Gương sáng trong cộng đồng người Gia Rai
Ra đời trong những năm nạn đói và thất học tràn lan, chứng kiến hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, năm 1962, khi ở tuổi “17 bẻ gãy sừng trâu”, bà viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong. Từng trải qua lửa đạn chiến tranh, lằn ranh sống chết, nhưng trên gương mặt người phụ nữ ấy lúc nào cũng giữ được vẻ đẹp hồn hậu với nụ cười tỏa nắng.
Từ cô gái thanh niên xung phong thông minh, gan dạ, bà trở thành giao liên vận chuyển vũ khí, thuốc men cho bộ đội, “bất kể tổ chức cần phân công việc gì, mình đều chấp hành”. Sau 5 năm hoạt động, bà được cử ra miền Bắc học tập. Chiến tranh kết thúc, bà về công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai. Tuổi thanh xuân trôi theo những tháng năm cống hiến, bà quên luôn cả việc đi tìm hạnh phúc riêng cho mình. Năm 1987, bà về hưu với quân hàm Thượng úy.
Trở về làng Krong sát biên giới, nơi sinh ra và lớn lên, dù với những người Gia Rai vẫn theo chế độ mẫu hệ, nhưng chuyện người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế Kpan giữa nhà rông để phán xử chuyện làng vẫn là “chuyện lạ”. Vậy mà cách đây cả hơn 2 thập kỷ, người làng đã chấp nhận một nữ già làng. Chuyện bà làm già làng cho đến giờ như một sự đương nhiên, chưa một ai nghĩ có thể thay thế bà kể từ ngày đó.
Với chức già làng, nhìn cảnh ngôi làng nghèo nàn, xơ xác, con đường đầy đất đỏ bazan bụi mù trời, trẻ em đa số không được đến trường… sau nhiều đêm trằn trọc, bà quyết định lấy hết số tiền gom góp mua chục con bò rồi cho bà con mượn. Mỗi năm bò mẹ đẻ ra một con bê, bò mẹ lại được đem cho nhà khác nuôi lấy giống. Bà H’Lâm cho biết: “Nhờ cho mượn bò mà nhiều người đã có bò nuôi mà không tốn tiền mua giống”.
Bà cũng hướng dẫn người dân chuyển từ trồng lúa rẫy sang trồng những cây ngắn ngày như bắp, mì… phù hợp với khí hậu nắng nóng vùng biên giới. Nhờ vậy mà cuộc sống của người dân nơi đây từng bước thay đổi, trẻ em được học cái chữ.
Với vai trò là nữ già làng, hàng ngày già H’Lâm cùng bộ đội biên phòng đi cả chục cây số đường rừng để tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền. Già H’Lâm luôn nhắn nhủ, dặn dò người dân không nghe lời kẻ xấu mà vượt biên trái phép hay buôn bán các chất trái phép. Trong công tác dân vận, già H’Lâm luôn đi đầu trong tuyên truyền chị em dân tộc thiểu số về chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Giúp dân “bước qua lời nguyền”
Chuyện của vài chục năm trước ở làng khiến người nghe như lạc vào một thế giới nào xa xưa với những hủ tục chôn chung, “chôn con theo khi người mẹ chết”, bóp chết đứa trẻ ngay khi sinh ra nếu như bị dị tật… Ngày xưa, những hủ tục ăn sâu trong tiềm thức nhiều người Gia Rai không dễ gì xóa bỏ, cho tới khi già H’Lâm “ra tay”.
Già H’Lâm đang chia sẻ cách làm kinh tế với người dân. |
Những năm tháng trong quân đội đã giúp người phụ nữ này rèn giũa những kỹ năng vận động nhân dân. Người dân nơi đây, bất kể ai chưa hiểu gì về pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đều tới tìm bà. Trong xóm, có những nhà hiềm khích với nhau cũng bà đứng ra hòa giải… Người làng gọi bà là “người mẹ lớn”, vừa mềm mại vừa mạnh mẽ khi giải quyết chuyện làng. Đã có khoảng hơn hai chục đứa trẻ của làng, nhờ bà mà có thể thoát khỏi cảnh suýt bị đoạt mạng bởi những hủ tục.
