“Khái niệm xa xỉ”
Theo thống kê, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỉ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Báo cáo của Vụ Thư Viện, Bộ VH,TT&DL cho thấy, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số.
Con số trên thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như: Singapore: 14 cuốn/năm, Malaysia: 10 cuốn/năm, Nhật là 20 cuốn… Những dân tộc như: Đức, Pháp, Isreal, một người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm.
Không ngại chi 63 nghìn tỷ đồng uống rượu bia mỗi năm, nhưng người Việt Nam lại chỉ dám bỏ 2 nghìn tỷ đồng mua sách, không bằng số lẻ. Giáo sư Lê Văn Lan cho hay: “Người ta vẫn ví sách là nguồn tri thức vô giá của nhân loại, nhưng phần nhiều giới trẻ không đọc để lĩnh hội tinh hoa đó, mà lại mê “chém gió” ở hàng bia”.
Khảo sát tại thư viện các trường ĐH lớn của Hà Nội như: ĐH Sư phạm 1, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn… có thể nhận thấy ngay tình trạng thưa vắng người đọc. Thư viện rộng rãi, khang trang, sách thì nhiều mà người đọc thì ít. Theo khảo sát 100 sinh viên của Trường ĐH Tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội thì chỉ có khoảng 30% sinh viên tiếp cận thông tin từ sách, số còn lại chủ
yếu sử dụng mạng internet. Tương tự ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng chỉ có khoảng 25% sinh viên thường xuyên đọc sách. Và có lẽ không đến 1% số sinh viên biết thư viện quốc gia ở đâu. Có một thực tế là nơi đây cũng chung số phận như thư viện ở các trường ĐH.
Giảng viên, TS Ngô Văn Giá - ĐH Văn hóa Hà Nội cho biết, sinh viên của ông là “dân” văn hóa, báo chí, văn học chuyên ngành, nhưng phần lớn cũng rất lười đọc sách. Một trong những điều thầy thường phải nhắc nhở học trò là đọc, đọc thật nhiều và đọc có lựa chọn.
Th.S Phan Quốc Hải (ĐH Khoa học Huế) cho rằng: “Sinh viên hiện nay rất ít đọc sách, thậm chí có một bộ phận không nhỏ không biết đến khái niệm đọc sách là gì. Một bộ phận lớn sinh viên hiện nay đọc sách rất thụ động, nghĩa là họ chỉ đọc khi có yêu cầu của giảng viên để thuyết trình, làm bài tập nhóm, thảo luận, kiểm tra... hoặc đọc theo kiểu phong trào, nói chung là để đối phó và phục vụ cho việc học một cách tức thời, họ chưa xem đọc sách như là công việc chính của việc học tập theo hệ tín chỉ như hiện nay”.
Thắp lửa tri thức
Để tôn vinh Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam, hưởng ứng tinh thần “Thắp lửa tri thức”, Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022 được tổ chức tại địa chỉ https://book365.vn từ ngày 19/4 kéo dài đến hết ngày 20/5/2022. Hội sách trực tuyến do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Công ty CP Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education trực thuộc Tổng Công ty V&V phối hợp tổ chức.
Để vận động sự chú ý của toàn xã hội, Ban Tổ chức năm nay sẽ thực hiện chuỗi sự kiện tọa đàm “Kiến giải thông điệp sách hay cùng người nổi tiếng” với sứ mệnh thông qua nhiệt huyết, sức ảnh hưởng và tình yêu của những người có tấm lòng thiện lương, có nền tảng tri thức vững vàng và uy tín trong xã hội, bằng những trải nghiệm thực tế đã trải qua của mình, các đại biểu sẽ chia sẻ kiến giải về những ý hay, những nội dung tâm đắc trong từng cuốn sách mình từng đọc, cùng thảo luận và trả lời những câu hỏi của độc giả trong các chương trình.
Mỗi buổi tọa đàm sẽ được diễn ra trong không gian giao lưu tri thức ấm cúng, sang trọng, được lan toả rộng rãi trên các kênh toạ đàm trực tuyến của Hội sách, qua đó góp phần trao truyền cảm hứng đọc sách đặc biệt góp phần thắp lửa tri thức nước nhà.
Dự kiến những khách mời đang được Ban Tổ chức liên hệ và mời tham dự như: Ca sỹ Mỹ Tâm, Nghệ sỹ Thành Lộc, diễn viên Trương Ngọc Ánh, MC Trấn Thành, Ca sỹ Mỹ Linh... các doanh nhân yêu sách,... kỳ vọng sẽ “thổi lửa” cho hoạt động phát dương tri thức nước nhà trong Hội sách trực tuyến năm nay.
Book365 dự kiến tiếp tục triển khai các chương trình trợ giá sách từ 30-50% cho bạn đọc ở khắp các tỉnh, thành, dự kiến 20.000-30.000 đơn vận chuyển sách miễn phí. Tất cả đang cùng nhau thắp lên ngọn lửa tri thức trong toàn đất nước sau 02 năm đình trệ đầy khó khăn của đại dịch.
Ngoài ra, Hội sách trực tuyến Quốc gia 2022 năm nay lần đầu tiên tổ chức cuộc thi “Nhà thông thái” nhằm tìm ra 100 nhà thông thái trên khắp Việt Nam, với ý nghĩa truyền cảm hứng và lan toả phong trào đọc sách tới tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Một thực tế là, nếu có đọc sách thì loại sách được giới trẻ đọc nhiều nhất là: truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%). Lướt qua con phố sách Đinh Lễ, Nguyễn Xí (Hà Nội) có thể thấy hàng loạt các tác giả như Tào Đình, Tiên Chanh, Cỏ Mạn, Trang Trang… được các bạn trẻ săn đón khi sách của họ được xuất bản. Rất hiếm người để tâm tới: “Thép đã tôi thế đấy”, “Những người khốn khổ”, “Nhà thờ Đức Bà Paris”... từng là sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ. Với họ, những quyển sách “gối đầu giường” đọc nhức đầu, mất nhiều tư duy, “hại não”, mất thời gian.