Có duyên với nghiệp diễn
Hương Dung sinh năm 1960, quê gốc ở Thái Bình nhưng gia đình sinh sống ở Hà Nội. Xinh đẹp và năng động, hát hay, có năng khiếu diễn xuất nên ngay từ tuổi thiếu niên cô bé Hương Dung đã ấp ủ ước mơ sau này trở thành một ngôi sao. Tuy nhiên, ước mơ này của Hương Dung không được gia đình ủng hộ. Năm 1973, khi vừa tròn 13 tuổi, Hương Dung giấu cha mẹ đi thi tuyển diễn viên và trúng tuyển vào Trường Sân khấu Việt Nam nay là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội khoa diễn viên. Nhưng vì cha mẹ không đồng ý nên Hương Dung đành ngậm ngùi tiếp tục ở nhà đi học.
Năm 1975, Hương Dung lên đường nhập ngũ, chị trở thành lính thông tin của Trường Quân chính trực thuộc Quân khu 3. Trong thời gian ở quân ngũ, Hương Dung tích cực tham gia các phong trào văn nghệ và nhanh chóng trở thành “ngôi sao”. Sau đó chị thi và trúng tuyển diễn viên vào Đoàn Tổng cục Chính trị và chị đã được tuyển thẳng vào Đoàn văn công Quân khu 3, tuy nhiên vì một số lý do chị chưa nhận được thông báo trúng tuyển.
Hết thời hạn quân ngũ, chị trở về tiếp tục ôn thi văn hóa và theo học tại Trường Trung cấp Tài chính kế toán số 1 ở Nho Quan (Ninh Bình). Ra trường, chị vừa đi làm vừa học tiếp ở Trường Thương nghiệp, tuy nhiên có vẻ công việc của một công chức mẫn cán không hợp với cô gái xinh đẹp có năng khiếu nghệ thuật như Hương Dung. Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị tâm sự: “Thú thật là từ trong sâu thẳm tâm hồn, Hương Dung luôn khao khát có một phép màu để được hoạt động trong môi trường nghệ thuật, ngành nghề nghệ thuật. Ngày đó, cứ nhớ lại quãng thời gian trong quân ngũ tuy gian khổ nhưng được cháy hết mình cho nghệ thuật là mình lại bồi hồi, khát khao…”.
Thật may mắn là năm 1978, Đoàn văn công Quân khu 3 tìm thấy chị (người đã trúng tuyển vào đoàn nhưng chưa được tuyển vào trường) và chị được mời về làm việc tại Đoàn văn công Quân khu 3. Cũng trong khoảng thời gian này, chị đã tìm được “một nửa” của mình cũng là một diễn viên của Đoàn văn công Quân đội.
Vợ chồng cùng nghề nên anh chị rất tâm đầu ý hợp. Công tác tại Đoàn văn công Quân khu 3 một thời gian, Hương Dung chuyển sang Đoàn kịch Nội vụ nay là Đoàn kịch nói của Bộ Công an. Được hoạt động trong môi trường nghệ thuật, Hương Dung như cá gặp nước, chị cống hiến hết mình cho công việc, cho vai diễn. Vào năm 1985 khi tham gia diễn vai chính nữ ký giả trong vở kịch “Nữ ký giả”, Hương Dung giành Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật toàn quốc.
Sau khi nghỉ chế độ ở Đoàn nghệ thuật Nội vụ, Hương Dung tiếp tục tham gia cộng tác với Hãng phim truyền hình Việt Nam. Đây mới là khoảng thời gian rảnh rang để chị cống hiến và thể hiện mình trong vai trò là người tổ chức sản xuất phim, tổ chức nhóm lồng tiếng, làm phó đạo diễn và tham gia các vai diễn khi cảm thấy phù hợp.
Lĩnh vực nào cũng tròn vai
Diễn kịch và tham gia nhiều bộ phim truyền hình đình đám nhưng nữ diễn viên Hương Dung được biết đến nhiều nhất qua hàng loạt vai diễn những người phụ nữ thành thị ghê gớm, thực dụng, nhiều mưu mô, thủ đoạn. Vai diễn thành công điển hình của Hương Dung với tuýp nhân vật này phải kể đến vai phu nhân Thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong sê ri phim truyền hình dài tập “Chạy án”.
