Tại Bangkok, thủ đô Thái Lan có một quán cà phê nổi tiếng với đồ trang trí là quan tài, xương người... thu hút sự quan tâm của nhiều thực khách. Quán có tên gọi là Kid Mai Death Cafe.
Lấy ý tưởng từ cái chết, quán cà phê là sản phẩm của giáo sư, nhà nghiên cứu xã hội Veeranut Rojanaprapa, theo Odd.
Mục đích của quán là muốn thực khách đến và trải nghiệm cảm giác tham gia vào đám tang của chính mình, nhận thức về cái chết.
Kid Mai Death Cafe cũng muốn những người ghé thăm biết trân trọng cuộc sống hơn và hiểu được rằng, khi chúng ta chết đi cũng không thể mang theo bất kỳ thứ gì như của cải, tiền bạc, công danh, sự nghiệp...
Khách đến quán, ngoài việc gọi một cốc cà phê và nhâm nhi những chiếc bánh hình xương người, họ có thể tham gia vào các hoạt động giải trí khác.
Những món đồ uống của quán cũng có tên gọi khác thường như: đau đớn, cái chết...
Một trong số trải nghiệm là chui vào quan tài và nằm đợi đậy nắp. Điều này giúp bạn có thể hình dung ra được những gì sẽ xảy ra trong đám tang của mình.
Những người dám chui vào quan tài sẽ được giảm giá đồ uống.
"Tôi có cảm giác như mình đang đến một đám tang vậy", Duanghatai Boonmoh, 28 tuổi, vừa cười vừa nói khi cô đang nhấm nháp một viên kẹo có tên "tử thần".
Không chỉ riêng Duanghatai, bạn bè và các khách hàng khác cũng rất tò mò với việc nằm thử trong quan tài.
"Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nếu không ai mở nắp quan tài ra thì sao. Làm thế nào để báo hiệu với mọi người rằng mình đang nằm trong này, và mình còn sống. Tôi nghĩ đó là cảm giác mà bạn sẽ trải qua khi biết mình sắp chết".
Chủ nhà hàng cho biết ông muốn truyền tải những thông điệp ý nghĩa hơn là việc xây dựng ý tưởng kỳ quái để quảng cáo nhằm hút khách.
Giáo sư Veeranut cho biết, khi con người đã nhận thức được về cái chết, họ sẽ sống bớt tham lam và giận dữ hơn. Con người cũng vì thế mà sống tốt hơn. Veeranut cũng nói thêm rằng, ông cũng nghĩ về cái chết của mình hàng đêm.
Bên cạnh những lời khen ngợi, quán bị nhận nhiều chỉ trích. Một số người cho rằng mô hình quán này không phù hợp, nó mang lại vẻ tang tóc.
Có người thậm chí còn tránh đi qua cửa hàng này vì cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên Veeranut cho biết ông hoan nghênh mọi ý kiến bàn luận về quán của mình, kể cả những lời khen và sự chỉ trích. Với ông, việc nhận nhiều chỉ trích cũng là một sự thành công.