủ, rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Nó cũng có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt trong trường hợp các cơ của hệ hô hấp hoặc hệ thần kinh tự chủ bị ảnh hưởng. Theo tôi nghĩ cháu Hoàn bị bệnh này không phải do vắc xin gây ra. Có thể vì gia đình bất ngờ, quá sốc, mới suy đoán như vậy”.
TS. Bác sĩ Phạm Hoàng Hưng (Giám đốc Trung tâm Nhi khoa) cho biết thêm: “Đa số các em mắc căn bệnh này khó trở lại bình thường, bệnh này vốn rất nan giải, vẫn có trường hợp phục hồi, nhưng rất chậm. Cũng may bệnh của cháu Hoàn vẫn nhẹ, đang cầm chừng, chưa bị liệt cơ hoành nên vẫn còn rất nhiều cơ hội chữa lành”.
Gia đình kiệt quệ
Ngày 7/5, theo ghi nhận của PL&TĐ, em Hoàn vẫn ăn uống, nói chuyện bình thường, chân trái cử động được nhúc nhắc, chân phải bị liệt nên tinh thần không tốt.
Theo các bác sĩ, căn bệnh Guillan Barré rất hiếm gặp, nhưng điều trị rất tốn kém, giá thuốc đắt đỏ, lên đến 5,7 triệu đồng/1 lọ, ngày tiêm 7 lọ. Bệnh nhân phải tiêm ít nhất 35 lọ (tương đương 200 triệu đồng) thì mới có hi vọng khỏi bệnh.
Chị Tạ Thị Hà (43 tuổi, mẹ bệnh nhân Hoàn) rầu rĩ: “Tôi là người dân tộc thiểu số, có 4 đứa con đều đang tuổi ăn tuổi học. Đứa con trai đầu học lớp 12, đến bé Hoàn, rồi còn đứa lớp 6 và đứa lớp 4. Tôi bán vé số, chồng chạy xe ôm ở chợ kiếm cơm qua ngày.
|
Trạm y tế thị trấn Phú Lộc giải thích sự việc với PV |
Cách đây 1 năm chồng tôi vừa bị viêm dạ dày cộng với bệnh đường ruột mãn tính, cứ tưởng không qua khỏi, gia đình chạy vạy anh mới giữ được mạng sống. Trước anh khỏe mạnh nặng tới 72kg giờ chỉ còn 48 kg. Nay con lại đau, tiền bạc thiếu thốn vô cùng”.
Nói về con gái, chị cho biết: “Bé Hoàn trước đây rất khỏe, chưa hề tốn một đồng tiền thuốc men. Do nhà nghèo nên sáng cháu đi học, chiều về phải bán bánh ép thuê cho người ta kiếm 15 nghìn mỗi buổi để lo việc học. Ngày nào cũng chạy bàn bánh ép, đôi chân hoạt động thoăn thoắt, mà giờ chỉ nằm một chỗ, thấy con vậy mà thương.”.
Thầy Nguyễn Văn Kháng (Giáo viên chủ nhiệm em Hoàn) cho hay: “Trước đó em Hoàn vẫn đi học bình thường, chưa bao giờ có dấu hiệu mắc bệnh hay mệt mỏi khi đi học, bỗng nhiên em mắc bệnh lạ. Đây là thời gian thi học kỳ rồi xét tốt nghiệp cuối cấp, em Hoàn vắng mặt vì bệnh nên nhà trường sẽ tạo điều kiện để em thi lại khi em bình phục sức khỏe. Lớp cũng đã ủng hộ được 390 nghìn để động viên, mong em mạnh mẽ vượt qua bạo bệnh”.
Ông Lương Văn Thông (Tổ trưởng khu phố nơi Hoàn sinh sống), nói: “Nhà cháu Hoàn trước đã nghèo, bây giờ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Tôi rất mong các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ cháu vượt qua giai đoạn khó khăn này. Về mặt chính quyền địa phương, tôi đang đề xuất lên cấp trên cho gia đình cháu được hưởng chế độ hộ nghèo”.
Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm cho cháu bé trong bài viết, vui lòng gửi về cha của cháu: Anh Trần Hòa, Khu vực 6, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế; hoặc số đt 090.555.9591 để được hướng dẫn chi tiết hơn./.