Khán giả ấn tượng với bà Dung - phu nhân Thứ trưởng đẹp mặn mà, lịch thiệp, đôi mắt sắc như dao với ứng xử khôn khéo. Nhân vật của chị là một phụ nữ giỏi giang, hoàn hảo theo đúng nghĩa “giàu vì bạn, sang vì vợ” nếu như bà Dung đừng quá sa vào cái bẫy “tham, sân, si” của cuộc đời. Vì lòng tham, bà Dung đã lợi dụng “cái bóng” của ông chồng Thứ trưởng để “nhận quà”, không những thế, người đàn bà này còn mắc lỗi lầm lớn không thể tha thứ là đã phản bội ông chồng đáng kính để cặp kè với thuộc cấp thân tín của vị Thứ trưởng, gián tiếp đẩy chồng vào hành vi phạm pháp thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thành công ở vai phản diện nhưng nhân vật do Hương Dung thủ vai đã để lại nhiều bài học sâu sắc về đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử.
Hay như vai bà Hà- mẹ nuôi của Lê Thành trong phim “Người phán xử” đang “dậy sóng” trên VTV do Hương Dung thủ vai. Dù chỉ là một nhân vật phụ nhưng Hương Dung đã để lại ấn tượng đẹp về hình tượng người phụ nữ hết lòng vì chồng con, yêu thương con nuôi như con đẻ. Cái câu “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời tình mẹ vẫn theo con” thật đúng với tấm lòng của người mẹ mà Hương Dung thủ vai, dẫu con mình có phạm sai lầm, có đầy nhược điểm thì tình mẹ vẫn ân cần, bao dung tha thứ bằng tình yêu thương vô bờ bến…
Dù đã nghỉ chế độ nhưng thực chất giờ đây Nghệ sĩ Ưu tú Hương Dung còn bận rộn hơn cả khi công tác ở Đoàn kịch Bộ Công an. Bạn bè, khán giả yêu quý chị ngạc nhiên khi thấy dường như Hương Dung càng bận rộn thì trông chị càng trẻ trung, nhuận sắc. Dù đã lên chức ông bà ngoại mấy năm nay nhưng Hương Dung vẫn năng động, bận rộn “như con thoi” khi thì đóng phim, lúc lồng tiếng, đi dạy diễn xuất, tham gia đạo diễn phim... “Bà ngoại” Hương Dung cười tươi rói, thanh minh rằng không phải chị tham công tiếc việc nhưng tại công việc cứ thế cuốn chị đi. Chị quen với bận rộn rồi, cứ ở nhà lâu là… tự nhiên phát ốm.
Nghệ sĩ Ưu tú Hương Dung bảo, chị thật may mắn là có người chồng cùng nghề, yêu và hiểu chị, hậu thuẫn cho chị để chị yên tâm tham gia những dự án phim xa nhà. Chị cũng tự nhận mình thật may mắn và giàu có khi có “gia tài” là ba người con thông minh, giỏi giang. Là con nhà nòi nên cả ba người con của chị đều bước chân vào nghệ thuật từ sớm khi tham gia đóng phim, lồng tiếng từ nhỏ. Có điều, vợ chồng chị dù thích nhưng chỉ muốn các con tham gia nghệ thuật như một cuộc chơi để thỏa niềm đam mê chứ không muốn các con theo con đường nghệ thuật.
Chính vì vậy dù con gái lớn và con trai thứ 2 đều đã học đạo diễn và diễn viên, từng làm phim nhưng hiện cả hai đều làm trong ngành hàng không. Cô con gái út học ngành kinh doanh tại Trường Đại học Quốc tế Úc. Tổ ấm gia đình với người chồng mẫu mực và ba người con giỏi giang là điều khiến chị tự hào và hài lòng nhất về cuộc sống hiện tại.