Như anh Rơ Lan Thul từng suýt bị chôn sống khi người mẹ sinh anh ra thì mất. Người đàn bà xấu số đó đi làm rẫy về thì sinh con ngay bên bờ suối. Sinh con xong, nước lũ lên cao khiến sản phụ nhiễm lạnh rồi mất. Khi dân làng tìm tới, chỉ thấy một đứa trẻ chưa kịp cắt dây rốn nằm trong lòng người mẹ đã lạnh toát. Theo tập tục lúc đó, đứa trẻ phải chôn theo mẹ, nếu đem về làng sẽ trở thành điềm xấu cho dân làng.
Già H’Lâm không đồng ý, quyết “bước qua lời nguyền”. Bà kể lại: “Mình tuy không lấy chồng, chưa từng sinh con nhưng nhìn đứa trẻ khóc oe oe bên cạnh mà phải chôn sống theo mẹ nó, mình không đành lòng. Tuy đó là tập tục của làng, mình đành phải làm trái lệ làng. Đứa trẻ đó phải được sống như bao đứa trẻ khác”.
Đó còn là chuyện về Rơ Châm Phót và Rơ Châm Phét, nay hai đứa trẻ đã trở thành những chàng trai nhưng bà H’Lâm vẫn nhớ như in câu chuyện. “Cách đây gần 20 năm, hôm đó trời mưa như trút nước, mình nghe tin Rơ Châm Thon sinh đôi hai con trai. Theo tập tục phải bóp chết 1 đứa vì đó là “điềm gở” của dân làng”. Mình chạy ngay đến, quyết không được bóp chết đứa nào. Thế nhưng, nhà người ta nghèo quá, sợ làng phạt vạ, không có tiền nộp phạt để tế Giàng (Trời – NV). Mình phải giải thích cho bà con làm như vậy là vi phạm pháp luật, là ác độc. Bản thân mình cũng phải hứa với gia đình hai đứa trẻ là làng sẽ không phạt vạ, không phải cúng làng”…
Làng Krông ngày trước còn tồn tại “luật tục chôn chung”, hủ tục lạc hậu kéo theo nhiều bệnh tật. Bất kể nhà nào có người chết là chôn chung một nấm mồ, người chết trước nằm dưới, người chết sau nằm chồng lên, “nêm chặt” trong một quan tài. Có người vừa chôn, thân thể chưa phân hủy thì nắp quan tài lại phải dỡ lên đưa thêm thi thể mới vào.
Già H’Lâm quyết vận động đưa người chết ra nghĩa địa, bỏ tập tục chôn chung. Lúc đầu, mọi người lắc đầu kiên quyết không chịu: “Tục ông bà rồi, sao bỏ được”. Già H’Lâm không bỏ cuộc, cứ vận động kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Dân làng thấy già không bị Giàng phạt, dân trong làng không ai ốm đau, trâu bò vẫn sinh nở, lúa tốt, bắp nhiều hạt. Thế là già H’Lâm nói đúng, dân làng nghe thôi.
Ông Ngô Ngọc Tiến, Chủ tịch xã Ia Mơ cho biết: Tại địa phương, già làng H’Lâm luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Già luôn nhiệt tình tham gia trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn và tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc cùng với lực lượng biên phòng. Đối với những người lầm đường lạc lối vượt biên, được già vận động trở về quê hương, tu chí làm ăn cùng với gia đình. Gần đây nhất, trước ngày bầu cử, già đã cùng cán bộ xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền cho người dân nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đi bầu cử.
Bà Ksor H’Lâm giữ chức già làng từ năm 1998 đến nay, được các chính quyền, đoàn thể tặng nhiều bằng khen như: Bằng khen “Già làng tiêu biểu” của UBND tỉnh, UBND huyện Chư Prông tặng Giấy khen “Có thành tích xuất sắc trong bảo vệ an ninh trật tự”; Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tặng Bằng khen “Vì thành tích xuất sắc trong xây dựng Hội”…