Giá xăng tăng hơn 10% đã ngay lập tức khởi động một phản ứng dây chuyền. Nỗi lo của người dân về tình trạng “tát nước theo xăng” đã thành hiện thực.
Ảnh minh họa. |
Doanh nghiệp vận tải rục rịch tăng giá
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội xác nhận, các DN đang cân nhắc điều chỉnh giá cước để ứng phó với việc tăng giá xăng dầu. “Nâng giá cước vận tải là một “việc chẳng đặng đừng” của các DN, rồi còn kéo theo nhiều chi phí như phát hành vé, niêm yết giá cước…" – ông Liên nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, lâu nay DN vận tải vẫn luôn phải “chạy theo” các DN xăng dầu. “Việc tăng giá cước rất nhạy cảm vì tác động lớn tới “túi tiền” của người dân, cũng như yếu tố đầu vào của nhiều DN sản xuất khác. Với thực tế giá xăng tăng 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải taxi tăng khoảng 5%, còn dầu diezen tăng khoảng 5% sẽ làm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách tăng khoảng 2%” – ông Hùng cho biết.
Trong các doanh nghiệp vận tải, các hãng taxi là có khả năng điều chỉnh giá nhanh nhất, nhưng cũng phải mất khoảng nửa tháng để báo cáo, đề xuất mức tăng và thực hiện điều chỉnh đồng hồ tính cước với sự giám sát của các cơ quan chức năng. Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Công ty Taxi Vinasun, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP. HCM cho biết, khi giá xăng tăng 2.000 đồng/lít thì giá taxi phải tăng tương ứng 1.000 đồng/km. Tuy nhiên việc tăng giá cước taxi là bao nhiêu thì Hiệp hội Taxi TP.HCM sẽ có văn bản tới các cơ quan chức năng xin phép tăng giá cước, thời gian tăng giá có thể là một vài ngày tới.
Xăng dầu tăng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp
Nguyên liệu đầu vào tăng, nhiều lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ khác cũng đồng loạt tăng giá sản phẩm. DN nào cũng cho rằng “việc tăng giá là để giảm bớt lỗ và nằm ngoài sự kiểm soát của DN”.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt (Pomina) than, trong hai tháng đầu năm 2012, sản lượng tiêu thụ thép đã sụt giảm 10% do các nhà thầu xây dựng, các công trình xây dựng nhà ở hoạt động yếu ớt, thậm chí “đắp chiếu” không mua hàng.
Thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, lượng thép tiêu thụ trong tháng 2/2012 chỉ đạt 360.000 tấn, thấp hơn so với mức bình quân 400.000 - 420.000 tấn/tháng trước đây. Lượng thép tồn kho của ngành thép hiện nay còn khoảng 350.000 tấn, chưa kể 560.000 phôi thép chuẩn bị sản xuất cho tháng tới.
Trong bối cảnh đó, việc tăng giá xăng dầu sẽ tạo thêm áp lực lớn cho ngành thép. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, để sản xuất một tấn thép nhà máy tiêu tốn 35- 40 kg dầu, như vậy mỗi tấn thép buộc phải cộng thêm ít nhất từ 75.000 đồng.
Chỉ một ngày sau khi tăng giá xăng, Bộ Tài chính đã thông báo giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dầu diezel, dầu hỏa từ 3% xuống 0% từ 8/3. Tuy nhiên, thông tin giảm thuế đã lọt thỏm trước thông tin tăng giá xăng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu từ 16h ngày 7/3 sẽ tác động 0,85% lên chỉ số giá năm 2012, trong đó tác động vòng 1 là 0,24%, vòng 2 là 0,61%. Tuy nhiên, thông tin này cũng không an ủi được nhiều người.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá cả ở các chợ bán lẻ trong nội thành Hà Nội đã nhích lên. Tại chợ Cống Vị, chợ Thành Công, giá thịt lợn, thịt bò bán lẻ đã tăng thêm trung bình 2.000 đồng – 5.000 đồng/kg tùy loại. Giá rau sạch tăng thêm khoảng 1.500 đồng/kg, rau thường tăng thêm 1.000 đồng/kg. Giá thịt gà (dù đang có dịch cúm gia cầm) cũng tăng nhẹ trong khi sức mua không tăng. Giá cá tăng rõ nhất, khoảng 7.000đồng/kg đối với cá loại 1, vì “chi phí vận chuyển tăng, chi phí đầu vào của việc nuôi cá cũng tăng lên”…
Rõ ràng, ngoài cái gọi là “sự chẳng đặng đừng”, nỗi lo của người dân về tình trạng “tát nước theo xăng” đã thành hiện thực.
Thúy Ngân –Mị Na